Thánh lễ Tuyên khấn Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả

Thánh lễ Tuyên khấn Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả

Thánh lễ Tuyên khấn Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả

TGPSG -- “Tôi thuộc về Chúa - Khấn dâng trong hoan hỉ và sôi sục lửa Thánh Thần”

Sáng ngày 14.7.2025, trong bầu khí linh thiêng và đầy niềm hân hoan, Thánh lễ Tuyên khấn của Hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả đã được cử hành long trọng tại Nhà thờ Giáo xứ Chúa Hiển Linh - Tổng Giáo phận Sài Gòn, do Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng chủ sự. Đồng tế có các cha Bề trên, các linh mục, tu sĩ nam nữ, cùng đông đảo thân nhân, ân nhân và cộng đoàn tín hữu hiệp dâng lời tạ ơn trong ngày hồng phúc.

Trong Thánh lễ, ba tập sinh tuyên khấn lần đầu và tám khấn sinh tuyên khấn trọn đời, chính thức dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa qua ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục.

Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng mời gọi cộng đoàn cùng tạ ơn và cầu nguyện để Chúa Thánh Thần thiêu đốt tâm hồn các khấn sinh, giúp các thầy trở nên của lễ toàn thiêu, dâng trọn đời mình phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh theo linh đạo Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả.

Sau phần công bố Tin mừng, Đức TGM Giuse đã chia sẻ Lời Chúa và mời gọi cộng đoàn cùng các Tập sinh - Khấn sinh chiêm niệm về căn tính đời thánh hiến, sống dấn thân với nội tâm luôn “sôi sục” lửa yêu mến Thiên Chúa.

 Đời tu không hệ tại ở lời khấn, mà là thuộc trọn về Chúa

Khởi đầu bài giảng, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn nhìn lại bản chất sâu xa của đời tu:

“Chúng ta thường nhấn mạnh đến ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Nhưng bản chất của đời tu không hệ tại ở các lời khấn đó. Các lời khấn chỉ là phương tiện để đạt đến một điều cao cả hơn - đó là một cuộc đời thuộc trọn về Chúa.”

Ngài nói rằng hành vi tuyên khấn không chỉ là nghi thức tôn giáo, mà là một tuyên xưng công khai: “Tôi thuộc về Chúa - và điều đó trở thành niềm hãnh diện, trở thành căn tính. Tôi chết đi cho chính mình và sống cho Đấng tôi yêu.”

Theo Chúa là chọn từ bỏ và sống như của lễ toàn thiêu

Dẫn vào bài Tin Mừng, Đức Tổng nêu bật sự khác biệt giữa đời sống Kitô hữu và ơn gọi tu trì. Trong khi người tín hữu sống theo giới răn để được sự sống đời đời, thì người tu sĩ được mời gọi đi xa hơn: “Người tu sĩ không dừng lại ở việc giữ luật để được cứu rỗi, mà là bước theo Chúa thật gần, sống triệt để hơn, và thuộc về Ngài nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi một sự buông bỏ - từ bỏ tất cả để trở nên của lễ dâng trọn cho Chúa.”

Ngài dùng hình ảnh người đi trong sa mạc để minh họa: “Ban đầu người ta mang theo rất nhiều hành lý, nhưng càng đi xa, càng phải bỏ bớt. Cuối cùng, chỉ giữ lại điều không thể thiếu: đó là nước - tức là sự sống. Trong hành trình tu trì, ‘nước’ chính là Chúa, là sức sống nội tâm.”

 “Nồi nước nội tâm phải sôi” - Lực đẩy cho sứ vụ

Một điểm sáng nổi bật trong bài giảng là hình ảnh nồi nước sôi - ẩn dụ cho nội tâm bừng cháy của người tu sĩ: “Nếu lòng không sôi, chúng ta sẽ mệt mỏi, nhàm chán và đời tu trở nên nguy hiểm. Nồi nước càng sôi, tàu lửa càng chạy mạnh. Cũng vậy, nội tâm người tu sĩ càng cháy lửa yêu mến, thì càng có lực đẩy mạnh mẽ để dấn thân phục vụ.”

Đức Tổng cảnh báo sự nguy hiểm của đời sống tu trì thiếu nội lực, và chỉ ra sự khác biệt căn bản giữa phục vụ vì yêu và làm “dịch vụ” đơn thuần: “Ngoài xã hội, người ta dạy học, làm bác sĩ, làm y tá giỏi hơn chúng ta. Nhưng điều khiến các thầy khác biệt là tất cả những gì các thầy làm phải phát xuất từ tình yêu với Chúa - từ một nội tâm sôi sục lửa Thánh Thần.”

 Không sống cho riêng mình, nhưng được đẩy ra để phục vụ

Từ nội tâm đầy lửa, Đức Tổng nhấn mạnh vai trò đặc sủng của mỗi người trong Hội dòng:

“Đi tu không phải là để sống khép kín cho riêng mình, mà là để phục vụ người khác, để cộng tác với đặc sủng mà Chúa ban cho hội dòng mình - trong trường hợp của anh em, là lý tưởng truyền giáo.”

Đặc biệt, ngài nhắc đến sứ vụ truyền giáo nơi người Hoa - một cánh đồng bao la mà hiện tại Hội dòng vẫn chưa tiếp cận được trọn vẹn: “Dù chưa thể hiện diện nơi ấy, các thầy vẫn có thể truyền giáo bằng đời sống nội tâm, bằng lời cầu nguyện và hy sinh. Hãy nhớ đến Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - dù không rời khỏi Dòng Kín, ngài vẫn trở nên bổn mạng các xứ truyền giáo.”

 Kết lời - Hạnh phúc là được thuộc về Chúa

Đức Tổng kết thúc bài giảng bằng lời cầu chúc đầy xác tín: “Xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong lòng anh em ngọn lửa không bao giờ tắt. Để ‘nồi nước nội tâm’ của anh em luôn sôi sục, và sôi sục thì mới có lực đẩy để dấn thân và tác động mạnh mẽ trên môi trường sống.”

Ngài nhấn mạnh, hạnh phúc đích thực của người tu sĩ không đến từ bên ngoài, mà từ niềm vui sâu xa khi được sống trong tình yêu và thuộc trọn về Chúa: “Tôi thuộc về Chúa - đó là lời tuyên xưng của đời các thầy hôm nay. Xin cho lời ấy không chỉ vang lên trong nghi thức, mà được sống trọn vẹn từng ngày, trong niềm vui, lòng trung tín và ngọn lửa nhiệt thành không nguội lạnh.”

Nghi thức Tuyên khấn

Sau bài giảng là nghi thức khấn dòng, có ba tập sinh tuyên khấn lần đầu và tám khấn sinh tuyên khấn trọn đời dâng hiến cuộc sống của mình để phụng sự Chúa và Giáo hội. Trước mặt những người đại diện Thiên Chúa và cộng đoàn, các khấn sinh đã đọc lời tuyên khấn thể hiện lòng trung thành, lòng yêu mến và cam kết sống theo các lời khuyên phúc âm dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

Tuyên Khấn lần đầu

Cha Giám tập Giuse Trần Ngọc Hồng Kiệt gọi tên các thầy

Đức Tổng có lời chỉ dạy trước khi các Tập sinh đọc lời tuyên khấn

Từng Tập Sinh đọc lời tuyên khấn

Tân Khấn sinh ký và cha phó bề trên Tổng quyền ký vào bản tiên khấn

Các Tân khấn sinh nhận Kinh Thánh từ tay Đức Tổng Giuse.

Tuyên khấn trọn đời

Cha Viện trưởng Gioan Baotixita Mai Văn Minh gọi tên các thầy và Đức Tổng thẩm vấn các Khấn sinh.

Đức Tổng Giuse làm phép áo dòng

Sau lời nguyện Đức Giám mục cởi bỏ áo dòng cũ và trao áo vĩnh khấn cho khấn sinh.

Các khẩn sinh dâng lên Thiên Chúa lời kinh dâng mình là lời nguyện của một tâm hồn khao khát từ bỏ những giá trị phù vân của thế gian để hướng trọn về Thiên Chúa, hiến dâng trọn vẹn và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa.

Kính cầu các Thánh, các thầy tuyên khấn trọn đời phủ phục với tấm vải đen được phủ lên các khấn sinh như dấu chỉ cái chết của con người cũ, của những bám víu, những chọn lựa mang tính cá nhân, những giới hạn của con người. Để từ nay họ không còn sống cho riêng mình nữa, nhưng sống cho Đấng mà họ chọn yêu trọn đời. Như hạt giống vùi sâu vào lòng đất để âm thầm nảy mầm sự sống.

Các Khấn Sinh đọc lời Tuyên khấn trọn đời

Các thầy vừa tuyên Vĩnh Khấn và cha phó bề trên Tổng quyền đã ký vào bản Vĩnh khấn

Các linh mục và các thầy trong dòng biểu lộ niềm vui với các thầy vừa tuyên khấn

Sau Thánh lễ cha Gioan Baotixita Trần Anh Thư (Nhạc sĩ Phương Anh) - Phó bề trên Tổng quyền Hội dòng đã nhìn lại lịch sử hình thành Hội Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả tại Việt Nam.

