Bánh mì chấm muối tiêu

Bánh mì chấm muối tiêu

Bánh mì chấm muối tiêu

TGPSG -- Tại một góc nhỏ của giáo xứ Bàn Cờ - nơi những buổi chiều thứ Sáu vang lên tiếng cười đùa và tiếng đọc Kinh đều đặn, có một món ăn bình dị đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ lễ sinh – Bánh mì chấm muối tiêu. Không đơn thuần chỉ là một bữa ăn nhẹ trước giờ sinh hoạt, món ăn ấy đã trở thành biểu tượng cho tinh thần sẻ chia, yêu thương và tình huynh đệ giữa các thành viên trong Ban Lễ Sinh.

Năm 1992, cha Phêrô Võ Văn Ngộ kêu gọi ông Tuyến ra giúp xứ cho cha. Khi đó cha mới về làm chánh xứ tiên khởi. Thế là những ngày nào không đi cầu nguyện hay dạy giáo lý thì ông lên nhà thờ trực cung thánh và dự lễ.

Rồi có những chiều dự lễ xong, trên đường đi bộ về nhà, có một bà bác cũng về cùng đường gọi ông lại nói chuyện chơi. Không biết vô tình hay cố ý, bà chê thánh lễ không uy nghiêm: cha làm lễ một mình, không ai giúp lễ, mất vẻ trang trọng. Bà hỏi ông Tuyến: có thấy vậy không? Ông nói với bà “cũng bình thường mà bác”. Nhưng bà nói: “Cậu quan sát lại đi, phải có giúp lễ thì coi mới đúng là thánh lễ chứ, các giáo xứ người ta đều có mà...” Thế là ông Tuyến quan sát và nghĩ: "chắc là Chúa muốn, nên cho người nhắc nhở mình..." Vài tháng sau, ông Tuyến nói chuyện với cha Ngộ và xin cha cho ông giúp lễ thử nghiệm. Lễ sinh đầu tiên và những bước đầu tiên hình thành Ban Lễ Sinh giáo xứ Bàn Cờ sau này, đã khởi sự như thế.

Ban Lễ Sinh Bàn Cờ được thành lập vào khoảng năm 1993–1994, bắt đầu từ những buổi họp nhỏ để chia sẻ lời Chúa, tập hát Thánh Ca, phân chia lịch giúp lễ và lịch tập giúp lễ. Khi các phụ huynh biết đến Ban Lễ Sinh trong giáo xứ, bắt đầu đưa con em đến gửi gắm. Các em thiếu nhi, từ lớp 3 đến lớp 12, tự nguyện tham gia, dần hình thành nên một tập thể đoàn kết và nhiệt huyết - nơi các em được rèn luyện tính kỷ luật, trách nhiệm được phân chia rõ ràng, tinh thần phục vụ nhà Chúa được lan tỏa trong từng thành viên.

Giai đoạn đầu là khoảng thời gian đầy thử thách. Giáo xứ lúc ấy còn nghèo, điều kiện sinh hoạt hạn chế. Trưởng Ban Lễ Sinh, ông Augustino Nguyễn Trung Tuyến – người được các em thân mật gọi là “Bố Già” – đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cả tập thể. Bố hiểu được các bạn nhỏ, có bạn dành thời gian đi học để lên họp, có bạn chưa ăn cơm đã chạy đến để kịp giờ họp.

Bố muốn khích lệ các bạn nhỏ, muốn các em có một bữa ăn nhẹ trước khi vào buổi họp Lễ Sinh. Không có ngân quỹ, Bố dùng tiền túi để mua bánh mì cho các em. Loại bánh mì rẻ nhất “năm ngàn ba ổ”, nhỏ nhưng lớp vỏ ngoài giòn tan, ruột mềm, thơm ngon. Muối tiêu được đổ ra trên tờ trang giấy xé từ cuốn sổ ghi chép của Bố, dùng để chấm cùng bánh mì. Đó là bữa ăn trước giờ sinh hoạt mà ai cũng mong đợi. Bánh mì nuối tiêu đặt ở giữa, Bố ra hiệu cho các bạn tập trung lại bàn họp, thinh lặng, làm dấu Thánh Giá, cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, và dâng lời cầu nguyện. Xong, các em lễ sinh vẫn đứng nghiêm trang, đợi Bố Già ra hiệu các bạn mới bắt đầu "nhập tiệc".

Trong những lúc khó khăn hơn, việc mua bánh mì trở thành trách nhiệm chung. Các thành viên góp từng đồng lẻ, cùng nhau chia sẻ những miếng bánh giản dị nhưng đậm tình nghĩa. Bữa ăn không chỉ làm dịu cơn đói, mà còn gắn kết các lễ sinh lại với nhau, xây dựng tinh thần đồng đội và sẻ chia.

Hình ảnh ông Tuyến chia từng miếng bánh cho các em lễ sinh khiến nhiều người liên tưởng đến bữa Tiệc Ly – nơi Chúa Giêsu bẻ bánh và trao cho các môn đệ. Không chỉ đơn thuần là hành động chăm sóc vật chất, đó còn là sự nuôi dưỡng tinh thần, là cách truyền đạt những bài học yêu thương, hy sinh và hiệp nhất, các em là men, là muối, là ánh sáng cho đời.

Sau bữa ăn, các hoạt động sinh hoạt được bắt đầu: chia sẻ Lời Chúa, luyện tập Thánh Ca, phân chia lịch trực giúp lễ, và cùng nhau rút kinh nghiệm. Bầu khí thân tình, sự thẳng thắn và tình yêu thương trong buổi họp đã góp phần hình thành nên nhân cách và tinh thần phục vụ của các lễ sinh.

Từ những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống giáo xứ, các thế hệ sau không còn phải ăn bánh mì chấm muối tiêu nữa. Thực đơn được “nâng cấp” với patê, chả lụa, và các món ăn phong phú hơn. Dù đó là điều tích cực cho điều kiện sống, nhưng một số lễ sinh đời đầu cho rằng điều ấy cũng vô tình làm phai nhạt đi tinh thần sẻ chia và sự gắn kết từng được hun đúc trong sự thiếu thốn. Những bữa ăn giờ đây trở thành điều hiển nhiên, đối với các bạn nhỏ - điều này không còn mang ý nghĩa đặc biệt như trước.

Dẫu vậy, những giá trị cốt lõi vẫn được truyền lại. Các anh em đi trước – dù có người tiếp tục đồng hành, có người đã rời xa vì cuộc sống – vẫn không ngừng đóng góp, dõi theo và hỗ trợ thế hệ tiếp theo.

Trong dịp Tết, một buổi họp mặt giữa các thế hệ lễ sinh đã được tổ chức vào mùng Ba. Trên những mâm cơm đầy đủ và thịnh soạn, khi nhắc lại món bánh mì chấm muối tiêu năm nào, nhiều ánh mắt rưng rưng, nhiều nụ cười pha lẫn xúc động. “Bố Già” cùng những anh em từng chia nhau từng miếng bánh truyền thống năm xưa, không giấu nổi niềm bồi hồi. Bữa ăn đơn sơ năm ấy, giờ đây hiện diện như một ký ức sống động, gợi nhắc tình nghĩa thiêng liêng từng được vun đắp từ những điều giản dị nhất.

Nguyễn Tiến Cường (TGPSG)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top