Đức Lêô XIV: Thời điểm của đối thoại và xây những nhịp cầu

Đức Lêô XIV: Thời điểm của đối thoại và xây những nhịp cầu

Đức Lêô XIV: Thời điểm của đối thoại và xây những nhịp cầu

TGPSG/Vatican News --- Vào ngày hôm sau Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô của ngài, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã chào đón các phái đoàn từ các Giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, các cộng đoàn Giáo hội khác, và các truyền thống tôn giáo khác, đồng thời nhắc lại cam kết của vị tiền nhiệm đối với đại kết và đối thoại liên tôn.

Đức Giáo hoàng Lêô XIV: Giờ đây là thời điểm cho đối thoại và xây những nhịp cầu

Vào ngày hôm sau Thánh lễ Trọng thể Khai mạc Sứ vụ Phêrô của ngài, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã dành buổi tiếp kiến đặc biệt cho các phái đoàn đến từ các Giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, các cộng đoàn Giáo hội khác và các truyền thống tôn giáo khác. Ngài nhắc lại sự dấn thân của vị tiền nhiệm đối với con đường đại kết và đối thoại liên tôn.

Trong diễn từ của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến trọng tâm của Đức Giáo hoàng Phanxicô về tình huynh đệ phổ quát, tiếp nối các sáng kiến của các vị giáo hoàng tiền nhiệm, đặc biệt là Thánh Gioan XXIII.

Đức Lêô nói: “Đức Giáo hoàng Phanxicô - vị Giáo hoàng của văn kiện ‘Tất cả là anh em’ - đã cổ vũ đại kết và liên tôn, và nhờ vun đắp các mối tương quan liên nhân vị, đồng thời không lãng quên mối liên kết trong Giáo hội, mà nét nhân văn của cuộc gặp gỡ luôn được coi trọng. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta biết quý chuộng chứng tá của ngài!”

Hiệp nhất đích thực là hiệp nhất trong đức tin

Ngỏ lời trước tiên với các Giáo hội Kitô giáo khác và các cộng đoàn Giáo hội, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã nhắc đến kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicêa, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu “chỉ có thể là hiệp nhất trong đức tin.”

Ngài nói thêm rằng việc theo đuổi sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình giữa tất cả các Kitô hữu là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngài trong tư cách Giám mục Rôma.

Đồng thời, ngài nhắc lại mối liên hệ mật thiết giữa đại kết và hiệp hành, và bảo đảm với các phái đoàn rằng ngài quyết tâm tiếp bước Đức Giáo hoàng Phanxicô trong việc “thúc đẩy tính hiệp hành của Giáo hội Công giáo.”

Một con đường chung trong tinh thần huynh đệ nhân loại

Hướng đến các đại diện của những truyền thống tôn giáo không thuộc Kitô giáo, Đức Giáo hoàng Lêô XIV nói rằng “con đường chung” của chúng ta có thể và phải được hiểu là có liên quan đến mọi người, “trong tinh thần huynh đệ nhân loại.”

Ngài nói: “Hôm nay là thời điểm của đối thoại và xây dựng những nhịp cầu.”

Đức Thánh Cha một lần nữa hướng về vị tiền nhiệm gần nhất, và gợi nhắc đến “những nỗ lực phi thường mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn.”

Trích dẫn Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại, Đức Giáo hoàng Lêô nói: “Qua lời nói và hành động của mình, [Đức Phanxicô] đã mở ra những con đường mới cho các cuộc gặp gỡ, nhằm cổ vũ ‘văn hóa đối thoại như con đường; hợp tác hỗ tương như quy tắc ứng xử; và hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn.’”

Quan hệ với Do Thái giáo, Hồi giáo và các truyền thống tôn giáo khác

Đi theo con đường đã được xác lập trong văn kiện của Công đồng Vatican II về quan hệ liên tôn (Nostra Aetate), Đức Giáo hoàng Lêô cũng nhấn mạnh “di sản thiêng liêng mà Kitô hữu và người Do Thái cùng chia sẻ,” đồng thời tôn vinh tầm quan trọng của đối thoại thần học giữa các cộng đồng, ngay cả trong những thời điểm “xung đột và hiểu lầm.”

Ngài tiếp tục ghi nhận “sự dấn thân ngày càng tăng vào cuộc đối thoại và tình huynh đệ” giữa Công giáo và Hồi giáo, khi nói rằng cách tiếp cận dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau và tự do lương tâm” là “nền tảng vững chắc để xây dựng những nhịp cầu giữa các cộng đồng của chúng ta.”

Cuối cùng, khi nói chuyện với các đại diện của các truyền thống khác, gồm Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo và các tôn giáo khác, Đức Giáo hoàng Lêô bày tỏ lòng biết ơn về những đóng góp của họ cho hòa bình “trong một thế giới đang bị tổn thương bởi bạo lực và xung đột.”

Đồng thời, ngài hy vọng, bằng sự hợp tác cùng nhau, những người có đức tin tôn giáo có thể giúp nói “không” với chiến tranh, với chạy đua vũ trang, và với nền kinh tế bất công; và nói “có” với hòa bình, giải trừ quân bị, và phát triển toàn diện.

Xây dựng một thế giới hòa bình hơn

Đức Giáo hoàng Lêô XIV kết thúc bài diễn từ bằng cách nói lên niềm xác tín rằng: “chứng tá của tình huynh đệ của chúng ta… chắc chắn sẽ góp phần xây dựng một thế giới hòa bình hơn, điều mà mọi người có thiện chí đều khao khát trong lòng.”

Ngài mời gọi các phái đoàn “khẩn nài Chúa chúc phúc” bằng cách cầu xin “sự rộng lượng và khôn ngoan của Chúa giúp chúng ta sống như con cái Chúa và như anh chị em của nhau, để niềm hy vọng có thể lớn lên trong thế giới.”

Tác giả: Christopher Wells

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top