"Cuộc chiến" của Đoàn Thiếu Nhi
TGPSG -- Lý tưởng của Giáo lý viên không phải là để thể hiện bản thân mà là để phụng sự, dấn thân và lan tỏa tình yêu thương.
1. XỨ ĐOÀN
Một Xứ Đoàn Thiếu Nhi nọ đã qua 16 năm hình thành và phát triển. Tuy là một Xứ Đoàn khá non trẻ và nhỏ nhưng luôn có những chương trình và hoạt động xuyên suốt cho các em Thiếu Nhi. Từ những khó khăn của buổi đầu hình thành đến nay, Xứ Đoàn đã phát triển và lớn dần.
2. TÔI HAY CHÚNG TÔI
Một năm học Giáo Lý trôi qua với rất nhiều các hoạt động từ dạy Giáo Lý, đến các chương trình diễn nguyện, các ngày lễ Bổn mạng, trại Hè và các chương trình sinh hoạt tháng.
Dường như việc tổ chức các cuộc họp để cùng nhau thống nhất các chương trình đã trở nên rất thường xuyên. Những cuộc họp đó cho thấy những con người khác nhau, với những công việc và tính cách khác nhau, nhưng ai cũng có cái tài riêng của mình. Anh thì hát hay, chị thì chơi đàn giỏi, lại có chị viết kịch bản hay, rồi lại có anh diễn giỏi.
Tuy nhiên, chính vì hiểu được những cái giỏi của mình mà ai cũng bộc lộ “cái tôi”. Một chương trình muốn được hoàn thành tốt thì cần có “chúng tôi”, nhưng vì ai cũng có cái “tôi”, nên các cuộc họp đã thường diễn ra như những “trận chiến” giữa những cái “tôi”, những cái giỏi của từng người.
3. KHI CÁC CUỘC HỌP LÀ TRẬN CHIẾN
Những cuộc tranh luận nảy lửa, những lời nói sắc lẹm là “đặc sản” trong những cuộc họp về chương trình.
Luôn có người bác bỏ ý kiến đóng góp nhưng cũng có những người sao cũng được. Người nói cứ nói, người kia lại chẳng nghe vì kiên quyết bảo vệ cái chính kiến của mình. Họ nhất định không sửa vì cho rằng: nội dung mình làm ra đã quá hoàn hảo, hoặc phải thực hiện cho đã “cái nư” của mình, mà không cần biết nó đã chỉn chu hay chưa.
Khi có người góp ý thì không tiếp thu mà lại bực bội, cứ thế tích tiểu thành đại, việc bùng nổ là chuyện sớm muộn. Căng thẳng giữa các thành viên ngày một leo thang, việc bất mãn về những quyết định hay hành động của ban tổ chức luôn luôn diễn ra. Nếu như nói vâng phục thì đa phần chỉ là vâng, nhưng không phục.
Đồng ý là sân chơi, ai cũng có thể thử sức của mình, nhưng đôi lúc những người anh, người chị ấy lại quên đi rằng: mình đang làm chương trình ‘cho Thiếu Nhi’ và ‘vì Thiếu Nhi’. Quên điều căn cốt đó, rồi lại muốn thể hiện cái “tôi” của mình, làm sao để mình được tung hê, được thỏa mãn. Những người kia ra sao, Thiếu Nhi cảm thấy thế nào, cũng mặc kệ.
Đan cử một sự việc cách đây vài năm trong một cuộc họp để chuẩn bị trại Hè, khi ban điều hành có họp trước với nhau, nhưng giữa chị Ngân, chị Quỳnh và anh Minh đã xảy ra mâu thuẫn trong quá trình lên ý tưởng.
Trong khi chị Ngân và chị Quỳnh muốn biết được chính xác các thông số, chất liệu và các vật phẩm trang trí của cổng trại, thì anh Minh lại muốn giữ bí mật vì anh nói rằng mình có thể tự tính toán và chi trả cho vật liệu của cổng trại.
Những tưởng mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Nhưng không, căng thẳng ngày càng leo thang khi bảng dự toán được công bố. Chị Ngân và chị Quỳnh mong muốn tối ưu chi phí và tận dụng được “cây nhà lá vườn”, nhưng anh Minh thì lại muốn có một sự bùng nổ, vì đây là lần đầu các bạn Thiếu Nhi được đi trại qua đêm. Anh Minh nói anh sẽ lo chi phí ăn uống, đi lại cho ban tổ chức nên các chị không cần đặt nặng vấn đề đó.
Nhưng có vẻ cuộc họp nhỏ đó vẫn chưa làm thỏa mãn các anh chị nên họ lại đem hết các vấn đề đó vào cuộc họp Xứ Đoàn. Lúc này các anh chị khác cũng “được kéo vào trận chiến”.
