Ủy ban Loan báo Tin mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 8/2025 - Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu sống thanh khiết
WHĐ (11/7/2025) - Nhằm khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng” đề nghị mỗi giáo phận chọn một ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm để chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ủy ban Loan báo Tin mừng sẽ có bài gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể mỗi tháng. Sau đây là bài gợi ý suy niệm tháng 8/2025.
ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản - Võ Thị Sáu - Quận 3 - Tp.HCM - Việt Nam
Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022
GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ - NĂM 2025
Cùng nhau loan báo Tin Mừng
ĐỀ TÀI 9 – THI HÀNH SỨ VỤ THEO SÁT ĐỨC GIÊSU
SỐNG THANH KHIẾT
Tháng 8/2025
A. Lời Chúa
- “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8).
- “Nếu ai muốn theo tôi, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
- “Anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (Mt 5, 14.16).
B. Ơn xin trong giờ chầu
Xin cho trái tim con thuộc trọn về Chúa.
C. Gợi ý suy niệm
1. Thanh khiết – chọn sống chỉ cho một tình yêu duy nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8).
Giáo Hội không thể thực sự thành hình, sống động và trở nên dấu chỉ của Đức Kitô giữa nhân loại nếu không có sự hiện diện linh hoạt của người giáo dân. Theo Sắc lệnh Ad Gentes số 21 nói rằng: Tin Mừng không thể thấm sâu vào tinh thần và đời sống của một dân tộc nếu thiếu vắng vai trò tích cực và trưởng thành của người giáo dân. Nhưng làm sao để người giáo dân có thể đảm đương vai trò sống còn ấy? Câu trả lời nằm ở một trái tim được thanh luyện – một tình yêu được quy hướng trọn vẹn về Chúa Giêsu.
Sống thanh khiết không chỉ là một nhân đức riêng tư, mà là nền tảng nội tâm giúp người giáo dân trưởng thành và có khả năng mang lấy sứ vụ truyền giáo cách hữu hiệu. Khi trái tim không còn bị phân tán vì những dính bén vô trật tự – tiền bạc, hưởng thụ, dục vọng, uy tín cá nhân – người giáo dân mới có thể mở lòng trước Chúa Thánh Thần, và dấn thân phục vụ Tin Mừng với sự tự do đích thực.
Thanh khiết, hiểu như chọn sống chỉ cho một tình yêu duy nhất, là điều kiện thiết yếu để người giáo dân trở nên “dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người”, như Công đồng đã mạnh mẽ xác quyết.
Câu hỏi gợi ý suy tư: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”
Tôi có đang xây dựng đời sống thiêng liêng của mình như một nền tảng cho sứ vụ chưa? Trái tim tôi có thực sự được tự do để yêu Chúa và yêu người, hay vẫn bị chia sẻ bởi những đam mê khác?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
2. Thanh khiết – bước đi theo Đức Giêsu với con tim tự do: “Nếu ai muốn theo tôi, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mt 16, 24).
Thi hành sứ vụ không phải là một công việc ngoài mặt, mà là một cuộc dấn thân toàn diện – một sự “hòa nhập vào đời sống và sứ vụ của Đấng đã tự hủy”. Điều đó đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ chính mình, không chỉ trong hành vi, mà trước hết là trong nội tâm – buông bỏ mọi lệ thuộc vào xác thịt, ham muốn danh vọng, nhu cầu được công nhận, hay những ràng buộc kín đáo nhưng sâu nặng trong tâm hồn.
Chính ở đây, nhân đức thanh khiết đóng vai trò quyết định:
- Thanh khiết không chỉ là điều liên quan đến dục vọng, mà sâu xa hơn, là trạng thái nội tâm được giải thoát khỏi mọi dính bén vô trật tự.
- Khi sống thanh khiết, người truyền giáo có con tim tự do – để yêu như Đức Giêsu yêu, để phục vụ không ràng buộc, để hiến thân mà không đòi lại, và nếu cần, sẵn sàng đổ máu vì Tin Mừng.
