Rôma dưới lòng đất: Một thế giới ẩn giấu và huyền nhiệm
TGPSG/OSV -- Trong Năm Thánh này, hàng triệu khách hành hương sẽ đến Rôma, chiêm ngưỡng những nhà thờ lộng lẫy mạ vàng, các quảng trường duyên dáng và đài phun nước lấp lánh.
Tuy nhiên, có thể nói, vẻ huy hoàng trên mặt đất chỉ như lớp vỏ của trái lựu mà thôi. Bên dưới những con đường lát đá cuội là một thế giới ẩn giấu - một lịch sử đức tin Kitô giáo rộng lớn, nhiều tầng lớp, ăn sâu vào lòng đất. Thế giới ngầm này, gồm các mộ cổ, các hầm mồ và những vương cung thánh đường bị chôn vùi, có nơi sâu đến bốn hoặc năm tầng dưới lòng đất, gìn giữ các truyền thống thánh thiêng và di sản của những tín hữu thời sơ khai.
Chúng tôi kính mời bạn cùng lên đường khám phá một vài kho báu ẩn giấu của Rôma dưới lòng đất.
Thánh nữ Cecilia tại Trastevere
Nằm giữa khu phố duyên dáng Trastevere, Vương cung Thánh đường Thánh nữ Cecilia là minh chứng sống động cho đức tin kiên vững của Thánh Cecilia đồng trinh, tử đạo và là bổn mạng của các nhạc sĩ. Được tôn kính vì đời sống trinh khiết, kiên trung và bác ái, thánh nữ của thế kỷ thứ ba này đã nhất quyết không chối bỏ đức tin vào Đức Kitô, dù phải đối mặt với án tử hình.
Vị tổng trấn địa phương kết án thánh nữ phải chịu nhiều cực hình thể xác, nhưng ngài vẫn can đảm chịu đựng với tiếng hát hân hoan ca ngợi Thiên Chúa trong lòng mình.
Bên dưới vương cung thánh đường nổi tiếng này của thế kỷ thứ 9, là một vương quốc ngầm yên tĩnh - tàn tích của các công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4, hiện là hầm mộ chứa thánh tích của Thánh Cecilia và Thánh Valerian (là chồng đã hứa hôn của Thánh Cecilia).
Tầng dưới có thể đi vào, thông qua một căn phòng nhỏ, phía sau lối đi bên trái của vương cung thánh đường. Mỗi bước chân đi xuống chiếc cầu thang đơn sơ ấy như đưa du khách trở về những ngày đầu của Kitô giáo. Theo truyền thống, một phần của công trình ngầm này từng thuộc về ngôi nhà của gia đình thánh nữ Cecilia. Nơi đây còn lưu giữ tảng đá được cho là nơi máu thánh nữ đã đổ ra.
Vào thế kỷ thứ tư, nhiều bức tường và công trình trong khu vực này đã được hợp nhất thành một tòa nhà duy nhất, trở thành nhà thờ tại gia của Kitô giáo sơ khai- được dâng kính vị thánh vĩ đại này.
Vào khoảng năm 1900, nơi đây được trùng tu và bổ sung thêm các nhà nguyện trang trí bằng tranh khảm mosaic để kính nhớ hai trinh nữ tử đạo: thánh Cecilia và thánh Agnes.
Thánh đường San Clemente
Tựa như món lasagna ngày Chúa nhật của các bà nội trợ Ý, thánh đường San Clemente giống như một dòng thời gian thẳng đứng, xuyên qua nhiều lớp biến chuyển tôn giáo và kiến trúc của Rôma, từ thế kỷ thứ nhất cho đến ngày nay. Sâu dưới lòng đất, tầng thấp nhất để lộ ra dấu tích của các công trình Rôma từ thế kỷ thứ nhất. Trong số đó có một domus (tư gia) và một mithraeum liền kề - một đền thờ dành riêng cho thần Mithras của Ba Tư - cho thấy sự hiện diện của giáo phái huyền bí Mithra thời Rôma cổ đại. Mithraeum thường được xây dựng mô phỏng hình dạng một hang động, và là nơi cử hành các nghi thức khai tâm cho những người gia nhập Mithra giáo.
