Tóm tắt lịch sử của Giáo hội Công Giáo tại Indonesia
WHĐ (04/9/2024) - Đức Giáo hoàng Phanxicô khởi hành chuyến Tông du quốc tế lần thứ 45 của ngài vào chiều ngày 2/9 bay từ Rôma đến Indonesia. Trong 12 ngày tiếp theo, với thời gian bay khoảng 44 giờ, vượt qua hơn 32.000 km, ngài sẽ viếng thăm bốn quốc gia: Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore.
Đức Giáo hoàng sẽ được hai hồng y Vatican tháp tùng trong chuyến tông du dài nhất trong triều đại giáo hoàng của mình: Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh, và Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo của Vatican.
Phái đoàn còn có Tổng Giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc Vụ khanh Toà Thánh, và Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, và ba thư ký riêng của Giáo hoàng.
Ngài sẽ được hộ tống bởi một đội an ninh từ Đội Vệ binh Thụy Sĩ và Hiến binh Vatican cùng đội ngũ y tế của mình, và sẽ có khoảng 75 nhà báo đi cùng, bao gồm cả phóng viên tại Vatican của tạp chí America.
Khi đến sân bay quốc tế Soekarno-Hatta của Jakarta vào sáng ngày 3/9, Đức Phanxicô sẽ được chào đón chính thức và sau đó sẽ đến Tòa Sứ thần tại thủ đô, nơi ngài sẽ nghỉ ngơi suốt cả ngày.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, 87 tuổi và sử dụng xe lăn, sẽ ở lại Jakarta, một thành phố có 11 triệu dân ở bờ biển phía Tây Bắc Java, hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, cho đến khi khởi hành đi Papua New Guinea vào thứ Sáu, ngày 6/9.
Khẩu hiệu chuyến viếng thăm Indonesia của Đức Giáo hoàng là "Đức tin, Tình Huynh đệ, Sự Cảm thông", và trong thời gian ở đây, Đức Phanxicô dự kiến sẽ có ba bài phát biểu và một bài giảng liên quan các khái niệm này. Để bắt đầu chuyến viếng thăm, sáng ngày 04/9, ngài sẽ đến Dinh Tổng thống “Istana Merdeka” tham dự buổi lễ tiếp đón chính thức, theo sau đó là cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, 63 tuổi, người theo đạo Hồi. Đây sẽ là lần gặp đầu tiên của hai vị.
Sau đó, cùng với tổng thống, ngài sẽ có bài phát biểu quan trọng đầu tiên trước 300 đại diện của chính phủ Indonesia, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
Cuối buổi sáng, Đức Phanxicô sẽ có buổi hỏi đáp riêng với khoảng 100 trong số hơn 300 tu sĩ Dòng Tên tại Indonesia ở Tòa Sứ thần.
Vào buổi chiều, vị giáo hoàng đầu tiên từ Nam Bán cầu sẽ có bài phát biểu trước các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên của đất nước này tại nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, một nhà thờ theo phong cách tân Gothic do một kiến trúc sư Dòng Tên, Antonius Dijkmans, thiết kế và khánh thành vào năm 1901.
Ngài sẽ kết thúc ngày khi gặp gỡ 200 người trẻ của phong trào Scholas Occurrentes tại trung tâm thanh thiếu niên “Grha Pemuda”. Scholas Occurrentes là một phong trào giáo dục, được thành lập tại Buenos Aires khi Đức Phanxicô còn là Tổng Giám mục, nhằm thúc đẩy văn hóa gặp gỡ và hòa bình.
Vào ngày 05/9, ngài sẽ bắt đầu ngày mới bằng bài phát biểu quan trọng tại cuộc gặp gỡ liên tôn ở Đền thờ Hồi Giáo Istiqlal (Độc lập). Đây là đền thờ Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á, có sức chứa 120.000 người; được khánh thành vào tháng 2/1978 để kỷ niệm ngày độc lập của đất nước. Đền thờ Hồi Giáo này được kết nối với nhà thờ Chính tòa Công Giáo gần đó bằng một đường hầm ngầm, "đường hầm khoan dung", và vào các ngày thứ Sáu (ngày cầu nguyện của người Hồi Giáo) và Chúa Nhật (ngày có Thánh lễ của người Công Giáo), người Công Giáo và người Hồi Giáo chia sẻ bãi đậu xe của họ. Tại đền thờ Hồi Giáo, ngài sẽ được Đại Imam Nasaruddin Umar chào đón, người đã tiết lộ vào đêm trước chuyến thăm rằng Đức Phanxicô sẽ ký một văn kiện lịch sử về "các vấn đề nhân đạo, bao dung và môi trường".
Sau chuyến thăm đền thờ Hồi Giáo, Đức Phanxicô sẽ đến trụ sở của Hội đồng Giám mục Indonesia để gặp mặt các nhân viên của các thực thể bác ái.
Buổi tối hôm đó, ngài sẽ chủ sự thánh lễ cho 86.000 tín hữu từ tất cả 37 giáo phận của Indonesia tại Sân Vận động Gelora Bung Karno. Ban tổ chức quyết định không tổ chức thánh lễ ở nơi công cộng vì lý do an ninh.
Indonesia, nằm ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là quần đảo lớn nhất thế giới, với hơn 17.000 hòn đảo. Có 400 nhóm dân tộc nói các ngôn ngữ khác nhau, nhưng ngôn ngữ chính là tiếng Indonesia Bahasa. Đây là một nền kinh tế đang phát triển với nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và gỗ vùng nhiệt đới quý giá, cũng như trữ lượng than, niken, bôxít, vàng, thiếc và đồng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, với khoảng 280 triệu người và có dân số Hồi Giáo lớn nhất thế giới. Mặc dù 87% dân số theo đạo Hồi, chủ yếu là người Hồi Giáo dòng Sunni, Indonesia công nhận sáu tôn giáo chính: Hồi Giáo, Tin Lành, Công Giáo, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo và Nho Giáo. Hơn 10% dân số theo Thiên Chúa Giáo, với 20 triệu người theo Tin Lành và 8 triệu người theo Công Giáo.
Năm 1945, những nhà lập quốc của Indonesia đã nhất trí rằng Indonesia sẽ không phải là một nhà nước thế tục hay thần quyền, và phần mở đầu của Hiến pháp năm 1945 khẳng định rằng học thuyết “Pancasila” là triết lý chính thức của nhà nước. Pancasila bao gồm năm nguyên tắc: 1) niềm tin vào một Chúa duy nhất; 2) một nhân loại công bằng và văn minh; 3) một Indonesia thống nhất; 4) dân chủ, dẫn đầu bởi sự khôn ngoan của các đại diện nhân dân; và 5) công bằng xã hội cho tất cả người dân Indonesia.
Tôn giáo ở Indonesia
Trước khi các tôn giáo lớn trên thế giới đến, cư dân của Indonesia theo thuyết vật linh (animism) và thuyết động lực (dynamism). Ấn Độ Giáo xuất hiện ở Indonesia vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên và Phật Giáo vào thế kỷ thứ 6; hai tôn giáo này đã định hình nên nền văn hóa và tính tôn giáo của Indonesia cho đến khi Hồi Giáo xuất hiện vào thế kỷ 13.
Trong khi những Kitô hữu thuộc Giáo hội Nestorius được cho là đã sống ở Bắc Sumatra vào thế kỷ thứ 7, và nhiều thế kỷ sau đó thì những Kitô hữu theo nghi lễ Syro-Chaldean đã đến, thì Kitô Giáo chỉ thực sự được đưa vào Indonesia một cách đầy đủ vào thế kỷ 16 bởi các nhà truyền giáo: Công Giáo của người Bồ Đào Nha và Tin Lành của người Hà Lan.
Nhà truyền giáo Dòng Tên Thánh Phanxicô Xavier đã làm việc tại quần đảo Maluku trong một thời gian ngắn (từ 1546 đến 1547), nhưng 100 năm sau, Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã trục xuất tất cả các nhà truyền giáo Công Giáo. Tuy nhiên, vào năm 1859, các tu sĩ Dòng Tên Hà Lan đã quay trở lại Java và thành lập các giáo xứ Công Giáo đầu tiên. Đến năm 1900, đã có 50.000 người Công Giáo ở Indonesia.
Vào tháng 5/1940, Giáo hoàng Piô XII đã bổ nhiệm linh mục Dòng Tên Albert Soegijapranata làm Giám quản Tông tòa của Semarang ở miền Trung Java, trở thành linh mục bản xứ đầu tiên của Indonesia được tấn phong giám mục.
Ngày 17/8/1945, hai ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ Hai, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Sukarno và Mohammad Hatta đã tuyên bố độc lập cho Indonesia. Những người Kitô hữu, cả Tin Lành và Công Giáo, đã đứng về phía những nhà lãnh đạo này, những người muốn thực hiện học thuyết Pancasila và xây dựng một xã hội đa nguyên tôn giáo, khác với các nhóm Hồi Giáo muốn có một nhà nước Hồi Giáo, như Georg Evers đã ghi lại trong cuốn sách The Churches in Asia của ông.
Được Giám mục Soegijapranata khuyến khích, Giáo hội Công Giáo đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập, và Tòa Thánh đã mở sứ vụ ngoại giao của mình tại Jakarta ở cấp độ "khâm sứ tông tòa" vào năm 1947. Indonesia giành được độc lập từ Hà Lan vào ngày 27/12/1949 và trở thành một nước cộng hòa vào năm 1950.
Tòa Thánh là một trong những quốc gia Châu Âu đầu tiên công nhận nền độc lập của Indonesia. Và quan hệ ngoại giao chính thức giữa Indonesia và Tòa Thánh được thiết lập vào ngày 25/5/1950. Tổng thống đầu tiên của quốc gia, Sukarno, đã thực hiện ba chuyến thăm chính thức tới Vatican, gặp Đức Piô XII vào năm 1956, Đức Gioan XXIII vào năm 1959 và Đức Phaolô VI vào năm 1964.
Năm 1959, Tổng thống Sukarno đã thay đổi hiến pháp, chấm dứt chế độ đa đảng và trao cho tổng thống những quyền lực đặc biệt. Năm 1960, “mặt trận quốc gia” được thành lập, trong đó ba thế lực có ảnh hưởng nhất trong nước—chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản—cùng nhau hợp tác vì lợi ích của quốc gia.
Năm 1961, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã thiết lập hàng giáo phẩm của Giáo hội Công Giáo tại Indonesia, khi đó có 6 tổng giáo phận và 19 giáo phận. Năm 1967, Đức Phaolô VI đã tấn phong vị hồng y người Indonesia đầu tiên, Justinus Daarmojuwono, Tổng Giám mục của Semarang, một người cải đạo sang Công Giáo từ Hồi Giáo.
Vào ngày 30/9/1965, một đảng đối lập đã thực hiện một cuộc đảo chính, nhưng quân đội đã dập tắt. Các giáo hội Kitô giáo đã lên án cuộc đảo chính và hoan nghênh hành động của chính phủ. Tuy nhiên, hai năm sau, vào tháng 3/1967, Tướng Suharto đã lật đổ chính quyền Sukarno, nắm quyền kiểm soát đất nước và tiến hành đàn áp trên diện rộng.
Suharto được bầu làm tổng thống vào tháng 3/1968 và cai trị đất nước cho đến năm 1998. Ông Evers viết rằng chương trình “Trật tự mới” của Suharto yêu cầu mọi người dân Indonesia phải tuyên bố theo một trong những tôn giáo được công nhận. Nhưng vì nhà nước không công nhận các tôn giáo truyền thống nên hầu hết các tín đồ của các tôn giáo này đều gia nhập Hồi Giáo vì những phong tục và giáo lý tôn giáo của đạo này gần nhất với niềm tin trước đây của họ nhất.
