Phỏng vấn ĐGM Thibault Verny - Tân Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên
TGPSG/Vatican News – Vào ngày 5-7-2025, Đức Giáo Hoàng Lêô bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Thibault Verny – của Tổng giáo phận Chambéry và của Giáo phận Maurienne & Tarentaise - kế nhiệm Hồng y Seán Patrick O’Malley trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên.
Tại Pháp, Đức Tổng Giám Mục Verny từng phụ trách công tác phòng chống lạm dụng trẻ em trong Hội đồng Giám mục Pháp.
Đức Tổng Giám Mục Thibault Verny là tân Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Ngài sẽ đem kinh nghiệm phong phú tại Giáo hội Pháp để phục vụ cho Giáo hội hoàn vũ, đồng thời vẫn tiếp tục đảm trách nhiệm vụ tại giáo phận của mình.
Ngài từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Phòng ngừa và Đấu tranh chống lạm dụng trẻ em của Hội đồng Giám mục Pháp cho đến tháng Sáu vừa qua, khi ngài chuyển giao trách nhiệm này cho Đức Cha Gérard Le Stang của Giáo phận Amiens, người được bầu chọn tại kỳ họp toàn thể gần đây nhất.
Trước tiên tại Tổng Giáo phận Paris và sau đó trong Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Verny đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống lạm dụng trong Giáo hội. Ngài đã tận tâm lắng nghe, đồng hành với các nạn nhân, cũng như cộng tác chặt chẽ với các cơ quan dân sự và tư pháp.
Ngài xem việc được bổ nhiệm lần này là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Giáo hội Pháp, đặc biệt qua việc thành lập CIASE (Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội), dẫn đến việc công bố bản báo cáo của ông Jean Marc Sauvé, và việc thiết lập INIRR, một cơ quan chuyên trách về việc bồi thường và đền bù cho các nạn nhân.
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican Media, Đức Tổng Giám Mục chia sẻ rằng ngài dự định sẽ tiếp tục công việc của người tiền nhiệm, Hồng y Seán Patrick O’Malley, thuộc Dòng Capuchin Hoa Kỳ, người mà ngài đã nhiều lần cộng tác, nhằm xây dựng và củng cố văn hóa bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong Giáo hội.
Vatican Media: Thưa Đức Tổng Giám Mục Verny, ngài vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, cơ quan được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập vào tháng Ba năm 2014. Đức Thánh Cha Lêô XIV đã chọn ngài để kế nhiệm Hồng y O’Malley, người vừa tròn 80 tuổi. Ngài cảm nhận thế nào về việc được bổ nhiệm lần này?
Đức Tổng Giám Mục Verny: Ba từ ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí và trong lòng tôi.
Trước hết là từ “khiêm tốn” - khi đứng trước tầm quan trọng và sự nghiêm trọng của sứ vụ này, cũng như những thách đố đi kèm.
Tiếp theo là từ “biết ơn” - tôi biết ơn Đức Thánh Cha Lêô XIV vì sự tín nhiệm ngài dành cho tôi; và tất nhiên, tôi cũng biết ơn Hồng y O’Malley, người mà tôi đã có cơ hội cộng tác trong Ủy ban Giáo hoàng và trân trọng tất cả những gì ngài đã thực hiện.
Từ thứ ba là “quyết tâm” - quyết tâm tiếp tục và đào sâu công việc quan trọng này.
Hỏi: Ngài đã có kinh nghiệm trong Hội đồng Giám mục về vấn đề nhạy cảm này. Giờ đây, ngài sẽ có cơ hội đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ...
Đáp: Tại Pháp, sứ vụ của tôi - trước tiên tại Tổng Giáo phận Paris, sau đó là trong Hội đồng Giám mục - đã cho tôi cơ hội được lắng nghe các nạn nhân và đồng hành với họ trên hành trình của họ. Đây là một kinh nghiệm quyết định đối với tôi. Tôi cũng có cơ hội làm việc với các đại diện của xã hội dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp, với những người mà chúng tôi đã cùng nhau xây dựng các quy trình hợp tác và nhờ đó hình thành được một phương pháp làm việc cụ thể. Việc được hợp tác với các cơ quan dân sự cũng là điều rất quan trọng, bên cạnh mối liên kết chặt chẽ với tất cả các giáo phận trên toàn nước Pháp.
Hỏi: Theo ngài, những ưu tiên của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên sẽ là gì, và đâu là những ưu tiên của ngài cho Giáo hội hoàn vũ?
Đáp: Trước hết, tôi nghĩ đến các thành viên của Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên và tất cả những ai đang cộng tác tại đó. Tôi thực sự xúc động vì được tiếp tục và phát triển hơn nữa công việc này cùng với tập thể và tất cả các thành viên của Ủy ban.