Cấu trúc nơi đây gồm một lòng nhà đơn giản ở giữa, hai bên là những băng ghế thô sơ sát tường, và chính giữa là bàn thờ có phù điêu thần Mithras đang sát tế một con bò thiêng - một hình ảnh quen thuộc trong việc thờ phượng theo Mithra giáo. Vào thế kỷ thứ tư, một vương cung thánh đường Kitô giáo đã được xây dựng ngay trên nền các công trình Rôma từ thế kỷ thứ nhất vốn đã lỗi thời.
Vương cung thánh đường này mang lại cái nhìn sâu sắc về phụng vụ và nghệ thuật thời Kitô giáo sơ khai, với những bức bích họa khắc họa các cảnh trong Cựu Ước và Tân Ước, cùng với những hình ảnh mô tả cuộc đời Thánh Giáo hoàng Clêmentê I, đấng kế vị thứ ba của thánh Phêrô.
Cấu trúc vương cung thánh đường gồm lòng nhà chính ở giữa và hai hành lang bên, phản ánh phong cách kiến trúc basilica của Rôma cổ đại, vốn là các công trình hành chính dân sự.
Trở lại mặt đường hiện nay, bạn sẽ bị cuốn hút bởi bức tranh khảm lấp lánh nơi cung thánh chính của tầng trên vương cung thánh đường, có niên đại từ thế kỷ XII.
Hầm mộ Thánh Callisto
Được hình thành vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai, nằm giữa hai con đường huyết mạch là Appia Antica và Via Ardeatina, hầm mộ này (chỉ là một trong hơn 60 hầm mộ ở Rôma) đã trở thành nghĩa trang chính thức của Giáo hội Rôma vào thế kỷ thứ 3, khi Đức Giáo hoàng Zephyrinus giao phó việc xây dựng và quản trị nghĩa trang này cho phó tế Callisto.
Cấu trúc ngầm của hầm mộ này trải rộng khoảng 90 mẫu Anh, với hệ thống đường hầm dài chừng 12 dặm, phân bố trên bốn tầng khác nhau. Nơi đây từng chôn cất hơn 500.000 người, trong đó có nhiều vị tử đạo, 16 vị giáo hoàng và vô số tín hữu. Các hành lang tạo thành một mê cung ngầm, với nhiều khu vực vẫn đang được khám phá cho đến ngày nay. Chúng được lấp đầy bởi các loculi (hốc mộ), hầm mộ vòm cong và các nhà nguyện nhỏ. Những bức bích họa và các biểu tượng trang trí trên tường - như hình ngôn sứ Giôna bị phóng ra từ miệng quái vật biển - chính là những Tin Mừng thu nhỏ, tóm lược những tín điều cốt lõi trong đức tin Kitô giáo sơ khai, qua lời của Đức Kitô: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống.” (Ga 11,25)
Thánh đường Thánh Lôrensô Ngoại Thành
Vương cung thánh đường này mang đến một trải nghiệm trang nghiêm dưới lòng đất, thấm đượm chiều sâu lịch sử, linh đạo và khảo cổ của Hội Thánh. Là một trong bảy nhà thờ hành hương truyền thống của Rôma, nơi đây kính nhớ thánh Lôrensô - vị phó tế tử đạo đã hy sinh mạng sống vì Đức Kitô vào năm 258. Trong hành vi can trường cuối cùng, phó tế Laurensô đã dẫn những người nghèo và khốn khổ đến trước nhà cầm quyền Rôma, tuyên bố rằng chính họ là kho tàng đích thực của Hội Thánh. Vì điều đó, ngài bị kết án thiêu sống trên giàn sắt nung đỏ. Nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài vẫn can đảm thốt lên câu nói nổi tiếng: “Lật tôi lại đi, bên này chín rồi,” khi ngọn lửa đang liếm dần thân thể ngài. Suốt bao thế kỷ, các tín hữu hành hương đã đến nơi đây để kính viếng di hài của vị tử đạo anh dũng (và ứng đối khôn ngoan) này. Khi bạn bước theo dấu chân họ đi xuống hầm mộ, bạn sẽ cảm nhận được mùi đá cũ và đất ẩm phảng phất xung quanh.