Sắc lệnh Ad Gentes, số 24 nhấn mạnh: con người không thể thực hiện điều này nếu chỉ dựa vào sức riêng. Chỉ trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người môn đệ mới có thể từ bỏ chính mình cách kiên vững và bước theo Đức Kitô với niềm vui, dù giữa bao gian truân thử thách. Đó là con đường thanh khiết – được thanh luyện bởi tình yêu, nâng đỡ bởi ân sủng, và tự do nhờ Thánh Thần.
Câu hỏi gợi ý suy tư: “Nếu ai muốn theo tôi, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”
Tôi có đang phục vụ với con tim thanh thoát chưa? Tôi có sẵn sàng từ bỏ chính mình để hòa nhập vào sứ vụ của Đức Kitô không – hay tôi vẫn còn phục vụ với động cơ riêng?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
3. Thanh khiết – phản ánh ánh sáng Thiên Chúa giữa sứ vụ: “Anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (Mt 5, 14.16).
Sắc lệnh Ad Gentes số 11 dạy rằng: Tất cả các Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống để thể hiện con người mới họ đã tiếp nhận qua bí tích Thánh Tẩy, đồng thời biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức, để những người chung quanh nhìn thấy các việc lành họ làm mà ngợi khen Chúa Cha, và nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa đích thực của cuộc sống nhân sinh cũng như mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại
Sống thanh khiết giữa đời thường không phải là một điều “khó hiểu” hay “xa rời thực tế” đối với giáo dân. Trái lại, chính đời sống thanh khiết – thể hiện qua ánh mắt trong sáng, lời nói không giả dối, hành vi tôn trọng, cách cư xử khiêm tốn và chân thành – là ánh sáng mạnh mẽ nhất mà giáo dân có thể chiếu giãi vào bóng tối thế gian.
Sắc lệnh Ad Gentes cho thấy rằng: chính giữa lòng thế giới, qua đời sống xã hội và gia đình, người Kitô hữu được mời gọi tỏa sáng. Và để thực sự là “ánh sáng”, đời sống ấy phải phản chiếu sự thánh thiện từ bên trong, tức là một tâm hồn đã được thanh luyện – một đời sống nội tâm trong sạch, không bị che mờ bởi gian dối, tham lam hay dục vọng.
Sống thanh khiết như thế không cần rao giảng lớn tiếng, nhưng có sức đánh động, gợi lên khát vọng thiêng liêng nơi người khác, như chính Ad Gentes nói: “làm phát sinh nơi người khác một lòng khao khát tìm kiếm Thiên Chúa.”
Câu hỏi gợi ý suy tư: “Anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (Mt 5, 14.16).
Tôi có đang sống thanh khiết như một “ánh sáng” giữa đời thường không? Những người sống quanh tôi có nhận ra một điều gì khác biệt, một điều gì trong sáng và đáng khao khát nơi tôi không?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
Lưu ý:
1) Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một gợi ý. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.
2) Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.
3) Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.
bài liên quan mới nhất

- Phân định và hiệp hành: Canh tân để loan báo Tin Mừng
-
Ủy ban Loan báo Tin mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 6/2025 -
Diễn văn của Đức Thánh Cha Lêô XIV cho các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ngày 22/5/2025 -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn Tháng 5/2025: Đời sống chứng nhân và trách nhiệm cá nhân -
Anh chị em dân tộc thiểu số tham gia vào đời sống Giáo hội -
ĐGH Phanxicô, “Nhà truyền giáo của thời đại” - Tóm tắt Giáo huấn của ĐGH Phanxicô về loan báo Tin mừng -
Ủy ban Loan báo Tin mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 5/2025: Thi hành sứ vụ -
Được mời gọi rao giảng Tin Mừng online: Năm Thánh dành cho các thừa sai kỹ thuật số -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 4/2025: Hiệp thông và trách nhiệm thi hành sứ mạng -
Người nghèo tham gia vào đời sống Giáo hội
bài liên quan đọc nhiều

- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Giáo dân truyền giáo -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Rao giảng Lời Chúa: lịch sử và thần học -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể