Ba tôi là máng thông ơn Chúa
TGPSG -- Khi nghĩ đến Bố Mẹ, hầu hết mọi người đều kính cẩn tỏ lòng biết ơn hiếu kính đối với các đấng sinh thành ra mình. Tôi cũng cảm nhận như thế đối với cha mẹ kính yêu của tôi. Đặc biệt, người để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong suốt đời tôi, chính là Ba tôi.
Gia đình Nội tôi
Nội tôi có cả thảy 6 người con, 2 trai 4 gái. Tất cả đều được sinh ra và lớn lên tại Huế.
Ba và Chú tôi là hai người con trai được Nội yêu thương hết mức. Cũng chỉ cách nhau vài ba tuổi nhưng tính tình của hai người lại hoàn toàn khác biệt.
Chú tôi
Chú tôi là một người cá tính, mạnh mẽ và khá bảo thủ. Chú tên là Giàu và như một lời tiên báo, Chú sống khá vương giả với cơ ngơi rộng rãi, buôn bán làm ăn phát đạt.
Vợ Chú - Thím tôi - là một cô thiếu nữ xinh đẹp trong một gia đình đạo toàn tòng, gia giáo. Chú Thím được 3 người con, ai cũng xinh như cái tên mỹ miều Chú Thím đặt cho. Nhìn mái ấm của Chú Thím, ai cũng tấm tắc khen dòng họ tôi có phước.
Ba tôi
Còn Ba tôi, anh của Chú, là con trai trưởng họ. Trưởng họ thì phải là một người có uy, có lực. Uy qua lời nói, cử chỉ. Lực qua tài chính, đất đai.
Ba tôi lại không được như thế. Ba là một người hiền lành, rất hiền lành, đôi lúc nhút nhát, e dè. Chắc có lẽ vì thế mà Ba khó bươn chải trong cuộc sống mưu sinh. Ba làm ăn thua lỗ hoài, đến độ Mẹ tôi chẳng dám ủng hộ cho bất cứ ý định đầu tư kinh doanh vừa cũng như nhỏ của Ba. “Thất cơ lỡ vận” là điều Ba thường nói sau một cuộc làm ăn không thành.
Tích cóp cả đời trai trẻ, Ba cũng chỉ dựng được căn nhà mái tôn với chiếc xe nhỏ chở hàng. Nhưng rồi Ba Mẹ cũng đành bấm bụng bán đi sau một lần Ba bị tai nạn. Chạy xe thì ế ẩm, tiền sửa lại quá cao. Thế là chiếc xe được rao bán. Cầm ít tiền trong tay, Ba Mẹ chạnh lòng lắm, vì chẳng thấm vào đâu so với số nợ cũng như tương lai trước mắt.
Chiếc xe kỷ niệm
Chúng tôi, 3 anh em, 2 trai 1 gái, thì rất vô tư, bỗng thấy hụt hẫng vì Ba đã bán mất chiếc xe này. Tuổi thơ chúng tôi gắn chặt với chiếc xe đầy kỷ niệm ấy. Đó là nơi chúng tôi chơi trốn tìm vui vẻ, là nơi chúng tôi bi bô tập lái xe “bay vào không gian”, với cái đầu đầy tưởng tượng của những nhà “du hành vũ trụ vĩ đại”. Tôi còn nhớ mãi những lần rất phấn khởi, chúng tôi được Ba cho đi theo xe mỗi khi Ba nhận chở hàng, hay xúc cát trong núi đem về cho những khách hàng muốn xây nhà.
Mỗi khi đi làm về, cái thùng xe là nơi chúng tôi “đột kích” đầu tiên, vì nơi đó hay có cái gì “lạ lạ, thơm thơm và có thể ăn được”. Khi thì củ sắn, lúc thì quả lekima hay vài đọt mía. Lạ lắm, khi nào cũng có một món quà “xực được ngay tại chỗ”. Mà nếu không có thì bù lại, chúng tôi được an ủi bởi một nụ cười hiền hậu, ánh mắt nhân từ của Ba.