Di hài của thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh, cũng được an táng trong cùng một ngôi mộ. Tại khu vực dưới lòng đất, bạn cũng sẽ tìm thấy phần mộ của chân phước Giáo hoàng Piô IX - vị giáo hoàng tại vị lâu nhất trong lịch sử - người đã ước nguyện được yên nghỉ nơi đây giữa đoàn tín hữu. Nơi đây còn lưu giữ các phần mộ Kitô hữu thời xưa từ thế kỷ thứ 3 và thứ 4, một số có bích họa mờ nhạt và chữ khắc - cho thấy thoáng qua về truyền thống chôn cất của Kitô giáo thời kỳ sơ khai. Ngoài ra, một số phần của ngôi thánh đường nguyên thủy từ thế kỷ thứ tư, do Hoàng đế Constantino cho xây dựng, vẫn còn hiện diện dưới lòng đất.
Hầm mộ Domitilla
Nằm dọc theo con đường cổ Via Ardeatina, hầm mộ này là một trong những nghĩa trang ngầm rộng lớn và được bảo tồn tốt nhất tại Rôma. Hầm mộ được đặt theo tên thánh nữ Flavia Domitilla - một phụ nữ quý tộc, cháu gái của hoàng đế Vespasian - người đã bị lưu đày đến đảo Pandateria vì kiên` quyết giữ đức tin Kitô giáo.
Hệ thống đường hầm ở đây trải dài hơn 10 dặm và sâu đến bốn tầng dưới lòng đất. Khi đi xuống hầm mộ, du khách bước vào một mê cung của những hành lang chật hẹp, mờ tối, hai bên là các hốc mộ cổ xưa. Một số hốc mộ vẫn còn lưu giữ những biểu tượng như hình cá và mỏ neo, cùng những bức bích họa mờ nhạt, trong đó nổi bật là hình Đức Giêsu cùng các Tông Đồ từ thế kỷ thứ hai - một trong những hình ảnh Tiệc Ly sớm nhất từng được biết đến.
Đặc biệt, hầm mộ Domitilla còn lưu giữ một vương cung thánh đường ngầm từ thế kỷ thứ tư, được xây dựng để kính nhớ hai binh sĩ Rôma - thánh Nêrêô và thánh Achillêô - những người đã bị xử tử vì đức tin Kitô giáo.
Cho đến nay, người ta vẫn có thể thấy các bức bích họa và bàn thờ nơi từng diễn ra các nghi lễ phụng vụ.
Nghĩa trang Vatican
Bên dưới vẻ tráng lệ của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô là một nghĩa trang cổ xưa, ngày nay được gọi là Scavi - tiếng Ý có nghĩa là “khu khai quật”. Đây chính là điểm hành hương trọng yếu của các tín hữu đến Rôma từ thế kỷ thứ nhất.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Vatican (lối vào được kiểm soát nghiêm ngặt), khách hành hương sẽ đi qua một lối nhỏ dẫn vào “thành phố của người chết”, băng qua tàn tích của một nghĩa trang Rôma cổ trên hành trình tiến về ngôi mộ được tin là của chính thánh Phêrô.
Nghĩa trang này ban đầu là nơi chôn cất của dân ngoại, với các lăng mộ, quách đá, văn khắc Latinh và những bức bích họa tinh xảo vẫn còn nguyên vẹn - minh chứng cho sự chuyển mình từ nghi thức an táng ngoại giáo sang Kitô giáo, cả trong biểu tượng lẫn cách thức.
Tại trung tâm nghĩa trang là một hốc mộ nhỏ, đơn sơ, chứa các di cốt mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố vào năm 1968 là rất có thể thuộc về chính thánh Tông đồ Phêrô - tảng đá mà Chúa Kitô đã xây dựng Hội Thánh của Người (Mt 16,18).
Người ngư phủ xứ Galilê ấy, người đã tuyên xưng đức tin rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), cuối cùng đã hiến dâng mạng sống mình cho chân lý ấy, khi bị đóng đinh ngược trong rạp xiếc của hoàng đế Nêrô.
