Trẻ em Iraq ở trại tị nạn Erbil rước lễ lần đầu

WHĐ (29.05.2016) – Hôm thứ Sáu 27-05 vừa qua, nhóm trẻ em Iraq đầu tiên ở trại tị nạn ở Erbil đã được rước lễ lần đầu, đem lại một nét sáng sủa cho tình hình u ám hiện nay.
Trong số 5.500 người tị nạn sống trong trại Aishty 2 ở Erbil, đa số là trẻ em; trong số này, 470 em sẽ được rước lễ lần đầu trong vài tuần tới. Năm ngoái số em lãnh nhận bí tích Thánh Thể vào khoảng 400 em.
Vì con số năm nay quá đông, nên các em được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên 175 em, đã rước lễ hôm thứ Sáu 27-05; nhóm thứ hai 145 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 03-06, và nhóm thứ ba 150 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 10-06.
Tất cả các em đều thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Syria, và hầu hết đã cùng với gia đình trốn thoát khỏi thành phố Qaraqosh, là trung tâm Kitô giáo của người Kurd, khi quân ISIS tấn công thành phố này đêm 06 tháng Tám 2014.
Thánh lễ ngày 27-05 cho nhóm đầu tiên do Đức Tổng giám mục Mosul là Đức cha Boutros Moshe cử hành trong nhà thờ tiền chế lớn của trại tị nạn.
Nhà thờ có sức chứa khoảng 800 người, mới đầu chỉ là một căn lều khi những người tị nạn Kitô giáo đầu tiên đổ vào Erbil hai năm trước cần có một nơi để cầu nguyện. Hiện nay đã trở thành nhà thờ giáo xứ chính của trại tị nạn Aishty, đây là trại tị nạn lớn nhất ở Erbil và được chia thành ba trại nhỏ: Aishty 1, 2 và 3.
Đa số người tị nạn đến từ Qaraqosh, là nơi đặt Toà Giáo hội Syria trước khi bị quân ISIS tấn công vào năm 2014.
Sau khi dời Toà chính thức từ Mosul về Qaraqosh mấy năm trước, do quan ngại về vấn đề an ninh và do thực tế là hầu hết các tín hữu sống tại thành phố, người Công giáo Syria hiện nay không có giáo phận chính thức hay trụ sở chính nào.
Bây giờ sống ở vùng Erbil đa số là người Canđê, họ được Giáo hội địa phương đón nhận và phải nỗ lực hằng ngày để giữ vững tinh thần cho các tín hữu đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn trong nước.
Có được gần 500 em rước lễ lần đầu ở trại tị nạn là một dấu hiệu của hy vọng ở một nơi mà ngọn lửa Kitô giáo đang leo lét, có nhiều nguy cơ sẽ tắt hẳn.
Một dấu hiệu hy vọng khác cho các Kitô hữu Iraq là việc phong chức bốn phó tế tại giáo xứ này. Hiện nay các thầy đang giúp những người tị nạn ngày đêm, và có thể sẽ được thụ phong linh mục trong vài tháng nữa.
Ba trong số bốn thầy phó tế này cùng với các nữ tu Dòng Đa Minh Catarina thành Siena –là cộng đoàn chủ yếu tạo thành cộng đồng Kitô hữu tị nạn Erbil– đảm trách việc giảng dạy giáo lý Thánh Kinh và phụng vụ cho các em.
(Theo CNA)
bài liên quan mới nhất

- Châm ngôn và Huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV
-
Đức Thánh Cha Lêô XIV gặp gỡ Hồng y đoàn -
Đức Thánh cha Lêô XIV tạm thời xác nhận các vị trí lãnh đạo và các thành viên của Giáo triều Roma -
Chúa nhật 18/5, Thánh lễ khai mạc triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV -
Bài giảng lễ của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong Thánh lễ cử hành với các Hồng y cử tri -
Ký ức của Đức tân Giáo Hoàng Lêô XIV về Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô -
Việc chọn tông hiệu Giáo hoàng Lêô XIV nêu bật sứ mạng của Giáo hội -
Đức Giáo hoàng Lêô XIV và cuộc cách mạng công nghệ mới -
Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y (9/5) -
Từ khói trắng đến “Habemus Papam”
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y