Ba không bao giờ ngăn được cái tính thèm ăn, thích “đột phá chiến lợi phẩm” mà Ba mang về. Ba chỉ lo chúng tôi té ngã thôi, bởi mới nghe tiếng xe của Ba ở đằng xa, chúng tôi đã chạy tới chặn xe Ba lại trong tiếng hoan hô, y như Chúa vào thành thánh vậy. Nhưng chỉ cần Ba nhìn nghiêm mặt là chúng tôi chạy mất dép.
Bây giờ xe bán rồi, Ba cũng buồn mà chúng tôi cũng buồn. Dĩ nhiên, tôi biết nỗi buồn đó không giống nhau. Ba lo cho chúng tôi, lo cho tương lai trước mắt. Còn chúng tôi thì tiếc một phương tiện làm nên bao điều kỳ tích trong những trò chơi tuyệt diệu của mình.
Thế rồi, Ba bắt đầu nghiệp làm thuê từ dạo ấy. Khi thì chăn vịt thuê, khi thì kiếm được một chân bốc vác ở các cửa hàng.
Mặt trái của con người
Tôi biết rằng, bất cứ con người nào hiện hữu trên trái đất đều có những bất toàn. Ba tôi cũng thế. Ba tôi nghiện rượu rất nặng. Tuổi thơ tôi gắn bó niềm vui với chiếc xe chừng nào, thì nỗi buồn cũng lớn như thế, do những lời mắng vốn đầy cay nghiệt của hàng xóm, của người thân và ngay cả của Mẹ tôi dành cho Ba tôi.
Ba không làm chủ được mình và khi uống rượu thì lại càng không làm chủ được mình nhiều hơn. Lức ấy, Ba hay quậy phá, phát biểu lung tung. Nhưng khi tỉnh dậy, Ba lại rất hiền, rất mẫu mực. Ba buồn và hối hận sau những lần say bí tỉ như thế. Nhưng đâu lại vào đó. Ba lại say, lại phá, lại nói càn.
Tôi ghét những người mắng Ba tôi, tôi ghét những quý ông đến nhà tôi uống rượu, và tôi cũng ghét cả Ba tôi nữa, vì Ba làm tôi xấu hổ với bạn bè. Tôi mặc cảm, lạnh lùng, không muốn giao tiếp với đám bạn cùng trang lứa, thích đánh nhau, nổi loạn.
Thế rồi một ngày nọ, sau khi đi họp phụ huynh cho tôi, Ba về nhà trong tình trạng say rượu, và nhìn tôi với ánh mắt mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ. Một ánh mắt nghẹn đắng, thổn thức. Khi ấy, thấy Ba say, tôi đã ở trong tư thế sẵn sàng, nhìn thẳng vào mắt ba để chấp nhận ăn những “cái kẹo que thật dài” - là những cái roi vùn vụt của Ba tôi. Tuy nhiên lần này, đáp lại thái độ thách thức của tôi, Ba đã khóc. Tiếng khóc không thành tiếng, nhưng đủ để xé nát tâm hồn tôi. Ba chỉ nói với tôi một câu: “Ba hiểu rồi!” Còn tôi, tôi cứ đực mặt ra mà nhìn, không dám hỏi lấy nửa câu.
Thế rồi, Ba bỏ hẳn rượu. Tôi không tin lắm, vì đó là điều xem ra không thể. Ba thích uống rượu đến độ người ta không mời, Ba cũng tìm cách nhập cuộc cơ mà! Một người cảm thấy sung sướng khi được làm nô lệ cho một ai, hoăc một cái gì đó, thì khó có thể bứng người ấy rời khỏi vị trí hạnh phúc như thế được.
Ba quyết tâm bỏ thật. Nhiều đêm tôi thấy Ba cứ trằn trọc, khó ngủ. Tôi nghĩ chắc Ba thèm lắm. Thậm chí, tôi cứ len lén để ý nhìn Ba chiến đấu đến vật vã mỗi khi thèm.
Cúi đầu lặng lẽ
Một ngày nọ, Ba bị người ta đánh, rộn ràng cả một khu xóm. Chú tôi vội vã chạy ùa ra để bảo vệ Ba tôi. Nhưng một lời nói cay nghiệt xé lòng vang lên của Thím, đã làm tôi chết lặng: “Anh có biết cái loại người ấy là loại người mô không mà anh rờ vô. Cái loại ấy xui xẻo rứa, mắc chi anh rờ vô cho mang họa rứa? (Anh có biết thứ người ấy là người gì không mà anh dây vào vậy. Cái thứ ấy xui xẻo lắm, hà cớ gì anh phải dây vào cho mang họa)".