Một khám phá then chốt tại khu khai quật Scavi là “bức tường khắc chữ graffiti” với dòng chữ Petros eni (Phêrô ở đây), mà nhiều người tin rằng chỉ về nơi an nghỉ cuối cùng của thánh Phêrô.
Ngoài ra, nơi đây còn phát hiện ra “Chiến thắng của Gaius” - một đài tưởng niệm Kitô giáo thời đầu có niên đại từ thế kỷ thứ hai, được xây dựng ngay bên trên nơi được cho là mộ thánh Phêrô.
Công trình này từng được các văn sĩ Kitô giáo thời đầu nhắc đến, và được xem là bằng chứng quan trọng củng cố cho vị trí nơi chôn cất của thánh Phêrô.
Chính nơi đây - bên mộ của Phêrô, người đã được Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời (Mt 16,19) - các tín hữu đã hành hương trong suốt 19 thế kỷ để kính viếng vị thủ lãnh các Tông Đồ.
Nhà thờ Santa Maria alla Via Lata
Khi những người mua sắm quyết tâm tìm kiếm những mẫu thời trang Ý mới nhất chạy dọc con phố Via del Corso đông đúc, ít ai biết đến kho báu ẩn giấu dưới chân họ.
Theo truyền thống, dưới nền nhà thờ Santa Maria alla Via Lata chính là ngôi nhà của thánh Luca, nơi thánh Phaolô từng lưu ngụ trong thời gian bị quản thúc tại gia, được sách Tông đồ Công vụ 28,30–31 ghi lại:
“Suốt hai năm tròn, ông ở nhà đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy dỗ về Chúa Giêsu Kitô, với tất cả lòng mạnh dạn và không gặp ngăn trở nào.”
Từ con phố ồn ào, khi bước xuống chiếc cầu thang hẹp dẫn vào lòng đất, người hành hương sẽ bắt gặp những bức tường cổ được tin là nơi từng giam giữ chính thánh Phaolô.
Một giếng nước nhỏ trong căn phòng ngầm được cho là nơi đã cung cấp nước uống cho vị thánh vĩ đại này.
Người ta cho rằng chính tại nơi đây, thánh nhân đã viết những bức thư trong tù gửi cho tín hữu Philípphê và Côlôsê, với những lời đầy hy vọng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa! Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4).
Sự hiện diện của các dòng chữ Latinh Kitô giáo sơ khai cùng các biểu tượng Kinh Thánh trên những bức tường đá ẩm ướt - như biểu tượng Chi-Rhô hay hình con cá - là chứng tích sống động cho niềm tin của những tín hữu đầu tiên vào lời Chúa đã nói với thánh Phaolô:
“Hãy vững lòng! Vì như con đã làm chứng về Thầy tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma” (Cv 23,11).
Hầm mộ dòng Capuchin
Ẩn mình bên dưới nhà thờ Santa Maria della Concezione dei Cappuccini - trên con đường Via Veneto nổi tiếng của Rôma - là một không gian linh thiêng siêu thực và trang nghiêm - nơi mang đến sự chiêm niệm sâu sắc về tính tạm bợ của cuộc sống trần thế và niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu bên Thiên Chúa.
Tại đây, hài cốt của các tu sĩ dòng Capuchin được sắp xếp thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đóng vai trò như lời nhắc nhở khắc nghiệt nhưng đầy ân sủng về cuộc sống trần thế mong manh chóng tàn.
Những hành lang lờ mờ ánh sáng, tường, trần và cả các đèn chùm đều được trang trí bằng xương cốt của hơn 4.000 tu sĩ Capuchin - như thể vang vọng lời Kinh Thánh:
“Hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa trong tuổi thanh xuân” (Gv 12,1), và “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).
Các tu sĩ đã dựng nên những nhà nguyện uy nghiêm này không nhằm gieo rắc sợ hãi, nhưng để khơi dậy nơi con người một đời sống suy xét nội tâm, đặt nền tảng trên lòng sám hối và niềm tín thác vào Thiên Chúa.
Không gian nơi đây gồm 6 nguyện đường nhỏ, mỗi nơi được trang trí độc đáo bằng xương người sắp đặt thành những hoa văn nghệ thuật như hình hoa lá, thánh giá, thậm chí cả huy hiệu.
