Giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn hành hương Năm Thánh tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê

Giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn hành hương Năm Thánh tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê

Giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn hành hương Năm Thánh tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê

TGPSG - Vào lúc 14g30 Chúa nhật, ngày 27.04.2025, tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê - thường gọi là Nhà thờ Cha Tam, Thánh lễ hành hương Năm Thánh của Giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG) do Linh mục Gioan Lê Quang Việt - Đặc trách Giới trẻ TGPSG chủ sự đã được cử hành long trọng.

Đồng tế với ngài có Linh mục Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa - Phó xứ Chợ Quán, Linh mục Gioan Baotixita Đỗ Văn Tiến, SDB - Phó xứ Bến Cát, cùng sự hiện diện của khoảng 200 bạn trẻ trong TGPSG, Ban Điều hành Giới trẻ, khoảng 30 cộng tác viên và đông đảo giáo dân Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê.

Ý nghĩa Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Trong bài giảng, Linh mục Phêrô chia sẻ về ý nghĩa của Chúa nhật II Phục Sinh - Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót. Ngài cho biết, Chúa nhật này còn có nhiều tên gọi khác như: Chúa nhật Bát Nhật Phục Sinh, Chúa nhật Áo Trắng (Dominica in albis), Chúa nhật Quasimodo (theo truyền thống Latinh), và Chúa nhật của Tôma.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Năm Thánh 2000. Đặc biệt, ngài qua đời vào ngày 02.04.2005, ngay trước lễ kính. Sau đó, vào ngày 01.05.2011 - cũng đúng ngày lễ - Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã phong chân phước cho ngài. Đến ngày 27.04.2014, ngài được Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên phong hiển thánh. Năm 2015, Đức Phanxicô công bố Năm Thánh Ngoại thường kính Lòng Chúa Thương Xót.

Những sự kiện đặc biệt này mời gọi các bạn trẻ và cộng đoàn sống trọn vẹn ý nghĩa của Chúa nhật II Phục Sinh: tin tưởng, yêu mến và trông cậy nơi Lòng Thương Xót Chúa.

Hai mẫu môn đệ: “Yêu để tin” và “Lý để tin”

Linh mục Phêrô tiếp tục trình bày hai mẫu nhân vật trong Tin Mừng:

  • Mẫu “yêu để tin” là người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Khi nghe tin Chúa sống lại, ông cùng Phêrô chạy ra mộ, thấy khăn liệm được xếp gọn và đã “thấy và tin”. Sau đó, tại biển hồ Tibêria, khi Chúa hiện ra và chỉ dẫn cách thả lưới, ông đã nhận ra và thốt lên: “Chúa đó!”. Chính tình yêu đã giúp ông nhận ra Chúa phục sinh.
  • Mẫu “lý để tin” là Tông đồ Tôma. Ông không cứng lòng, nhưng đòi hỏi một bằng chứng xác thực. Dù từng chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng ông chưa từng thấy ai từ cõi chết sống lại, nên ông đòi hỏi dấu chỉ cụ thể. Khi Chúa hiện ra, Ngài mời gọi ông: “Hãy đặt tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Thầy.” Trước lời mời ấy, Tôma đã tin và thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Qua hai mẫu gương này, cha mời gọi người trẻ kết hợp giữa tình yêu và lý trí trong đức tin - một đức tin vừa xác tín bằng lý lẽ, vừa thấm đẫm tình yêu dành cho Chúa Kitô.

Thánh lễ và lời cầu nguyện đặc biệt

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc vào lúc 15g30, trong niềm hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cộng đoàn cùng nhau sốt sắng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô - vị chủ chăn đáng kính của Hội Thánh - vừa được Chúa gọi về ngày 21.04.2025.

Dấu ấn hành hương Năm Thánh

Chuyến hành hương lần này là điểm dừng chân thứ ba trong hành trình Năm Thánh của Giới trẻ TGPSG, sau hai nhà thờ có bề dày lịch sử là Nhà thờ Chợ Quán và Nhà thờ Tân Quy. Mỗi nơi đều để lại những dấu ấn đức tin sống động trong hành trình thiêng liêng của các bạn trẻ.

Đôi nét về Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê

Giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê, trước đây là Họ đạo Chợ Lớn, được thành lập để phục vụ cộng đồng người Hoa di cư tại Việt Nam. Năm 1865, Cha Philippe, thuộc Hội Thừa sai Paris, được sai đến Việt Nam để mục vụ cho cộng đoàn người Hoa.

Năm 1866, bà Benjamin, một tín hữu người Pháp, đã đưa cậu bé Phanxicô Xaviê Tam Assou - quê gốc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - sang Việt Nam và trao cho Cha Philippe đào tạo. Năm 1882, thầy Tam Assou được thụ phong linh mục và trở thành phụ tá tại Nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn.

Năm 1898, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Nhà thờ Thanh Nhơn (nay là khu vực ngã tư Nguyễn Trãi - Phùng Hưng). Vì nhu cầu mục vụ, ngài mua đất và xây dựng ngôi thánh đường riêng cho cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn. Nhà thờ được khởi công năm 1900 theo bản vẽ của kiến trúc sư - thầy Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng - và hoàn thành sau hai năm.

Cha Tam tận tụy chăm lo mục vụ tại đây cho đến khi qua đời vào năm 1934.

Từ đó đến nay, giáo xứ trải qua nhiều đời linh mục. Giai đoạn 1934-1949, Cha Huỳnh Tịnh Hướng - kiến trúc sư nhà thờ - tiếp nối sứ vụ. Giai đoạn 1953-1969, Cha Joseph Guimet, thuộc Hội Thừa sai Paris, làm cha sở, với các phụ tá là Cha Stêphanô Trần Đạt Minh và Cha Phaolô Vallat.

Năm 1974, thầy Stêphanô Huỳnh Trụ - một người con của giáo xứ - chịu chức linh mục tại đây và được bổ nhiệm làm phụ tá phụ trách cộng đồng người Hoa. Từ năm 1976, ngài trở thành cha sở và đảm trách mục vụ người Hoa tại toàn miền Nam Việt Nam. Ngài đã dâng hiến 45 năm đời linh mục để phục vụ cộng đoàn này.

Cha sở đương nhiệm là Cha Tôma Huỳnh Bửu Dư, được bổ nhiệm từ năm 2021. Cha đã tiến hành đại tu ngôi thánh đường cổ kính 125 năm tuổi, chuẩn bị mừng kỷ niệm 160 năm hình thành Cộng đoàn Công giáo người Hoa tại Việt Nam và 125 năm xây dựng nhà thờ trong năm 2025 này.

Bài và ảnh: Joseph Nguyễn Xuân Huy (TGPSG)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top