Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo năm 2025: “Hạt giống hòa bình và hy vọng”

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo năm 2025: “Hạt giống hòa bình và hy vọng”

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo năm 2025: “Hạt giống hòa bình và hy vọng”

WHĐ (02/7/2025) Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV nhân ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo lần thứ 10, sẽ được cử hành vào thứ Hai ngày 01 tháng 9 năm 2025, với chủ đề “Hạt giống hòa bình và hy vọng”:

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC THỤ TẠO LẦN THỨ 10

Ngày 01 tháng 9 năm 2025

Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng

Anh chị em thân mến!

Chủ đề của ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo năm nay, được Đức Thánh Cha Phanxicô yêu quý của chúng ta chọn là: “Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng.” Vào dịp kỷ niệm mười năm thiết lập ngày Cầu nguyện này, trùng với thời điểm công bố Thông điệp Laudato Si’, chúng ta đang cử hành Năm thánh hiện tại như là “Những người hành hương của hy vọng.” Do đó, chủ đề năm nay thực sự đúng thời điểm và mang nhiều ý nghĩa.

Khi loan báo Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh hạt giống. Khi gần đến cuộc Thương khó, Ngài đã áp dụng hình ảnh đó cho chính mình, khi sánh ví mình như hạt lúa mì phải chết đi để sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24). Hạt giống được vùi trong lòng đất, và từ đó – một cách thật kỳ diệu – sự sống nảy mầm, ngay cả ở những nơi không ngờ tới, như một lời hứa về khởi đầu mới. Chúng ta có thể nghĩ đến những bông hoa mọc lên bên vệ đường từ những hạt giống rơi xuống cách ngẫu nhiên. Khi những bông hoa đó lớn lên, chúng làm bừng sáng mặt đường xám xịt và thậm chí còn có thể xuyên qua bề mặt cứng rắn ấy.

Trong Đức Kitô, chúng ta cũng là những hạt giống – và thật vậy, là “hạt giống của hòa bình và hy vọng.” Ngôn sứ Isaia nói với chúng ta rằng Thần Khí Thiên Chúa có thể biến sa mạc khô cằn thành vườn cây, nơi nghỉ ngơi và thanh thản. Ngài nói: “Cho đến ngày, từ trên cao, thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta. Bấy giờ, sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng. Lẽ chính trực sẽ ở trong sa mạc, và đức công minh trong vườn cây ăn trái. Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hoà bình. Thành quả của đức công minh sẽ là sự yên hàn và an ninh vĩnh cửu. Dân Ta sẽ ở trong cảnh thái bình, trong nơi ở an toàn, trong chốn nghỉ thảnh thơi” (Is 32,15-18).

Những lời của ngôn sứ Isaia sẽ đồng hành trong “Mùa Thụ Tạo,” một sáng kiến đại kết được cử hành từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 04 tháng 10 năm 2025. Những lời ấy nhắc chúng ta rằng, cùng với việc cầu nguyện, chúng ta cần có quyết tâm và hành động cụ thể, để “sự âu yếm của Thiên Chúa” có thể trở nên hữu hình trong thế giới chúng ta (x. Laudato Si’, 84). Ngôn sứ đã đặt công lý và luật pháp đối lập với sự hoang tàn của sa mạc. Sứ điệp của ngài đặc biệt thích hợp cho ngày nay, khi chúng ta chứng kiến nhiều nơi trên thế giới đang bị tàn phá. Bất công ở khắp nơi, vi phạm luật pháp quốc tế và quyền của các dân tộc, sự bất bình đẳng nghiêm trọng và lòng tham dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Những hiện tượng thiên nhiên cực đoan do biến đổi khí hậu bởi con người gây ra đang ngày càng gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất (x. Laudato Deum, 5), chưa kể đến những hậu quả trung hạn và dài hạn ảnh hưởng đến con người và sinh thái do các cuộc xung đột vũ trang gây ra.

Cho đến nay, chúng ta dường như vẫn chưa nhận ra rằng sự tàn phá thiên nhiên không ảnh hưởng đến mọi người như nhau. Khi công lý và hòa bình bị chà đạp, những người bị tổn thương nhiều nhất là người nghèo, những người bị gạt ra bên lề và những người bị loại trừ. Nỗi đau của các cộng đồng bản địa là một biểu tượng điển hình cho vấn đề này.

Không chỉ vậy, thiên nhiên đôi khi còn bị biến thành một món hàng để mặc cả, một món đồ để đổi chác vì lợi ích kinh tế hay chính trị. Hậu quả là công trình sáng tạo của Thiên Chúa bị biến thành chiến trường để giành quyền kiểm soát những tài nguyên thiết yếu. Chúng ta thấy điều này nơi các vùng nông nghiệp và rừng rậm bị rải mìn, các chính sách “đốt sạch”[1], những cuộc xung đột về nguồn nước và sự phân phối không đồng đều các nguyên liệu thô, làm tổn hại các quốc gia nghèo hơn và đe dọa sự ổn định xã hội.

Tất cả những vết thương này là hậu quả của tội lỗi. Đây chắc chắn không phải là điều Thiên Chúa mong muốn khi Ngài trao phó trái đất cho con người, những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Ngài (x. St 1,24-29). Kinh Thánh không hề biện minh cho việc con người “tàn nhẫn với công trình tạo dựng” (Laudato Si’, 200). Trái lại, “các bản văn Kinh Thánh cần được đọc trong bối cảnh của chúng, với một phương pháp chú giải thích hợp, và nhận ra rằng Lời Chúa mời gọi chúng ta ‘canh tác và giữ gìn’ khu vườn thế giới [x. St 2,15]. ‘Canh tác’ có nghĩa là trồng trọt, cày xới hay lao động, trong khi ‘giữ gìn’ nghĩa là chăm sóc, bảo vệ, trông coi và duy trì. Điều này hàm ý một mối tương quan đầy trách nhiệm lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên” (sđd, 67).

Công lý môi sinh – được các ngôn sứ ngầm loan báo – không còn có thể bị coi là một khái niệm trừu tượng hay một mục tiêu xa vời. Đó là một nhu cầu khẩn thiết, vượt quá khuôn khổ của việc bảo vệ môi trường đơn thuần. Bởi vì đây là vấn đề công lý – xã hội, kinh tế và nhân bản. Đối với người tín hữu, đó cũng là một bổn phận phát xuất từ đức tin, bởi vũ trụ phản chiếu dung mạo Chúa Giêsu Kitô, trong Ngài muôn vật đã được tạo thành và cứu chuộc. Trong một thế giới nơi những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả tàn phá do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và ô nhiễm, việc chăm sóc muôn loài thụ tạo trở thành một biểu hiện của đức tin và nhân tính của chúng ta.

Đây là lúc chúng ta cần biến lời nói thành hành động. “Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình tay Chúa sáng tạo là yếu tố thiết yếu của đời sống nhân đức; chứ không phải là một chọn lựa hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo” (Laudato Si’, 217). Khi chúng ta làm việc với tình yêu và kiên trì, chúng ta có thể gieo vãi nhiều hạt giống công lý, từ đó góp phần vào sự triển nở của hòa bình và canh tân niềm hy vọng. Có thể sẽ mất nhiều năm để cây non này sinh hoa trái đầu mùa – những năm tháng ấy đòi hỏi một hệ sinh thái hoàn chỉnh bao gồm sự liên tục, lòng trung thành, tinh thần cộng tác và tình yêu – đặc biệt là khi tình yêu ấy phản chiếu chính Tình yêu tự hiến của Chúa.

Giữa các sáng kiến của Giáo hội như những hạt giống gieo vào mảnh đất này, tôi xin đặc biệt nhắc đến dự án Làng Laudato Si’ (Borgo Laudato Si’) mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã để lại cho chúng ta tại Castel Gandolfo. Đây là một hạt giống đầy hứa hẹn mang lại hoa trái của công lý và hòa bình, là một dự án giáo dục về sinh thái toàn diện, có thể là hình mẫu cho một lối sống, lao động và xây dựng cộng đoàn theo những nguyên lý của Thông điệp Laudato Si’.

Tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban cho chúng ta dồi dào “Thần Khí từ trên cao” (Is 32,15), để những hạt giống này – và những hạt giống tương tự – có thể sinh hoa kết trái dồi dào của hòa bình và hy vọng.

Thông điệp Laudato Si’ đến nay đã đồng hành với Giáo hội Công giáo và những người thiện chí trong suốt mười năm qua. Ước gì Thông điệp này tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta, và cho sinh thái toàn diện ngày càng được đón nhận như con đường đúng đắn để bước theo. Như thế, những hạt giống hy vọng sẽ ngày càng sinh sôi, để được “canh tác và gìn giữ” nhờ ân sủng của niềm Hy vọng vĩ đại và không bao giờ thất vọng của chúng ta, chính là Đức Kitô Phục sinh. Nhân danh Ngài, tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Tại Vatican, ngày 30 tháng 6 năm 2025

Lễ nhớ Các Thánh Tử đạo Tiên khởi của Giáo đoàn Rôma

ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV

 

Phêrô Lê Minh Hải, OFM & Tâm Bùi
Chuyển ngữ từ: vatican.va

 ---------

[1] X. HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Đất đai và Lương thực, Nhà xuất bản Vatican, 2015, tr. 51-53.

(Nguồn: hdgmvietnam.com)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top