Thím tôi đã từ lâu xem thường Ba tôi và hay mỉa mai Ba tôi lắm, cứ nói nặng nói nhẹ, nhưng tôi không nghĩ nó đến mức ấy.
Cho dù Thím không nói lí do, nhưng ai cũng biết nhà tôi nghèo quá, mà Thím lại giàu. Thông thường, vai anh cả thì phải đứng ra lo mọi thứ chạp giỗ cho cả dòng họ, thì Ba tôi toàn nhờ Chú cả. Ba tôi đôi lúc phải đi vay mượn đóng tiền xóm, tiền làng. Chú tôi lại hay giúp đỡ Ba tôi, nhưng lại giấu Thím.
Trong khoảnh khắc mịt mờ đó, tôi như đứa trẻ ngẩn người, như đang đứng xem bộ phim mụ dì ghẻ mà tôi hay xem trên ti vi với Ba. Tôi không biết lúc đó trong lòng Ba nghĩ gì, nhưng tôi chỉ thấy mặt Ba đanh lại, rồi lặng lẽ đi về.
Ngày hôm sau, Ba lại tiếp tục cần mẫn với công việc làm thuê. Ba tránh né ánh nhìn của chúng tôi và chỉ mỉm cười cho qua chuyện.
Kể từ đấy, Ba tôi lam lũ ngoài đường thế nào, thì tôi cũng cần mẫn với việc học của mình như vậy.
Có nhiều người đôi lúc đem Ba tôi ra làm trò hề và biến thành nạn nhân của những trò đùa ác ý. Ba tôi lại cúi đầu lặng lẽ. Tôi uất ức trước những hành động phỉ báng, mạ lị như thế. Đôi lúc tôi muốn làm siêu anh hùng của Ba, bằng cách lao ra, để nói lại vài câu phải trái cho bõ ghét. Nhưng ba lại cản. Ba nói: “Thời gian để chuộc lại lỗi lầm mình gây ra thì cũng phải bằng thời gian mình gây ra lầm lỗi”. Và Ba lại cười. Nụ cười nén chịu, trầm tư. Người ta không tin Ba thay đổi. Người ta cứ châm chích, mỉa mai những lỗi lầm mà Ba đã gây ra. Chẳng ai tôn trọng một thằng nát rượu như Ba tôi cả.
Con người mới
Ngày tháng trôi qua thật nhanh. Ba tôi giờ tóc đã muối sương, nhưng công lao lớn nhất của Ba đó là nuôi chúng tôi ăn học thành người.
Ba giờ đây ai cũng thương, vì lòng hiền hậu, vị tha, không thù oán bất cứ người nào. Ba là chỗ dựa tinh thần cho chúng tôi mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Ba dạy chúng tôi sống biết cho đi, thứ tha và cảm thông cho mọi người. Ba dạy chúng tôi phải chấp nhận thực tại, chấp nhận cuộc sống, biết đối diện nó với lòng can đảm, ngay cả khi đó là khó khăn nội tại thâm sâu trong con người của mình. Phải biết cúi đầu nhận lỗi, phải biết chấp nhận cái lỗi, và cũng phải biết vươn lên thoát khỏi cái lỗi yếu đuối của mình.
Ba nói và Ba đã làm. Điều đó tạo nên sức mạnh cũng như uy lực qua lời nói của Ba. Ba dạy chúng tôi từ những điều Ba đã thực hiện. Ba đã chỉ cho chúng tôi cách giữ đạo, sống đạo và hành đạo. Cho dù làm việc cực nhọc, Ba cũng không bao giờ bỏ lễ, Ba buồn mỗi khi chúng tôi không chu toàn các việc đạo đức ngay từ nhỏ.
Con xa, nhà dột
Niềm vui thật sự vỡ òa khi Ba nghe tin anh trai tôi được lãnh nhận chức Phó tế tại Philippines. Ba tôi sung sướng lắm, cái sung sướng của một người Cha có con bước theo chân Chúa, cái hạnh phúc vì anh là hoa trái đầu mùa trong dòng họ. Và hơn ai hết, cái hạnh phúc vì món qùa quá đỗi lớn lao, mà Chúa đã ân thưởng cho Ba sau bao năm kiên trung chịu khó nuôi dạy, hướng dẫn và là tấm gương sáng ngời cho anh em tôi trên bước đường dâng hiến. Ba quyết định xây nhà.
Cả nhà tôi từ trước đến giờ vẫn cứ sống trong căn nhà ọp ẹp. Mỗi lần tôi được nghỉ phép để về thăm nhà thì y như rằng tôi thấp thỏm, bởi lẽ nhà dột tứ tung. Ba tôi hết vá chỗ này lại vá chỗ khác. Ba cứ lo lắng cho tôi tròn giấc ngủ, nhưng nào đâu có được. Có chăng tôi chỉ giả vờ cho Ba yên tâm thôi. Đã thế, nhà có cái cửa nhưng không có chốt, vì cửa và lề cửa đã cũ quá rồi. Ba tôi đành xỏ chiếc đũa vào tạm. Ba cười hiền nhưng dí dỏm với tôi: “Nhà mình nghèo, chớ đũa thì nhiều lắm con ạ!” Ba ngại với tôi. Lòng tôi quặn thắt…
Ba ngại ư? Có cái gì trên đời này mà Ba lại không làm vì chúng tôi. Ba khổ cũng vì chúng tôi. Ba nuôi cả ba anh em chúng tôi trong sự khốn khó cực nhọc, sự xỉa xói của một số người thân, sự khinh thường miệt thị của hàng xóm với quá khứ chẳng mấy tốt đẹp của Ba. Thậm chí Ba chấp nhận điều tiếng của xóm làng, của những người thiếu hiểu biết khi đồng ý cho cả ba anh em tôi đi tu.
Nhà cửa thì tuềnh toàng, nợ nần thì cũng vẫn còn đấy. Nhiều đêm đi làm về, Ba cũng phải đối diện với sự cô đơn, trống vắng trong tâm hồn khi nghe tiếng cười nói của nhà hàng xóm bên cạnh.
Tôi vô tình đọc được những dòng tâm sự mà ba đã khắc khoải viết ra trong lúc cô đơn, nhớ con da diết. Đêm giao thừa có lẽ là cái đêm tăm tối ở ngoài trời và cũng mịt mờ trong lòng Ba tôi. Bởi lẽ, những đứa con thân yêu của Ba kể từ khi theo Chúa đến giờ, chưa có khi nào đầy đủ trong khoảnh khắc thiêng liêng đó. Gạt vội dòng nước mắt nhạt nhòa, Ba thắp nén hương thầm dâng tất cả cho Chúa.
Ba chấp nhận được hết. Cách ba sống khiến tôi có cảm giác an tâm, thanh thoát trong gánh nặng tình thân. Ba là chỗ dựa tinh thần khi tôi gặp trở ngại trong cuộc sống, và cũng là người linh hướng nhẹ nhàng mà thâm thúy cho tôi trên bước đường dâng hiến.
Ấy vậy mà Ba lại ngại ngùng với anh em tôi, mỗi khi về thăm nhà trong tình cảnh tơi tả, nhưng lại đong đầy hạnh phúc.
Ba của chúng tôi giờ đây hoàn toàn khác. Ba đã vượt lên trên chính bản thân, yêu thương và hy sinh không mệt mỏi, chấp nhận cho đi những niềm vui của bản thân mình. Ba đã có thể ngăn cản ước muốn của chúng tôi, dẫu rằng ước muốn ấy cao đẹp và thánh thiêng. Nhưng Ba đã không làm thế. Ba đã cho tôi thấy kinh nghiệm về sự chuyển hóa chính con người hữu hình là Ba, khiến Ba trở thành một người Cha nhân hậu, chấp nhận những đắng cay, tủi nhục để cho con cái mình được hạnh phúc.
Mất tiền, mất nhà
Sau khi nghe tin tốt lành của anh, Ba quyết định xây nhà. Ba nói: “Xây cái phòng cho đàng hoàng, kẻo Cha Bề trên về không có chỗ cho Ngài nghỉ. Ốt giột (ngại lắm)”. Chúng tôi, dĩ nhiên ủng hộ và hứa sẽ cầu nguyện đắc lực cho Ba. Đó là vỏn vẹn những gì chúng tôi có thể đóng góp được cho Ba và gia đình.
Thế rồi, khi tưởng chừng như mọi việc êm xuôi và tạm ổn, thì một biến cố đã xảy ra. Chú Thím tôi lừa Mẹ tôi để lấy hết số tiền dành dụm được và bỏ trốn cùng số nợ mà Ba Mẹ tôi phải lãnh.
Cả ba anh em chúng tôi đi tu, trong dòng họ ai cũng biết. Anh tôi sắp lãnh nhận thiên chức linh mục, ai cũng vui. Và đặc biệt, Ba tôi xây nhà, ai cũng rõ cả. Cả đời Ba Mẹ tích cóp được một số tiền. Mọi thứ đã sẵn sàng, thợ làm đã đủ, vật liệu cũng đã đặt mua.
Ấy vậy mà, một ngày nọ… Thím vào mượn tiền Mẹ tôi ngay khi mới lễ đặt viên đá xong. Thím mượn toàn bộ tiền khó nhọc mà Ba Mẹ đã chắt chiu dành dụm bấy lâu nay. Chưa hết, Thím còn nhờ Mẹ vay dùm thêm một số tiền lớn nữa. Thím nói với Mẹ tôi chỉ mượn trả tiền làm ăn, rồi trả lại cho mẹ từ từ để xây nhà.
Thật ra, Ba Mẹ tôi cũng nhiều lần mượn tiền người khác cho Chú Thím. Chắc Ba Mẹ không quỵt ai bao giờ, nên người ta sẵn sàng cho Ba Mẹ mượn. Và cũng từ trước tới nay, tình thủ túc anh em, Ba tôi đâu có suy nghĩ đi làm giấy tờ cho mượn tiền đối với em ruột mình. Nào ngờ đâu, sau khi đã lấy hết số tiền Ba Mẹ tôi dành dụm cũng như tiền vay ngân hàng bằng sổ đỏ nhà tôi, Chú Thím đã bỏ trốn.
Chú Thím làm ăn thất thoát, số nợ lên tới hàng chục tỉ. Sự việc xảy ra cũng đã được một thời gian nhưng Chú Thím lại giấu. Đến khi không trụ được nữa, Chú Thím mượn nhà tôi và một số bà con rồi bỏ trốn.
Ba tôi hoàn toàn sững sờ chết lặng. Cái chết lặng của Ba tôi không hệ tại ở việc mất tiền, nhưng là cái tình anh em mà Ba tôi vẫn trân quý bấy lâu nay, giờ hoàn toàn quay ngược, để đánh vào tim Ba tôi một nhát chí mạng.
Ba tôi nước mắt ngắn dài khi nhìn cái nhà tan hoang của mình. Mỗi khi anh trai gọi điện hỏi thăm tiến trình xây nhà, Ba cứ cố nén, ậm ờ cho qua chuyên. Ngày lễ của anh đã gần đến, Ba muốn anh có được một ngày lễ linh thánh, bình an và hạnh phúc nhất. Khuôn mặt Ba dần méo mó, xám xịt, hằn sâu những vết cắt của thăng trầm cuộc sống. Lòng Ba quặn thắt mỗi khi nghe anh hồ hởi vui mừng kể chuyện. Ba lại chiến đấu trong lòng, lại trầm ngâm.
Tấm lòng bao dung của người anh
Thế rồi, Ba lại quay sang lo lắng cho Chú, bất chấp người ta mắng nhiếc Chú Thím thậm tệ khi đối xử với Ba tôi và gia đình như thế. Ba lo sợ điều tệ hại nhất: Ba lo Chú Thím nghĩ quẩn.
Tại sao Ba làm được như thế? Tại sao Ba không cười hả dạ một tiếng, sau bao điều sỉ nhục mà Thím dành cho Ba (chỉ có Thím đối xử tệ bạc với gia đình tôi thôi)?
