Bí tích Thánh Thể - phương dược chữa lành tội lỗi

Bí tích Thánh Thể - phương dược chữa lành tội lỗi

Bí tích Thánh Thể - phương dược chữa lành tội lỗi

TGPSG/OSV  -- Vì tôi luôn phạm tội, nên tôi luôn cần có một phương dược.”

Những lời thực tiễn này của Thánh Ambrôsiô, Giám mục thành Milan thế kỷ IV và là tiến sĩ Hội Thánh, hướng chúng ta đến mối liên hệ đặc biệt giữa Bí tích Thánh Thể và tội lỗi - một mối liên hệ được Sách Giáo lý trình bày súc tích: “Rước lễ tách chúng ta khỏi tội lỗi” (GLCG 1393).

Lúc đầu đọc, người ta có thể dễ dàng cho rằng đây chỉ là một quan niệm mang màu sắc mê tín. Thực tế, những người chỉ trích và hoài nghi về hiệu lực của ân sủng Thánh Thể thường chọn lối giải thích sai lầm và gạt bỏ như thế. Điều này có lẽ dễ xảy ra - như với nhiều khía cạnh khác của đức tin - khi người ta đưa ra nhận định mà thiếu sự hiểu biết thấu đáo.

Nhưng khi chúng ta thực sự hiểu được ân sủng được ban qua Bí tích Thánh Thể, thì việc gọi Thánh Thể là một phương dược hoàn toàn hợp lý. Một lần nữa, sách Giáo lý Công giáo nêu rõ: “Cũng như lương thực thể lý phục hồi sức mạnh đã mất, thì Thánh Thể củng cố đức mến của chúng ta” (GLCG 1394).

Chúng ta biết rằng Đức Kitô là phương dược chữa lành sự bất tuân của Ađam. Con đường của Ngài đảo ngược con đường của Ađam, dành cho những ai chọn bước theo. Tuy nhiên, với tư cách là phương dược cần thiết cho chúng ta, Đức Kitô không dùng một cây đũa thần. Ngài đưa ra một lời mời gọi - được đón nhận khi chúng ta vác thập giá của mình, khi chúng ta bước đi trong đức mến, sự thật và vâng phục. Điều đó có nghĩa là tâm hồn, lý trí và ý chí của chúng ta phải được uốn nắn theo Ngài. Chính nơi đây, ta nhận ra hiệu quả thật sự của phương dược ấy

Tìm gặp “con đường, sự thật và sự sống”

Chân phước Giacôbê Alberione - một linh mục người Ý, nhà sáng lập và là người có thị kiến thiêng liêng - đã diễn tả tầm quan trọng của việc thờ lạy Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể như một yếu tố cấu thành không thể thiếu của linh đạo Phaolô mà ngài được linh hứng thiết lập. Ngài giải thích rằng việc đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày là điều thiết yếu, gọi đó là “cuộc gặp gỡ giữa linh hồn và toàn thể con người chúng ta với Chúa Giêsu.”

Một trong những đoạn văn nổi tiếng hơn trong kho tàng trước tác của Alberione là việc ngài sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả tính chất hỗ tương của cuộc gặp gỡ ấy. Trong số những hình ảnh đó, đặc biệt thích hợp trong bối cảnh này là việc hình dung cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể như “người bệnh gặp Thầy thuốc của linh hồn” hay “trái tim lạc lối tìm thấy Con Đường.”

Chúng ta không thể bắt đầu đáp lại lời mời gọi làm môn đệ nếu không hiểu mối tương quan của mình với Đức Kitô theo cách như thế. Bởi nếu không nhận ra mình cần được chữa lành khỏi tội lỗi, thì cũng đồng nghĩa với việc ta chẳng thấy mình cần đến Đấng Cứu Độ.

Nhưng nếu chúng ta có thể bắt đầu nhận ra rằng Đức Giêsu thật sự là “con đường, sự thật và sự sống” như chính Ngài đã nói (Ga 14,6), thì không những chúng ta bắt đầu bước theo Ngài, mà còn phải biến đổi bản thân để nên giống Ngài. Là những người bệnh, chúng ta nhận ra nơi Vị Lương Y Thiêng Liêng phương dược chữa lành những gì làm ta đau đớn. Ta thấy nơi Ngài con đường thoát khỏi những lối đi vô nghĩa mà trái tim lạc hướng của ta có thể dẫn tới.

Như Alberione đã diễn tả một cách rõ ràng, khi chúng ta rước lấy Thánh Thể và dành thời gian bên Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ ngày càng trở nên giống Ngài. Nếu chúng ta mong có phương dược chữa lành tội lỗi, thì phải để tâm hồn ta được uốn nắn nên giống trái tim Đức Kitô, lý trí ta được hình thành theo tâm trí của Đức Kitô, và ý chí ta được biến đổi theo thánh ý của Ngài.

Tất cả những điều này - thực sự là thuốc giải độc cho những hậu quả độc hại của tội lỗi - trở thành phương dược cho mọi bệnh tật thiêng liêng của chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có phương thế để Đức Kitô ngự trong ta, và để chúng ta sống đức ái, sự thật và vâng phục theo gương Ngài. Chúng ta có trong tay phương thế dẫn đến thiên đàng và sự sống vĩnh cửu - phương dược giải thoát khỏi ngọn lửa hỏa ngục. Ước gì chúng ta không bao giờ xem thường điều đó, và luôn biết thường xuyên chạy đến với Vị Lương Y, Đấng chữa lành mọi thương tích của chúng ta.

Tác giả: Michael R. Heinlein

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ OSV

 

Top