Cuộc họp kéo dài gần hai tiếng đồng hồ với những lời lẽ và luận điểm sắc nhọn được “trao” cho nhau. Khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, anh Minh quyết định ra khỏi cuộc họp. Ngay lập tức một câu nói đanh thép được phát ra: “Minh, em mà bước ra khỏi cuộc họp này thì em ra khỏi Xứ Đoàn luôn đi!” và “Còn ai muốn đi theo anh Minh thì đi luôn đi”.
Một nửa chiến tuyến rời phòng họp. Sự việc càng lúc càng leo thang khi anh Trung đứng lên và chỉ vào mặt chị Ngân mà nói: “Bây giờ chị muốn gì? Chị không làm được việc thì để yên cho người khác làm” rồi rời đi.
Từ những cái “tôi”, sự hơn thua, cố chấp, mà việc “đánh trận” trong mỗi cuộc họp diễn ra như cơm bữa khiến ai cũng mệt mỏi.
Khi không được lắng nghe, các ban nhỏ sẽ họp lại với nhau rồi lại làm theo ý mình, dẫn đến kết quả tiêu cực: cùng một chương trình nhưng lại không có sự thống nhất giữa các ban và không có sự hỗ trợ kịp thời.
4. ‘ĐƯỢC - MẤT’ KHI LÀM VIỆC NHÓM
Làm việc nhóm luôn là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình vì một cái đầu chắc chắn không thể nào làm việc một cách đa nhiệm và hoàn hảo hết được.
Nhưng làm việc nhóm cũng là một khó khăn và thách thức khi nhiều con người cùng làm việc với nhau và ai cũng mong muốn mình được đóng góp và ý kiến của mình được sử dụng. Từ mục đích tốt đẹp ban đầu là cùng nhau xây dựng một chương trình, thì những bất đồng sau đó lại tạo nên một cuộc chiến.
Có người sẽ thể hiện gay gắt trong cuộc họp, nhưng cũng có người lại ậm ự và cứ để ngọn lửa ấy cháy âm ỉ trong lòng rồi bùng phát bất cứ lúc nào, gây nên trận hỏa hoạn khó tránh. Những lời nói, hành động trong lúc nóng giận dễ khiến chia rẽ nội bộ và những bất hòa không đáng có.
Các anh chị làm diễn nguyện biến cố thương khó của Chúa Giêsu, nhưng chính các anh chị lại “khó thương” nhau. Chị Ánh lên ý tưởng và dàn dựng, Chị Phương viết kịch bản, anh Huy làm nhạc,... và nhiều các bước khác nữa. Nhìn vào ai cũng thấy làm việc thật hòa hợp nhưng những câu chuyện nội bộ thì lại mấy ai hay. Chị Ánh tranh giành hết tất cả công trạng để thỏa mãn được cái nhận xét rằng “việc gì cũng đến tay tôi”. Và rồi giấy không gói được lửa. Đến lúc mọi chuyện vỡ lẽ ra, có người đăng bài "xiên xỏ", nhưng cũng có người im lặng khóc rồi cười, vì những nỗ lực của mình như “dã tràng xe cát biển Đông”.
5. BỀ NỔI CỦA TẢNG BĂNG CHÌM
Sau khi một chương trình hoàn tất, đến bước nghiệm thu lại như một trận chiến khác. Những người anh, người chị ấy sẵn sàng công kích nhau và tìm những lỗi sai dù là nhỏ nhất. Chương trình thành công, những lời cảm ơn chỉ là phần nổi. Những công kích, tỵ nạnh, đấu đá mới là phần chìm của tảng băng ấy.
Những bất công, bất mãn - dù nói ra hay im lặng - thì đâu đó vẫn luôn là tảng đá đè nặng trong lòng ban tổ chức. Xứ Đoàn của tôi, của anh, của chị hay của chúng tôi? Không ít lần những người anh, chị ấy cảm thấy mệt mỏi, bị áp lực trong việc phục vụ. Làm sao để giữ được lửa trong mình - hầu tiếp tục cống hiến cho Xứ Đoàn, cho Giáo Xứ, luôn là câu hỏi được đặt ra.Bề nổi của tảng băng chìm
6. XỨ ĐOÀN CỦA CHÚNG TÔI
Trải qua nhiều lần như thế, mỗi người dần có cơ hội nhìn lại chính mình. Những cuộc tranh luận, những bất đồng không chỉ đơn thuần là để khẳng định cái tôi cá nhân, mà còn là hành trình để trưởng thành.
