Những chi tiết mới về cái chết của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu
TGPSG / Aleteia -- Các nhà khoa học đã phát hiện ra một yếu tố khiến Thánh nữ “Bông hoa nhỏ” phải chịu đau khổ nhiều hơn trong những ngày cuối cùng của cuộc sống ngắn ngủi của mình.
Một phân tích độc chất học mới đây đã tiết lộ rằng Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã bị ngộ độc thủy ngân ngay trước khi qua đời. Theo Giáo sư Philippe Charlier – nhà pháp y đứng đầu phòng thí nghiệm tại Đại học Paris-Saclay, những phát hiện này đã được công bố vào thứ Ba 20-5-2025.
Trước đây, người ta hiểu rằng Thánh Têrêsa qua đời vì bệnh lao cấp tính vào ngày 30-9-1897, khi mới 24 tuổi. Vị thánh nữ được mệnh danh là “Bông hoa nhỏ” này, vốn đã suy kiệt vì mất một lá phổi và phải chịu đựng đau đớn lớn, đã gục ngã trước căn bệnh ấy.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Charlier – được công bố nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc hành hương Herbitzheim – đã phát hiện thêm một yếu tố khác: thi thể của Thánh Têrêsa cho thấy dấu hiệu rõ ràng của việc nhiễm độc thủy ngân (Herbitzheim là một thị trấn nhỏ thuộc vùng Alsace, phía đông bắc nước Pháp, được mệnh danh là “Lisieux nhỏ,” nơi tổ chức cuộc hành hương hằng năm về Thánh Têrêsa vào lễ Hiện Xuống kể từ năm 1925.)
Cuộc điều tra được thực hiện bằng cách phân tích một lọn tóc của Thánh nữ. Với sự cho phép của Tổng Giáo phận Strasbourg, Giáo sư Charlier đã lấy hai sợi tóc từ một thánh tích của ngài tại nhà thờ Herbitzheim và gửi đến Đan Mạch để xét nghiệm. Theo lời chia sẻ của vị giáo sư này với Aleteia, một sợi tóc không thể sử dụng được, nhưng sợi còn lại đã mang đến những hiểu biết đáng kinh ngạc.
Kết quả cho thấy sợi tóc ấy tương ứng chính xác với bốn tuần cuối đời của Thánh nữ. Báo cáo pháp y ghi nhận một quá trình “hấp hối đau đớn” trong thời gian đó, được thể hiện qua sự sụt giảm nghiêm trọng nồng độ sắt và đồng trong tóc – phản ánh sự kiệt quệ của cơ thể khi đang hấp hối. Đặc biệt đáng chú ý, mẫu tóc cho thấy hai lần nồng độ thủy ngân tăng vọt khoảng mười ngày trước khi Thánh nữ qua đời.
Thủy ngân là kim loại nặng, độc hại với cơ thể nếu tích tụ quá mức. Vào năm 1897, thủy ngân vẫn được dùng phổ biến trong một số phương pháp điều trị y học – ví dụ như chữa ký sinh trùng đường ruột hoặc, đáng lưu ý, điều trị lao. Charlier cho biết bác sĩ Dòng Kín ở Lisieux có thể đã dùng một loại thuốc có chứa thủy ngân với hy vọng cứu chữa Têrêsa.
Tình trạng xấu đi nhanh chóng
Đáng tiếc thay, loại thuốc ấy dường như đã khiến tình trạng của Thánh nữ tồi tệ hơn. Charlier nhận định: “Chúng ta có thể nói rằng Thánh Têrêsa đã qua đời vì bệnh lao, nhưng cũng do một biến chứng iatrogenic (tức là do điều trị hoặc do bác sĩ gây ra).”
Nói cách khác, dù ngài sẽ vẫn chết vì lao, nhưng phương pháp điều trị bằng thủy ngân – trong thời đại chưa có kháng sinh – đã đẩy nhanh tiến trình hấp hối. Charlier ghi nhận: “Thánh nữ đã mất một lá phổi và đang chịu đựng như một vị tử đạo,” vì bệnh lao từng là nỗi ám ảnh lớn của thế kỷ 19 trước khi thuốc hiện đại xuất hiện. Việc dùng thủy ngân có thể là một nỗ lực tuyệt vọng để cứu ngài, nhưng lại góp phần đẩy nhanh cái chết.
Những phát hiện khoa học này, dựa trên phân tích tóc kỹ lưỡng, không làm thay đổi sự thánh thiện của Têrêsa, nhưng giúp ta hiểu rõ hơn hoàn cảnh lịch sử của sự đau khổ mà ngài đã trải qua.
Là người Công giáo, chúng ta có thể tin chắc rằng ngay cả trong những chi tiết khoa học u ám ấy, sự quan phòng của Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đời sống Thánh Têrêsa. Giáo sư Charlier cũng thừa nhận ông đã xúc động sâu sắc trước chứng tá của Thánh nữ. Ông nói:
“Tôi không biết rõ về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Để hiểu hơn về vị nữ tu trẻ trở thành 'bệnh nhân' của mình, tôi đã đọc cuốn 'Một tâm hồn' của Thánh nữ. Như nhiều người, tôi thấy khó có thể không bị đánh động bởi hình ảnh một con người có những lời lẽ mang ý nghĩa phổ quát đến vậy.”
