Thánh lễ mừng bổn mạng Giới Y tế Công giáo Tổng Giáo Phận Sài Gòn
TGPSG -- Lúc 8giờ ngày 06-7-2025, Giới Y tế Công giáo TGPSG đã mừng kính Thánh Camilô, bổn mạng của Giới Y tế Công giáo, tại Nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG).
Chương trình gồm 2 phần: Thánh lễ và chia sẻ đề tài.
Phần I - Thánh lễ
Trước Thánh lễ, Bác sĩ Giuse Phan Văn Dũng, Trưởng Ban Đại diện Giới Y tế Công giáo (YTCG) có lời chào mừng linh mục (Lm) Giuse Phan Anh Dũng, tân Bề trên phụ tỉnh Dòng Camilô, và hôm nay ngài chủ tế Thánh lễ này.
Đồng tế có 6 linh mục và Lm Arnaldo Pangrazzi, thuộc Dòng Camilô (MI). Hiệp dâng Thánh lễ có 27 thầy dòng MI, khoảng 200 anh chị em trong Giới YTCG và một số bạn khác tôn giáo.
Lm Giuse mở đầu Thánh lễ với lời chào mừng anh chị em trở về nguồn, trở về với Thánh Camilô, bổn mạng của Giới, để ngài giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng chăm sóc bệnh nhân, người nghèo khổ. Ngoài ra, xin dâng lên Chúa những ý chỉ khác theo ý người xin.
Trong bài giảng, Chúa nhật 14 Thường niên năm C (Lc 10,1-9), Lm Giuse giảng giải Lời Chúa:“Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.”
Trong sách Sáng Thế Ký chương 10, có nói đến con số 72 (70). Sau khi Thiên Chúa cho nạn hồng thủy tiêu diệt sự ác, chỉ còn lại gia đình ông Nôê. Từ đó, con cháu ông sinh sôi nảy nở trên nhiều lãnh thổ. Con số 72 muốn nói đến hậu duệ của ông Nôê, một dân tộc mới, mang tính phổ quát trên thế giới mới, cùng chung một nguồn gốc từ ông tổ Nôê, là dân thánh được Chúa chọn, cho dù khác nhau về văn hóa, vùng đất.
Sang chương 11, nói đến tháp Babel, được xây dựng do lòng kiêu ngạo, sự thách thức Chúa của con người, tội lỗi lại tràn ngập, phá hủy kế hoạch của Thiên Chúa.
Tính phổ quát
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, đi để quy tụ, được thể hiện rõ trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống. Con số 72 nói nên tính phổ quát của Nước Thiên Chúa, Chúa sai các môn đệ đi ra để con cái Thiên Chúa tràn lan trên mặt đất, sự hiện diện của Thiên Chúa khắp mọi nơi, để quy tụ. “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”.
Tính cộng đoàn
Chúa sai các môn đệ đi từng hai người một, mang tính cộng đoàn từ Giáo hội đi ra để quy tụ; nối tiếp sứ vụ của Chúa Giêsu, mang tính cấp bách “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.” Tính cấp bách ở mọi thời điểm theo đòi hỏi của Tin Mừng, trong tinh thần phó thác, đơn sơ.
Đem bình an và chữa lành
Mục đích của đi ra để mang đến cho người ta sự bình an và chữa lành. Chữa lành không chỉ về thể xác mà còn chữa lành về tâm hồn.
Hôm nay, Giới YTCG mừng kính Thánh bổn mạng Camilô, Chúa dùng ngài để cải tổ trong việc chăm sóc người bệnh với cả trái tim. Ngày xưa người ta ép buộc tù binh để chăm sóc người bệnh.
Mỗi người được Chúa gọi trong ơn gọi chữa lành bệnh nhân, trong vai trò chuyên môn là Y- Bác sĩ, chúng ta tiếp cận trực tiếp công việc của Chúa. Phục vụ với lòng bác ái, xem việc chăm sóc người bệnh, đặc biệt những người nghèo, những người bị lãng quên như dấu chỉ sự hiện diện Nước Thiên Chúa đến.
Kết thúc bài giảng, Lm Giuse nhắc lại, sứ vụ của Giới YTCG: mang bình an và chữa lành đến cho người bệnh; sống đơn sơ phó thác; đối diện với những khó khăn, thử thách. Xin Chúa cho chúng ta biết phân định để làm theo ý Chúa, hiệp thông với Giáo hội, ra đi và quay về báo cáo với nhóm của chúng ta, ý thức tất cả những việc chúng ta làm xuất phát từ ơn gọi của chúng ta.
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Sau rước lễ, cộng đoàn đã đọc Kinh Năm Thánh của Dòng Camilô (12-2-2025 đến 08-12-2025) - mừng 450 năm Thánh Camilô trở lại. Thánh lễ kết thúc lúc 9giờ.
Phần II - Chia sẻ đề tài: “Thêm trái tim vào đôi tay: đồng hành với người cận tử trong chăm sóc giảm nhẹ”
Lúc 9giờ30, Lm Arnaldo Pangrazzi, MI (người Ý), chia sẻ đề tài, và thông dịch do Lm GB Phương Đình Toại - Bề trên Dòng Camilô, linh hướng Giới YTCG. Ngài đã giới thiệu đôi nét về Lm Arnaldo Pangrazzi:
Giáo sư Giáo Hoàng Học viện Rome, chuyên về Mục vụ chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt chăm sóc những người bệnh cuối đời (chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cận tử). Ngài có kinh nghiệm tại nhiều quốc gia Ý, Mỹ, hiện nay ở Tây Ban Nha và nhiều nơi khác. Sáng nay Lm GB mời ngài đến chia sẻ đề tài: “Thêm trái tim vào đôi tay: đồng hành với người cận tử trong chăm sóc giảm nhẹ”.
Sách Giáo lý Công giáo dạy chăm sóc những người bệnh cuối đời là hành động của đức ái hoàn hảo. Thánh Camilô đã huấn luyện cho anh em của Dòng về việc này, vì thế người ta thường gọi tu sĩ Dòng Camilô là “mục tử của sự chết lành”. Thánh nhân đã chia anh em chăm sóc bệnh nhân thay ca (ngày và đêm), vì bệnh nhân trong giai đoạn này rất quan trọng, như đang trong cuộc chiến thiêng liêng, giữa thiên thần và ác quỷ (như hình vẽ thời Trung cổ đã mô tả). Một triết gia thời Chúa Giêsu đã từng nói: “Cần có cả cuộc đời để học cách chết, và cần có cả cuộc đời để học cách sống.”
Đối với văn hóa Hy Lạp thời xưa, cái chết có ý nghĩa quan trọng, họ có những nghi lễ tiễn biệt và chôn cất đặc biệt. Nhiều nhà tâm lý học, triết gia cũng nói về ý nghĩa của cái chết. Một triết gia nói: “Chúng ta học cách sống bằng cách chết”.
Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng huấn luyện các môn đệ, cho thấy ý nghĩa của sự sống và sự chết. Ngài dùng hình ảnh như hạt lúa có chết, thối đi mới sinh ra nhiều bông hạt.
Lm Arnaldo cũng kể về ba người phụ nữ mà ngài đã từng gặp và học được từ họ những kinh nghiệm đồng hành với người bệnh nhân cuối đời: Bác sĩ Elizabeth Couplaros, giáo sư tâm lý trị liệu; Dược sĩ Christina Fam, và Tiến sĩ Christina Puchalski.
- Bác sĩ Elizabeth Couplaros cho thấy 5 giai đoạn xảy ra của cuối đời bệnh nhân:
- Chối bỏ mọi thông tin nói về bệnh của họ,
- Tức giận, oán hận cả Chúa, với y bác sĩ
- Thương lượng, với bác sĩ để điều trị cho họ, thương lượng với Chúa.
- Trầm cảm, do không chấp nhận, thất vọng.
- Chấp nhận, đa số họ là những người trưởng thành về nhân bản, về con người và về thiêng liêng, đón nhận thập giá, căn bệnh của mình trong sự bình an.
Chia sẻ bản thân, Lm Arnaldo cho biết ngài đã bắt đầu công việc chăm sóc bệnh nhân cận tử từ 50 năm trước, khoa ung bướu ở Hoa Kỳ, sau đó ngài quay về Rome cũng công việc này. Hai năm rưỡi vừa qua, cha ở Madric Tây Ban Nha. Trải qua nhiều năm, ngài có nhiều kinh nghiệm từ câu chuyện cuộc đời của các bệnh nhân.
- Cô Christina Fam, từ kinh nghiệm đau buồn khi chứng kiến người yêu qua đời trong đau đớn thể lý do căn bệnh ung thư; cô quyết tâm học Dược sĩ, và nghiên cứu tìm ra loại chất Morphin giảm đau ung thư, và phát triển nhiều cơ sở, trung tâm chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cuối đời. Năm 1977, Cô Christina được mời đến Bệnh viện nơi cha Lm Arnaldo làm việc, để nói về đề tài Chăm sóc giảm nhẹ. Sau đó 3 tháng, bệnh viện mở khoa chăm sóc giảm nhẹ
Mục đích Chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là chăm sóc toàn diện từ thể chất, tâm lý, cảm xúc đến sức khỏe tinh thần và mối tương quan của họ. Chăm sóc giảm nhẹ nhằm hỗ trợ người bệnh cải thiện hoặc duy trì chất lượng cuộc sống khi mang bệnh hiểm nghèo; giảm đau, không chỉ vể thể lý mà còn về cả tâm hồn. Do đó cần có sự phối hợp liên ngành, trao đổi cùng nhau về từng ca bệnh.
Ngoài ra còn phải quan tâm đến người nhà, người chăm sóc khác của người bệnh, bằng cách giúp đỡ họ vượt qua nỗi buồn, đau khổ, khuyến khích giao tiếp cởi mở, chân thành giúp chăm sóc phù hợp với mong muốn và giá trị của người bệnh. Nâng đỡ người nhà bệnh nhân ngay cả khi bệnh nhân đã qua đời.
- Tiến sĩ Christina Puchalski, sống đời Thánh hiến, hiện còn sống ở Mỹ, Giám đốc Viện Tâm linh và Sức khỏe George Washington. Cô lưu tâm đặc biệt đến Bác sĩ, người chữa bệnh cả thể lý lẫn tâm hồn. Cô đã viết ra cách chẩn đoán nhu cầu tâm linh của bệnh nhân, từ đó làm thay đổi cái nhìn văn hóa về cái chết. Chúng ta chỉ sống một lần trong đời vì vậy phải sống tốt, và sử dụng thời gian một cách tốt nhất!
Lm Arnaldo cho rằng, cuộc sống có thể nhìn vào 2 chiều kích:
- Nếu cái chết được coi như một vấn đề, hoặc người ta tìm cách giải quyết nó, hoặc chạy trốn nó.
- Nếu cái chết được coi như một mầu nhiệm, thì thái độ chúng ta sẽ thay đổi, đón nhận trong niềm tin tưởng và bình an.
Đối với bệnh nhận đón nhận trong bình an là món quà quý giá. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Người bệnh chính là người truyền giáo cho chúng ta.”
Xác nhận cuộc đời: “Sống là đi đến điểm cuối của cuộc đời”; đồng hành với người bệnh trên chặng đàng Thánh giá đời họ. Khi một người chết, điều cần thiết cần có sự hiện diện của các thành viên trong gia đình.
Sáng hôm qua, lúc 5giờ, tại Mái Ấm Naza, Lm Arnaldocho chứng kiến việc các anh em trong Dòng Camilô tắm cho bệnh nhân. Đó là sứ vụ của các anh em Camilô làm. Bệnh nhân không có người thân, vì vậy chúng ta trở nên người thân của họ. Trước cái chết gây sợ hãi …, nhưng đồng thời cũng mở ra niềm hy vọng…, hy vọng thiêng liêng.
Một khi chúng ta hiểu về mối liên hệ của bệnh nhân đối với cái chết, có một số hướng tiếp cận có thể giúp quản lý lo âu liên quan đến cái chết. Các tiếp cận bao gồm: trị liệu hiện sinh, trị liệu nhận thức hành vi, trị liệu chấp nhận và trị liệu tập trung vào lòng trắc ẩn, những tổn thương nội tâm.
Chăm sóc mục vụ bao hàm rất nhiều công việc thiêng liêng, bao gồm cả việc hiện diện và lắng nghe bệnh nhân; việc giúp bệnh nhân đối diện với sự bất lực, sự đau đớn, lẫn trí của họ; và việc trợ giúp họ nhận ra và tuân theo thánh ý Chúa với niềm vui và bình an lớn hơn.
Lm Arnaldo đã kể câu chuyện giúp cho một bệnh nhân trước khi chết hòa giải với người em sau 10 năm từ mặt. Đôi khi cái chết là cơ hội cho sự chữa lành, hòa giải, sự tha thứ và ra đi bình an trong Chúa.
Sau đó có những câu hỏi đặt ra và Lm Arnaldocho đã trả lời thỏa đáng.
Mọi sự sống đều có điểm chung là cái chết, song khi đối diện với nó ai cũng ít nhiều lo âu, sợ hãi, chối bỏ về cái chết; ngay cả họ là bác sĩ, linh mục, tu sĩ.
Lm Arnaldo nhận định “Đau bệnh là cơ hội để khiêm tốn, sự kiêu ngạo làm ngăn trở đón nhận tình yêu một cách tự do, làm họ đau khổ nhiều hơn. Do đó không phải lúc nào linh mục, tu sĩ cũng là người làm gương cho người khác về việc làm sao đi qua đau khổ; do đó chúng ta phải sống theo Chúa Giêsu dạy là tập chết mỗi ngày để có thể sống trong sự cởi mở, khiêm nhường và bình an.”
Khi đồng hành với bệnh nhân, giúp cho họ trân quý giây phút còn lại, tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới khi chết.
Công cuộc cứu độ và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô ôm trọn lấy thân phận con người, đặc biệt trong sự đau khổ bệnh tật và cái chết của họ. Cùng đích chung của chúng ta là chia sẻ đời sống với Thiên Chúa vượt ra khỏi mọi sự hư nát (1Cr 15, 42-57) Giáo Hội làm chứng cho niềm tin của mình rằng Thiên Chúa đã tạo ra mỗi người cho sự sống vĩnh cửu.
Những lời Chúa Giêsu đã khích lệ những người chăm sóc bệnh nhân: “Ta đau ốm, các ngươi chăm sóc.” (Mt 25, 36).
Buổi chia sẻ của Lm Arnaldo kết thúc lúc 11g, bác sĩ Giuse Phan Văn Dũng đã đại diện cảm ơn hai linh mục đã giúp cho Giới Y tế CG có học hỏi được những kinh nghiệm trong việc đồng hành với người cận tử trong chăm sóc giảm nhẹ.
Lm GB Phương Đình Toại đã mời mọi người cùng tham dự bữa trưa đơn sơ trong tình huynh đệ tại căn-tin TTMV.
Bài & Ảnh: Tiến Hương (TGPSG)
bài liên quan mới nhất

- Đại Hội Ngành Thiếu - Hiệp Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giuse Khang
-
Giáo chức Công giáo Sài Gòn: Hành hương trong gắn kết, cầu nguyện và chia sẻ -
Thánh lễ mừng kính Thánh Josemaría Escrivá, “Vị Thánh Đời Thường”, đấng sáng lập Opus Dei -
Giới Doanh nhân Công giáo hành hương Năm Thánh và chia sẻ bác ái -
Giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn hành hương Năm Thánh tại nhà thờ Thánh Gẫm -
Các Hiệp hội tín hữu Công giáo -
"Cuộc chiến" của Đoàn Thiếu Nhi -
Nội san Lửa Mến tháng 7.2025 -
Học yêu thương như Thánh Tâm Chúa Giêsu -
Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ hành hương Năm Thánh 2025 tại nhà thờ Tân Quy
bài liên quan đọc nhiều

- Dòng Đa Minh Việt Nam
-
Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên -
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Mái ấm Thiên Ân -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Dòng Phanxicô (OFM - Ordo Fratrum Minorum) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023