Tại sao Ba không tự mãn với việc đổi vai nhân vật của câu chuyện hai mươi năm về trước? Ba đứa con của Chú, đứa thì băng nhóm, nghiện ngập, đứa thì bỏ nhà, lêu lổng khắp nơi. Chẳng đứa nào còn đẹp như cái tên mỹ miều mà Chú Thím đã đặt.
Và cũng tại làm sao mà đến nước này Ba lại không hận và mắng nhiếc Chú Thím lấy một câu? Ba cũng có quyền làm bất cứ hành động nào đó để giành lại thanh danh, công bằng cho mình mà...
Đến khi tình cờ gặp Chú Thím đang lẩn trốn tại nhà một người thân, Ba không than trách một lời mà còn nhét vào túi Chú tôi ít tiền. Ba nói Ba biết Chú không còn đồng nào trong người cả. Ba thương thằng em khờ dại, thương cả những hành động điên rồ cũng như sự sai lầm mà Chú cũng như Thím đang mắc phải. Hành động ấy thẫm đẫm sự súc tích ngắn gọn và giản đơn của hai chữ yêu thương, là hành vi mang cốt cách nhân linh, hướng thượng lên Thiên Chúa tối cao. Một vị Thiên Chúa nhân từ, bao dung và quảng đại. Một vị Thiên Chúa chấp nhận mang mùi chiên trong mình để chiên được sống và sống dồi dào.
Bây giờ ở phương trời nao, Chú Thím có biết Ba tôi và gia đình đang mong ngóng sự can đảm quay trở về? Chú Thím có biết Ba tôi héo hắt lo cho Chú Thím đến mức nào không? Chú Thím có biết sự chạy trốn nhát đảm của mình đã để lại cho Ba tôi biết bao điều tai tiếng. Nào là ngơ, là khờ, là dại, nào là người anh vô trách nhiệm khi thiếu sự quan tâm tới Chú Thím, cũng như biết bao điều tiếng oan ức, tủi hờn mà Ba tôi đã không thể nói một lời.
Một tượng đài sống động
Khi nghĩ về Ba, dĩ nhiên tôi không dám gán cho Ba một tước hiệu gì cao quý hay nâng cấp lên hàng bậc thánh thiêng. Bởi lẽ, Ba cũng mang thân phận con người, với những trầy trật trên con đường lữ khách. Nhưng tôi cảm thấy hân hoan vì Ba đã cho tôi cảm nhận kinh nghiệm chuyển hóa bản thân nhờ ân sủng Chúa.
Nếu như ngày còn thơ bé, anh em tôi không được sống trong nền đạo đức Công giáo, nếu như Ba không là tấm gương sáng trong sự vươn lên, trong tình yêu quảng đại dâng hiến, thì chắc có lẽ, anh em chúng tôi cũng không có được cơ hội để tình yêu Thiên Chúa đánh động mình.
Tôi xin cám ơn Chúa đã cho tôi được hiện hữu, để tôi được có cơ hội ngụp lặn trong mầu nhiệm tình yêu mà Ngài đã trao ban, qua thực thể sống động là chính Ba tôi. Suốt cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên được tình yêu thương cũng như tấm gương sáng ngời và mẫu mực, mà tôi luôn tự hào, hãnh diện.
Đối với tôi, bây giờ Ba vẫn là Ba. Nhưng có vẻ như hình ảnh Ba đã được thiêng liêng hóa, trở thành bức tượng đài sống động về nhân cách, về sự hy sinh, can đảm, trải dài suốt cuộc đời, để tôi có thể trân trọng ấp ủ tận trong đáy sâu tâm hồn.
Ba ơi! Ba là máng thông ơn Chúa cho đời con!
Lucia Thiên Trúc - Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế
bài liên quan mới nhất
- Những trái tim cùng nhịp đập
-
Người Thầy chân chính -
Thiên Thảo Đường: Điểm Hẹn của Người Nghèo -
Ơn gọi và ký ức về Bố -
Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ -
Có Chúa trong đời tôi -
Chiếc mền nhung phủ ấm tim con -
Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi... -
Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện -
Máy khoan và chiếc điện thoại Chúa gửi
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