Nhà nguyện sọ người (Crypt of Skulls) có các bức tường được cấu thành hoàn toàn bằng sọ, xếp chồng tỉ mỉ để tạo nên những họa tiết đối xứng.
Tại Nhà nguyện xương chậu và xương chân (Crypt of Pelvises and Leg Bones), các phần xương được sắp xếp theo dạng hình học và trang trí tinh xảo.
Nhà nguyện Phục Sinh (Crypt of the Resurrection) nổi bật với bức bích họa mô tả Chúa Giêsu gọi Ladarô sống lại từ cõi chết, được bao quanh bởi những trang trí bằng xương người.
Nhà nguyện Ba Bộ Xương (Crypt of the Three Skeletons) là gian nổi tiếng nhất, nơi trưng bày một bộ xương cầm lưỡi hái và cán cân - biểu tượng của sự chết và sự phán xét - được đặt trong một hình bầu dục kết bằng xương.
Tất cả như một lời nhắc nhở có chút rùng rợn về cái chết (memento mori), mời gọi con người suy niệm cái nhìn Kitô giáo về sự chết như là con đường dẫn vào sự sống vĩnh hằng.
Quả lựu quyến rũ
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Persephone đã ràng buộc mình với chính người bắt giữ mình, là vị thần Hades của thế giới ngầm, bằng cách ăn sáu hạt lựu.
Như thế, quả lựu là biểu tượng của cả hôn nhân và cái chết. Trong truyền thống Kitô giáo, quả lựu biểu trưng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh, sự Phục Sinh và sự sống vĩnh cửu.
Những hạt lựu nhiều vô số nhưng được bao bọc trong cùng một quả duy nhất, khơi gợi lại lời thánh Phaolô:
“Thật vậy, thân thể chỉ có một, nhưng lại có nhiều bộ phận; mà các bộ phận của thân thể, tuy nhiều, vẫn là một thân thể, thì Ðức Kitô cũng vậy” (1 Cr 12,12).
Mỗi hạt lựu tượng trưng cho một tín hữu, tất cả cùng hiệp nhất trong một Thân Thể của Đức Kitô, dù khác nhau về ân sủng và ơn gọi.
Những hạt lựu - trắng bên trong nhưng bao bọc bởi lớp cơm đỏ tươi - tượng trưng cho linh hồn con người: tuy được dựng nên trong sự tinh tuyền, nhưng được cứu chuộc nhờ Máu Thánh Đức Kitô.
Hình ảnh quả lựu trang trí trên một số ngôi mộ trong nghĩa trang Vatican và xuất hiện trên các bích họa tại hầm mộ San Callisto và Domitilla - như biểu tượng của Kitô giáo về ơn cứu độ vĩnh cửu.
Ngày nay, quả lựu còn gắn liền với hình ảnh sức khỏe, khi du khách và người dân địa phương thường uống nước ép lựu vì đặc tính chống oxy hóa. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức một ly nước ép lựu tại khu chợ nhộn nhịp Campo de’ Fiori!
Tác giả: John and Ashley Noronha
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ OSV
bài liên quan mới nhất

- Rèn luyện khả năng phân định
-
Khóa học “Các phong cách giáo dục của cha mẹ” -
Khi người Công giáo hẹn hò với những người không Công giáo -
Năm điều cần biết về lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu -
10 cách Satan đang tấn công con cái chúng ta trong nền văn hóa hiện nay -
Bí tích Thánh Thể - phương dược chữa lành tội lỗi -
Tham dự lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô -
Lễ Mình Máu Thánh Chúa: Tỏa sáng thực tại Đức Kitô cho tha nhân -
Sáu sự thật không dễ nghe về ly hôn -
Chiêm ngắm Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi - Trung tâm của đức tin Kitô giáo
bài liên quan đọc nhiều

- Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn - người mục tử giản dị giữa lòng Dân Chúa
-
An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo -
Ý nghĩa chữ “PP” sau chữ ký của Đức Giáo hoàng -
Ảnh chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Sức mạnh của sự dịu dàng -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa