Đức Thánh Cha Phanxicô yêu mến Đức Mẹ và đầy tình thương xót

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu mến Đức Mẹ và đầy tình thương xót

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu mến Đức Mẹ và đầy tình thương xót

TGPSG /Vatican News -- Đức Giám mục Guido Marini - người đã phục vụ 8 năm với tư cách là Trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô và hiện là Giám mục Giáo phận Tortona (Ý)  - đã dâng Thánh lễ tưởng niệm Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23/4 vừa qua tại Nhà thờ Chính tòa Tortona và chia sẻ về đức tin và lòng nhân hậu của vị Giáo hoàng quá cố.

Đức cha Marini đã hồi tưởng về lòng sùng kính sâu sắc của Đức Thánh Cha dành cho Đức Maria:

"Đức Thánh Cha đã bày tỏ - ngay cả trong di chúc - ước nguyện được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, gần Nhà nguyện Salus Populi Romani, nơi ngài thường xuyên lui tới trong suốt triều đại Giáo hoàng - trước và sau mỗi chuyến tông du, cũng như vào nhiều dịp khác nữa."

Đức cha còn hồi tưởng lại: 'Tôi muốn đặc biệt nhắc lại hai kỷ niệm. Đó là vào những ngày đầu của triều đại Giáo hoàng... và tượng Đức Mẹ Fatima đã được rước về Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Giáo hoàng dự kiến sẽ thực hiện một cử chỉ tôn kính, và người ta cho rằng ngài nên đặt một tràng hạt Mân Côi vào tay tượng Đức Mẹ."

Tràng hạt bằng vàng dâng Đức Mẹ Fatima

"Vì vậy, tôi bắt đầu tìm một tràng hạt Mân Côi," Đức cha Marini kể tiếp, "nhưng tôi chẳng tìm thấy gì thực sự ý nghĩa ngoài một tràng hạt bằng vàng rất, rất đẹp. Tôi hơi ngại, vì biết Đức Giáo hoàng luôn quý trọng sự đơn sơ, nghèo khó. Nhưng không còn nhiều thời gian, và tôi không tìm được tràng nào khác xứng hợp. Tôi đến gặp Đức Thánh Cha và nói: ‘Thưa Đức Thánh Cha, con đã tìm được một tràng hạt…’ Ngài đáp: ‘Tốt lắm, tốt lắm, giỏi lắm.’ Rồi tôi thêm: ‘Đó là một tràng hạt bằng vàng.’ Tôi đã chuẩn bị tinh thần để nghe ngài nói: ‘Không, không, không’, nhưng thay vào đó, ngài nói: ‘Tuyệt vời, tuyệt vời, vì với Đức Mẹ thì không nên tính toán chi li; tràng hạt bằng vàng là được rồi.’"

Câu nói ấy thể hiện lòng tôn kính sâu xa và tình yêu đặc biệt mà Đức Thánh Cha dành cho Đức Trinh Nữ Maria - không mâu thuẫn với đời sống đơn sơ của ngài, nhưng diễn tả sự gần gũi và lòng sùng kính chân thành.

Lòng sùng kính đơn sơ và sâu sắc

Tiếp tục chia sẻ, Đức cha Marini kể lại: "Trong buổi cử hành hôm đó, người ta rước tượng Đức Mẹ từ chân tháp tiến về lễ đài. Rồi họ phải bước lên các bậc thang để đến cung thánh. Khi tượng Đức Mẹ sắp đến bậc thềm, Đức Giáo hoàng quay sang tôi và nói: ‘Đi thôi, đi thôi, con phải ra đón Mẹ - đừng để Mẹ chờ.’ Đó chính là lòng sùng kính vừa sâu xa vừa đơn sơ, đậm đà nét bình dân của ngài dành cho Mẹ Maria."

Lòng thương xót: Trọng tâm triều đại Giáo hoàng

Đức cha Marini sau đó nhấn mạnh chủ đề trung tâm trong triều đại của Đức Phanxicô: lòng thương xót.
"Tôi còn nhớ buổi phụng vụ sám hối đầu tiên trong Mùa Chay do ngài chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô," ngài kể. "Khi đến phần mọi người xưng tội, Đức Giáo hoàng và các linh mục khác bước vào toà giải tội để ban bí tích hoà giải. Tôi được phân công đi cùng Đức Thánh Cha đến toà của ngài. Nhưng khi chúng tôi đến gần, ngài bất ngờ rẽ hướng và đến một toà khác gần đó. Ngài quỳ gối trước một linh mục giải tội - vị linh mục ấy sững sờ - và xưng tội tại đó, trước mắt mọi người. Sau đó trong phòng thánh, ngài nói với tôi: ‘Cha xin lỗi vì đã không theo lộ trình đã bàn với con - nhưng cha muốn cử chỉ ấy của vị Giáo hoàng giúp mọi người cảm nghiệm vẻ đẹp của bí tích hoà giải, vẻ đẹp của lòng thương xót Chúa - để mọi người hiểu rằng đến gần Chúa và xin ơn tha thứ là lý do thật sự của niềm vui.’"

Niềm vui của Tin Mừng

Nói đến niềm vui của Tin Mừng - chủ đề của Tông huấn đầu tiên Evangelii Gaudium - Đức cha Marini kể lại:

"Một lần, ngài nói với tôi: ‘Con biết không, cha rất thích đi giữa mọi người với nụ cười trên môi, thậm chí đôi khi thực hiện những cử chỉ bất ngờ nho nhỏ - vì cha muốn truyền đạt niềm vui của Chúa. Cha muốn mọi người thực sự cảm nhận rằng thuộc về Chúa, sống Tin Mừng, chính là niềm vui đích thực của cuộc đời. Đó là niềm vui của Tin Mừng, là niềm vui của Chúa Giêsu.’"