Trùng hợp thay, ngày 17-5-2025 lại cũng đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày Têrêsa được phong thánh – một thời điểm thích hợp để suy ngẫm về di sản của vị Thánh nữ này.
Một con đường thiêng liêng đơn sơ
“Con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa – con đường thơ ấu thiêng liêng – mang đến cái nhìn sâu sắc. Không phải bằng những kỳ công huyền bí vĩ đại, ngài đã nên thánh nhờ những hành động nhỏ bé thấm đẫm yêu thương và niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Chính ngài đã viết: “Con quá bé nhỏ để leo lên chiếc thang gồ ghề của sự trọn lành… Con muốn tìm một con đường nhỏ, thẳng, thật ngắn” – một “con đường mới” mà chỉ mình Thiên Chúa có thể nâng con lên. Ngài kết luận, điều cốt yếu là “chỉ có tình yêu mới làm cho các chi thể của Hội Thánh hoạt động.”
Nói cách khác, không phải những hành động vĩ đại mà chính sự phó thác đầy yêu mến trong đời sống thường nhật mới là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Ngay cả trong bệnh tật, Thánh Têrêsa đã dâng những đau khổ của mình như những bông hoa nhỏ cho Chúa Giêsu, với niềm tin tưởng nơi lòng thương xót của Người.
Bài học về đức tin
Thật vậy, Thánh Têrêsa dạy ta rằng: Ta có thể đến với Thiên Chúa bằng niềm tin tưởng của trẻ nhỏ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nhận xét rằng: linh đạo của Têrêsa cốt yếu là một “con đường thơ ấu thiêng liêng”, nhắc nhở ta rằng “Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái của Người,” như Catholic Culture từng ghi nhận. Thánh nữ sống với một sự tin tưởng đơn sơ: Thiên Chúa đặc biệt tìm kiếm những con người yếu đuối và bất toàn để đồng hành với họ trên hành trình nên thánh.
Một bài suy niệm - do “Vương cung Thánh đường Bông Hoa Nhỏ” chia sẻ về giáo huấn của thánh nữ - giải thích rằng: Ta hãy nhìn nhận sự bé nhỏ của mình và phó thác để Chúa “ẵm ta vào Nước Trời” vì ta không thể tự mình lên đó được.
Thánh Têrêsa đã hoàn toàn phó thác mình cho ý muốn của Chúa, tin rằng Chúa là Cha nhân từ sẽ không bao giờ bỏ rơi mình. Chúng ta chỉ cần làm phần nhỏ của mình và “tin tưởng phó thác phần còn lại cho Chúa, Đấng luôn trung thành và sẽ không bao giờ rời xa hay từ bỏ chúng ta”.
Vào đúng ngày kỷ niệm 100 năm phong thánh cho Thánh nữ, chứng tá của Thánh Têrêsa thành Lisieux đã tỏa sáng cách đặc biệt. Những đau khổ cuối cùng của ngài – giờ đây được khoa học hiểu rõ hơn – đã kết hợp hoàn toàn với ý muốn của Chúa. Ngay cả khi thủy ngân trong hệ thống của ngài làm tăng thêm nỗi đau, ngài vẫn “như một trẻ thơ” tin tưởng vào sự chăm sóc của Chúa Cha.
Ngài đã từng cầu nguyện, “Lạy Chúa Giêsu, con phó thác mình cho Chúa; xin Chúa chăm sóc mọi sự” – một hình mẫu cho chúng ta trong bệnh tật và thử thách.
Nguyện xin gương sáng và lời chuyển cầu của Thánh nữ củng cố lòng tin của chúng ta. Khi chúng ta tôn vinh ký ức về Thánh Têrêsa thành Lisieux, chúng ta hãy đi theo “Con đường nhỏ bé” của ngài: dâng mọi khó khăn cho Chúa trong tình yêu, tin tưởng rằng “Thiên Chúa là tình yêu” và sẽ làm mọi sự vì lợi ích cho con cái Ngài.
Tác giả: Cerith Gardiner và Cécile Séveirac
Phan Thị Hương (TGPSG) biên dịch từ Aleteia
bài liên quan mới nhất

- Đức Lêô XIV: Mục tiêu của video giả do AI tạo ra
-
Đức Lêô XIV: “Trong Đức Kitô, chúng ta là một gia đình” -
Bổ nhiệm đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV cho Giáo triều Roma: một nữ tu làm Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ -
Thông điệp giả mạo Đức Giáo hoàng gửi Tổng thống Burkina Faso -
Đức Thánh Cha Lêô XIV viếng Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành -
Đức Hồng y Ferrao mong muốn Đức Thánh Cha Lêô XIV tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu -
Tiếp phái đoàn giáo phận Chiclayo, Đức Thánh Cha Lêô XIV nhấn mạnh chứng tá đức tin và tình bạn của người Peru -
Luận án tiến sĩ của Đức Lêô XIV làm sáng tỏ tầm nhìn của ngài đối với Giáo hội -
Đức Lêô XIV: Thời điểm của đối thoại và xây những nhịp cầu -
Đức Lêô XIV: Giáo hội hiệp nhất và mở rộng vòng tay với thế giới
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y