Các ưu tiên sẽ là tiếp tục công việc đã được trình bày trong báo cáo thường niên, thúc đẩy các sáng kiến tại những quốc gia đang cần, và thông qua dự án “Memorare” để hỗ trợ các Giáo hội địa phương trong việc tiếp đón và đồng hành với các nạn nhân. Các hướng dẫn mục vụ mới sẽ sớm được công bố, cung cấp những chỉ dẫn cụ thể cho việc đồng hành và bảo vệ trẻ vị thành niên.
Một điểm khác mà tôi cho là rất quan trọng đó là cần kết nối các sáng kiến trên toàn cầu. Hiện nay, rất nhiều quốc gia vẫn đang hành động riêng lẻ. Chúng ta cần phải biết hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ những điều đã và đang được thực hiện.
Hỏi: Việc cộng tác và đồng hành với các nạn nhân có tầm quan trọng như thế nào?
Đáp: Ủy ban Giáo hoàng không có nhiệm vụ thay thế các cơ cấu địa phương và các Hội đồng Giám mục. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức trong các Hội đồng Giám mục, các dòng tu và các hội dòng tại nhiều quốc gia về việc lắng nghe và đồng hành với các nạn nhân một cách cụ thể.
Trong Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, điều hết sức cần thiết là phải có sự hiện diện của các nạn nhân và gia đình của họ, vì họ mang đến những kinh nghiệm không thể thay thế. Theo tôi, chúng ta cần tiếp tục xây dựng một não trạng, một nền văn hóa trong lòng các Giáo hội, nhằm lan tỏa việc bảo vệ trẻ vị thành niên và làm cho việc này trở thành điều tự nhiên, không chỉ trong Giáo hội mà cả trong các gia đình và ngoài xã hội.
Hỏi: Xin ngài cho nhận định về công việc của Ủy ban Giáo hoàng như ngài đã quan sát từ giáo phận của mình, đặc biệt trong bối cảnh một số thành phần dư luận vẫn còn có thái độ thù nghịch, hoặc ít nhất là thiếu tin tưởng, đối với Giáo hội và chính Ủy ban?
Đáp: Tôi nghĩ từ “thù nghịch” có lẽ không thật sự phù hợp. Tôi muốn nói đến “sự đòi hỏi”. Xã hội đang đòi hỏi nơi Giáo hội một tinh thần sống đúng với sứ mạng, đúng với vai trò của mình trong xã hội, và người ta mong chờ một Giáo hội thực sự mẫu mực, biết chăm sóc những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Giáo hội cần có sự khiêm tốn, cần can đảm nhìn nhận sự thật để có thể hướng về tương lai.
Tất cả những công việc mà Ủy ban Giáo hoàng đã thực hiện kể từ khi được thành lập cần tiếp tục được bén rễ vững chắc, cả trong bối cảnh của Giáo triều Rôma, lẫn trong các Hội đồng Giám mục và các hội dòng trên khắp thế giới. Báo cáo thường niên chính là một phần đóng góp quan trọng cho tiến trình này.
Hỏi: Đã có thời điểm người ta nghĩ rằng lòng tin giữa các tín hữu - hoặc ít nhất là một bộ phận trong số họ - đối với các vị đại diện của Giáo hội đã bị đánh mất. Công cuộc hòa giải đến nay đã đạt được chưa? Có cần tiếp tục tiến bước trên con đường này không?
Đáp: Tôi vẫn giữ sự thận trọng. Lòng tin không thể được khôi phục chỉ bằng một sắc lệnh. Lòng tin phải được gây dựng và vun đắp từng ngày. Có một cám dỗ muốn chuyển sang những chủ đề khác, muốn sớm khép lại quá khứ. Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm sự thật và đồng hành với các nạn nhân phải được tiếp tục. Việc bảo vệ trẻ vị thành niên vẫn luôn và sẽ mãi là một vấn đề thời sự. Đây là điều kiện tiên quyết để Tin Mừng có thể được lắng nghe và được đón nhận.
Tác giả: Jean Charles Putzolu
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News
bài liên quan mới nhất

- Thầy Matthew, Bề trên Cộng đoàn Taizé, được Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp kiến riêng
-
Bài phát biểu của Đức cha Thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích về Thánh lễ cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng -
Đức Lêô XIV: Công trình sáng tạo không phải là chiến trường tranh giành tài nguyên -
Đức Lêô XIV kêu gọi Iran và Israel xử trí với “trách nhiệm và lý trí” -
Đức Lêô XIV: Phêrô và Phaolô, mẫu gương của hiệp thông và hòa hợp -
Đức Lêô XIV nói với người Công giáo Ukraina: “Đức tin của anh chị em đang bị thử thách” -
Kỷ niệm 10 năm Tòa Thánh công nhận Nhà nước Palestine -
Sứ điệp Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các linh mục nhân ngày Thánh hoá các Linh mục năm 2025 -
Đức Lêô XIV: Xin cho các linh mục được Tình Yêu Chúa uốn nắn -
Đức Leo XIV khích lệ các Giáo hội Đông phương tiếp tục làm chứng giữa đau thương chiến tranh
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y