Tại Pháp, Huynh đoàn Thánh Piô X bãi nhiệm những linh mục chống đối việc hoà giải với Roma

La Croix / WHĐ (15.05.2017) – Trong lúc Huynh đoàn Thánh Piô X dường như chưa bao giờ đến gần tình trạng tái hội nhập với Roma như thế, những căng thẳng bên trong Huynh đoàn giữa những người ủng hộ và những người phản đối tái hội nhập ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Hồi đầu tháng Tư vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã quyết định công bố thừa nhận tính hợp pháp đối với hôn phối “của các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh đoàn Thánh Piô”. Cử chỉ này, được coi là một bước tiến mới hướng tới hòa giải, đã gây ra những xáo trộn trong nội bộ những người theo giám mục Lefebvre.
Như vậy, trong khi một thỏa thuận giữa Roma và những người kế thừa Giám mục Marcel Lefebvre –ba mươi năm sau khi Giám mục này bị vạ tuyệt thông–, dường như đang ở trong tầm tay, tiến trình này lại đẩy Huynh đoàn Thánh Piô X vào một cuộc khủng hoảng lớn giữa những người ủng hộ và những người phản đối một cuộc tái hội nhập với Roma.
Phản ứng với quyết định của Đức Thánh Cha về bí tích hôn phối, thay vì thái độ hoan nghênh như các nhà lãnh đạo của Huynh đoàn, nhiều linh mục của Huynh đoàn thuộc miền Pháp đã soạn thảo và công bố hôm 7 tháng Năm vừa qua một bức thư gửi các tín hữu, bày tỏ mối nghi ngại của họ và phê phán quan điểm của Nhà Tổng quyền. Trong số này có cha Patrick de La Roque, chính xứ giáo xứ Thánh Nicolas-du-Chardonnet, ngôi nhà thờ mang tính biểu tượng ở trung tâm Paris, do Huynh đoàn cai quản từ năm 1977.
Một thái độ “không thể chấp nhận được” và “mang tính phá hoại”
Các linh mục này viết: “Xin cho phép chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên lớn lao về quyết định này của Roma và những lời tán thành quyết định ấy. Quy chế giám chức tòng nhân mà người ta muốn làm cho Huynh đoàn loá mắt là nhìn nhận chúng ta như chúng ta đang là, và cho chúng ta độc lập trong địa giới của những vị bản quyền địa phương. Điều đầu tiên là quyết định phải trình các lễ hôn phối của chúng ta cho các vị bản quyền ấy một cách bất công, rồi mai này việc mở thêm các Nhà mới của chúng ta cũng phải được họ chuẩn nhận”.
Về phía hàng lãnh đạo của Huynh đoàn, không phải đợi lâu mới có câu trả lời. Qua bức thư cùng ngày, cha Christian Bouchacourt, Bề trên miền tại Pháp, đã bác bỏ một thái độ “không thể chấp nhận được” vì nó “mang tính phá hoại”. Ba ngày sau, cha công bố bãi nhiệm cha La Roque và những người ký tên vào lá thư bị phê phán này.
Một chính sách cởi mở “chỉ được một thiểu số ủng hộ”
Thái độ xa rời này nằm trong khuôn khổ rộng lớn hơn của những khác biệt sâu sắc trong Huynh đoàn. Cựu thành viên Huynh đoàn đã trở về hiệp thông với Roma, cha William Tanoüarn, nhận thấy sẽ là điều có lợi cho cá nhân giám mục Beranrd Fellay, Bề trên tổng quyền của Huynh đoàn, nếu nhanh chóng đạt được một thỏa thuận, vì trong nội bộ Huynh đoàn “chính sách cởi mở với Roma chỉ được một thiểu số ủng hộ”, trong khi Giám mục người Thụy Sĩ này sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018 (mỗi nhiệm kỳ mười hai năm). Cha Tanoüarn nói với hãng tin AFP: “Không chắc rằng giám mục Fellay sẽ được bầu lại làm Bề trên tổng quyền. Nếu Huynh đoàn trở thành một phủ giám chức tòng nhân, ông sẽ là bản quyền suốt đời. Đây là một hình thức đảo chính mượn danh”.
Việc công nhận về mặt giáo luật đang được thảo luận tại Roma có thể dẫn tới việc Huynh đoàn được hưởng quy chế của một “phủ giám chức tòng nhân”, trực tiếp thuộc quyền Đức giáo hoàng, chứ không thuộc quyền các giám mục. Có người đã cho rằng điều này sẽ được chính thức công bố vào ngày 13 tháng Năm, ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, ngày mà những người duy truyền thống rất yêu thích, nhưng hiện nay chưa có một lịch trình nào được xác định, cả về phía Toà Thánh Vatican lẫn về phía Huynh đoàn.
(Theo La Croix)
bài liên quan mới nhất

- "Ngài đã có một tỷ số tuyệt vời" tại Mật nghị
-
"Giám mục là một mục tử gần gũi với dân chúng, không phải là người quản lý" -
Đức Thánh cha Lêô XIV tạm thời xác nhận các vị trí lãnh đạo và các thành viên của Giáo triều Roma -
Chúa nhật 18/5, Thánh lễ khai mạc triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV -
Bài giảng lễ của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong Thánh lễ cử hành với các Hồng y cử tri -
Ký ức của Đức tân Giáo Hoàng Lêô XIV về Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô -
Việc chọn tông hiệu Giáo hoàng Lêô XIV nêu bật sứ mạng của Giáo hội -
Đức Giáo hoàng Lêô XIV và cuộc cách mạng công nghệ mới -
Thánh Lễ của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV với các Hồng Y (9/5) -
Từ khói trắng đến “Habemus Papam”
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y