Những Trưởng ban không chỉ là người điều phối công việc, mà còn là chỗ dựa tinh thần, truyền cảm hứng, nâng đỡ và nhắc nhở tập thể về lý do bắt đầu: chúng ta đang làm cho ai, và vì điều gì?
Để các anh chị Giáo lý viên có thể hiểu nhau hơn, cảm thông và sẻ chia nhiều hơn, Xứ Đoàn đã tổ chức những buổi tĩnh tâm, những buổi tiệc cuối năm – như khoảng lặng để tất cả cùng ngồi lại, cùng nhìn lại hành trình đã qua.
Nhờ những dịp đó, khoảng cách giữa các thành viên được rút ngắn lại. Những cuộc tranh luận gay gắt được thay bằng những lời tâm tình chân thành. Dần dần, những cái "tôi" nhận ra rằng, tất cả những kế hoạch, những chương trình được thực hiện không phải để thể hiện bản thân, mà là để phục vụ các em Thiếu Nhi – và điều quan trọng nhất phải luôn là tình thương và sự gắn kết.
Dù đã trải qua không ít sóng gió, bất đồng hay hiểu lầm, nhưng sau tất cả, những người anh, người chị ấy vẫn chọn ở lại, chọn cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau để cùng lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa đến với các em Thiếu Nhi.
Tựu trung, lý tưởng của một người Giáo lý viên không nằm ở việc thể hiện bản thân, mà ở tinh thần dấn thân, phục vụ và trao truyền yêu thương. Chính sự dấn thân vô điều kiện ấy đã làm nên sự gắn bó ngày càng sâu sắc của Xứ Đoàn.
Những buổi họp không còn là những "cuộc chiến" căng thẳng, mà trở thành nơi để sẻ chia, để lắng nghe và cùng nhau xây dựng. Tinh thần trách nhiệm và sự cảm thông dần thay thế cho cái tôi cá nhân. Mỗi người bắt đầu nghĩ nhiều hơn về lợi ích chung, đặt trọng tâm vào những điều tốt đẹp nhất dành cho Thiếu Nhi.
Từ những bài học kinh nghiệm rút ra qua từng chương trình, Xứ Đoàn từng bước hình thành nên văn hóa làm việc chung: tôn trọng, đồng lòng và hiệp nhất. Ai cũng dần hiểu rằng, thành công không đến từ việc hơn thua hay thể hiện cá nhân, mà đến từ sự chung sức, cùng nhau hướng về mục tiêu duy nhất – giúp các em Thiếu Nhi có môi trường để vui chơi, học hỏi và trưởng thành trong đức tin.
Dù phía trước vẫn còn những bất đồng, những khó khăn cần vượt qua, nhưng điều quan trọng là tất cả cùng nhìn về một hướng. Khi hiểu rằng phụng vụ không phải là gánh nặng, mà là một sứ mạng yêu thương, thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng và vui tươi hơn.
Xứ Đoàn không chỉ là nơi tổ chức các chương trình, mà là một gia đình – nơi mỗi người được đồng hành, được lắng nghe và được lớn lên. Những người anh, người chị ấy, sau tất cả, vẫn luôn sẵn sàng dấn thân – vì họ biết rằng nơi đây là nơi họ thuộc về, là mảnh đất để cùng nhau gieo mầm và nuôi dưỡng những thế hệ tiếp nối. Và chính từ những trải nghiệm, những thử thách, Xứ Đoàn ngày một vững vàng hơn – không chỉ về số lượng, mà cả về tinh thần và ý chí phục vụ.
* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi vì tế nhị.
Phạm Trần Hoài Thương (TGPSG)
bài liên quan mới nhất

- Nội san Lửa Mến tháng 7.2025
-
Học yêu thương như Thánh Tâm Chúa Giêsu -
Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ hành hương Năm Thánh 2025 tại nhà thờ Tân Quy -
Mừng kính bổn mạng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm giáo hạt Tân Định - 2025 -
Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu -
Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam: Hội Nghị Toàn Quốc Lần VI -
Ban Caritas giáo Hạt Xóm Mới thăm các linh mục Hưu dưỡng - 2025 -
Caritas Giáo xứ Thánh Cẩm hành hương Năm Thánh 2025 -
Thánh lễ tạ ơn mừng ngày Truyền Thống và bế giảng khóa học Linh Hoạt Viên Căn Bản K22 -
Thánh lễ luân phiên của cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định
bài liên quan đọc nhiều

- Dòng Đa Minh Việt Nam
-
Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên -
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Mái ấm Thiên Ân -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Dòng Phanxicô (OFM - Ordo Fratrum Minorum)