Hội dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả được thành lập tại Trung Quốc vào năm 1928 bởi cha Vinh Sơn Lebbe, một nhà truyền giáo người Bỉ, được Thánh Thần thôi thúc ra đi loan báo Tin Mừng từ năm 1901. Dù cha sáng lập sớm qua đời sau 12 năm, tinh thần và linh đạo của ngài tiếp tục được gìn giữ qua cha Cao Lịch Sơn và gần 200 anh em tiểu đệ.

Tuy nhiên, biến cố năm 1949 tại Trung Quốc khiến Hội dòng tạm ngưng hoạt động. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, chỉ còn 13 anh em vượt thoát sang Hồng Kông, và từ đó, Hội dòng được phục hồi tại Đài Loan năm 1953, nơi trở thành điểm khởi đầu mới cho hành trình truyền giáo sau này.

Tại Việt Nam, Hội dòng đã hiện diện từ sớm, mang theo tinh thần hội nhập văn hóa, noi gương thánh Gioan Tẩy Giả đến với muôn dân, đặc biệt là người Trung hoa, để dọn đường cho Đấng Cứu thế đến. Tuy nhiên, biến cố 1975 khiến cộng đoàn tạm ngưng hoạt động, cho đến khi được hồi sinh vào năm 1992 nhờ sự hỗ trợ của cha Stanislaus Su, vị ân nhân lớn của Hội dòng Việt Nam. Trước đó, chính cha Stanislaus Su cũng đã giúp khôi phục Hội dòng tại Hoa Kỳ vào năm 1989.

Từ nền tảng ấy, Hội dòng tiếp tục phát triển với sự thành lập các cộng đoàn mới tại Philippines (2004) và Canada (2005) - những vùng đất có đông đảo người Hoa, là mục tiêu truyền giáo trọng điểm của Hội dòng.

Tính đến nay, Hội dòng đã có khoảng 150 tiểu đệ, trong đó hơn 100 là người Việt, hiện diện tại Việt Nam, Đài Loan, Hoa Kỳ, Philippines và Canada.

Hướng đến năm 2028, Hội dòng hân hoan chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập toàn dòng, đồng thời mừng 75 năm hiện diện tại Việt Nam - một minh chứng cho sự trung tín của Chúa và lòng quảng đại đáp trả từ Giáo hội Mẹ Việt Nam.

Cha Phó Bề trên mời gọi các tu sĩ: “Hãy trung thành với đoàn sủng, thao luyện tinh thần truyền giáo và giữ cho ‘nồi nước nội tâm’ luôn sôi sùng sục, để có thể hy vọng thực hiện lý tưởng: dọn đường cho Chúa đến trong nhiều tâm hồn.”

Kết lại, ngài bày tỏ lòng tri ân Đức Tổng Giám mục, quý cha, quý tu sĩ, thân nhân, ân nhân và toàn thể cộng đoàn đã yêu thương, cầu nguyện và đồng hành cùng Hội dòng, đặc biệt trong ngày tuyên khấn trọng đại này.

Trước khi kết thúc thánh lễ Đức Tổng Giuse chúc mừng hội dòng và có lời nhắn nhủ các Tân Khấn Sinh và các thầy Vĩnh Khấn: “Ơn gọi không phải là sự rút lui khỏi đời, nhưng là dấn thân sâu vào lòng đời với niềm vui khôn tả. Tu sĩ hôm nay không chỉ cần đông, mà cần sống đời tu trọn vẹn, hạnh phúc, sôi sục Thánh Thần.” Ngài kết bằng hình ảnh: “Chiếc thánh giá màu đỏ trên áo khấn trọn không chỉ là dấu máu - mà là dấu tình yêu. Là ngọn lửa đã được đốt, và sẽ không bao giờ tắt nếu anh em tiếp tục giữ cho nội tâm luôn sôi, luôn cháy vì Chúa.”

Thánh lễ tuyên khấn khép lại trong tâm tình tạ ơn và đầy tràn hy vọng. Những lời khấn vang lên hôm nay không chỉ là một cột mốc, nhưng là khởi đầu cho hành trình dấn thân trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh.

Bài viết: Sơn Nữ SPC & Ảnh: Bảo Phạm, Long Vũ, Minh Hùng (TGPSG)

 

 

 

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top