Ngài nhấn mạnh ba từ "Tất cả mọi người" mà Đức Giáo hoàng lặp lại ba lần tại Ngày Giới trẻ Thế giới cuối cùng ở Lisbon: Todos, todos, todos - Tất cả mọi người. "Ngài muốn nói gì? Rằng Giáo hội phải mang trong tim mình ước muốn đến với tất cả, lắng nghe tất cả, đối thoại với tất cả - để đem đến cho mọi người vẻ đẹp của Tin Mừng cứu độ, và của chính Chúa là Đấng Cứu Độ."

Tính hiệp hành

Đức cha Marini cũng đề cập đến hành trình hiệp hành:

"Chúng tôi cùng tham dự hành trình hiệp hành mà Đức Giáo hoàng đã chủ ý khởi xướng và kiên trì dẫn dắt. Ngài không muốn chỉ tạo ra thêm tài liệu - điều này ngài từng nhiều lần nói với tôi: ‘Cha không quan tâm đến việc tạo ra thêm tài liệu. Điều cha quan tâm là hành trình này giúp tất cả chúng ta sống sự hiệp thông, tham gia và đồng trách nhiệm một cách sâu xa hơn, đích thực hơn - để thực sự trở nên một thân thể.’ Vì như ngài biết rõ, sứ vụ chỉ có thể triển nở từ sự hiệp thông - hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau trong Giáo hội."

Quan tâm đến những người dễ bị tổn thương

Nói đến tình yêu của Đức Giáo hoàng dành cho người nghèo, Ngài bộc bạch: “Đức Giáo hoàng đặc biệt quan tâm đến người nghèo và những nỗi đau của nhân loại - và điều đó hoàn toàn không chỉ là cử chỉ bên ngoài.” Một lần, sau khi gặp gỡ một nhóm người nghèo, tôi thấy ngài thực sự rơi nước mắt trong phòng thánh. Ngài xúc động sâu sắc, như thể nỗi đau của họ chính là nỗi đau của bản thân mình.

Tôi còn nhớ, chỉ vài ngày sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng, chúng tôi đến dâng Thánh lễ tại một nhà tù dành cho thiếu niên. Sau buổi lễ, ngài nói với tôi: ‘Con biết không, mỗi lần cha đến những nơi như thế này, cha lại tự hỏi: tại sao là họ mà không phải là cha? Đáng lẽ người ở đó có thể là cha.’ Rồi ngài dừng lại một chút và nói tiếp: ‘Con hãy nghĩ về điều đó.’"

Mục tử của toàn thế giới

Đức cha Marini còn nhắc đến nỗ lực của Đức Giáo hoàng trong việc cổ võ hoà bình - như một ngôn sứ thường không được lắng nghe - người "không bao giờ mệt mỏi loan báo, kêu cầu và cầu nguyện cho hoà bình, như một hồng ân cho thế giới đầy chiến tranh."

"Ngài là một mục tử mang trái tim nồng nàn, ôm trọn cả thế giới trong yêu thương. Điều luôn khiến tôi xúc động là sự quan tâm sâu sắc của ngài đến mọi điều, dù là nhỏ bé nhất, liên quan đến con người đều khiến ngài thao thức. Ngài thật sự muốn trở thành, theo cách nào đó, một ‘cha sở của cả thế giới’. Hãy nghĩ đến những cú điện thoại ngài gọi cho những người bình thường, hay những bức thư tay ngài gửi đi khắp nơi. Ngài ấp ủ toàn thể thế giới trong trái tim mình - và có lẽ hình ảnh phản ánh rõ nhất điều ấy là khoảnh khắc ngày 27-3-2020, giữa đại dịch Covid-19: Đức Giáo hoàng xuất hiện một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô. Ánh mắt của cả thế giới dõi về quảng trường ấy, về Đức Giáo hoàng - và chính lúc đó, ngài đã mang cả thế giới đến trước mặt Chúa. Đó có lẽ là hình ảnh đẹp nhất về một vị Giáo hoàng đã luôn ấp ủ toàn thể thế giới trong trái tim."

Can đảm và tự do

Cuối cùng, Đức cha Marini nhớ lại lòng can đảm và sự tự do nội tâm nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô:
"Ngài muốn góp phần cải tổ Giáo hội. Bởi lẽ, trong mọi thời đại, Giáo hội luôn cần được thanh luyện nơi khía cạnh nhân loại của mình. Theo dòng thời gian, những lớp vỏ bám có thể hình thành, những cơ chế có thể trở nên kém hiệu quả. Với can đảm và sự tự do, ngài đã cố gắng đóng góp theo hướng ấy. Và dĩ nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng khiến ngài được yêu mến."

“Ngày bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng, giữa niềm hân hoan ở Quảng trường Thánh Phêrô, khi trở lại phòng thánh, ngài nói: ‘Con thấy đấy, niềm vui hôm nay nơi quảng trường khiến cha nhớ đến Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem và tự nhủ: Hãy nhớ điều này - rồi kế tiếp sẽ là những ngày của Thương Khó và Thập Giá.’ Và quả thật là như vậy, bởi vì điều đó đúng với mọi vị Giáo hoàng."

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News

Top