Vào thời điểm đó, các giáo hội Kitô giáo cũng đã trải qua sự tăng trưởng chưa từng có. Năm 1964, số người Công Giáo trong nước là 1,85 triệu; đến năm 1980, con số này đã vượt quá 4 triệu. Để đáp ứng, Đức Hồng y Daarmojuwono đã đề xuất một kế hoạch hành động mục vụ gồm ba phần: đạt được sự độc lập về tài chính lớn hơn, trao cho giáo dân nhiều trách nhiệm hơn và thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì bản địa.
Trong những năm sau Công đồng Vatican II, các giám mục Indonesia bắt đầu thực hiện các định hướng mới của công đồng đối với phụng vụ và hoạt động xã hội. Năm 1970, họ công bố “Kim chỉ nam cho người Công Giáo Indonesia”, thúc đẩy đối thoại liên tôn và trách nhiệm trong các vấn đề xã hội và chính trị. Trong những năm 1970, Giáo hội Công Giáo đã điều hành nhiều trường học, ba trường đại học và 121 bệnh viện, nhưng, ông Evers viết: “Giáo hội không mạnh khi nói về việc bảo vệ nhân quyền và tệ nạn xã hội”, chẳng hạn như cuộc đàn áp của Suharto đối với những người cộng sản và cuộc xâm lược quân sự của Indonesia vào Đông Timor (nay được gọi là Timor-Leste) vào tháng 12/1975 và sự đàn áp sau đó. Các Hội Thánh Tin Lành cũng giữ im lặng.
Tổng thống Suharto lần đầu tiên sử dụng các nguyên tắc của Pancasila chống lại những người cộng sản, và trong những năm 1980 để kiềm chế những người theo chủ nghĩa toàn thống Hồi Giáo muốn biến Indonesia thành một quốc gia Hồi Giáo. Sau đó, ông đã sử dụng chúng để chống lại bất kỳ sự đối lập nào, bao gồm cả việc chống lại giám đốc Dòng Tên của Viện Xã hội Công Giáo ở Jakarta, cáo buộc ông là người ủng hộ chủ nghĩa Marx vào những năm 1990.
Từ năm 1960 đến năm 1990, số lượng người Công Giáo ở Indonesia đã tăng từ 1,3 triệu lên 5 triệu. Có tình trạng thiếu hụt linh mục, và vào những năm 1980 trong các chuyến thăm ad limina của mình, các giám mục Indonesia đã yêu cầu Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho phép truyền chức linh mục cho những giáo lý viên đủ tiêu chuẩn, nhưng giáo hoàng đã từ chối.
Đối thoại đại kết
Trong giai đoạn từ 1960 đến 1990, ông Evers giải thích rằng mặc dù người Công Giáo chỉ chiếm chưa đến 3% dân số, nhưng họ đã nỗ lực rất nhiều trong việc hợp tác đại kết với người Tin Lành, chiếm 7% dân số. Việc thực hiện các giáo huấn của Công đồng Vatican II đã giúp thay đổi mối quan hệ giữa người Tin Lành và người Công Giáo và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lĩnh vực hôn nhân hỗn hợp, hợp tác trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe, dịch Kinh Thánh và các buổi cầu nguyện đại kết. Kể từ năm 1973, Hội đồng Giám mục Công Giáo và Hội đồng Quốc gia các Hội Thánh Tin Lành đã ban hành một thông điệp Giáng sinh chung và cũng cùng nhau giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.
Đối thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo
Người dân Indonesia từ lâu đã sống chung với nhau trong hòa bình và hòa hợp mặc dù có sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo. Và trong nhiều thập kỷ sau khi giành được độc lập, các Kitô hữu và người Hồi Giáo đã sống cùng nhau trong mối quan hệ hữu nghị.
Trong thời kỳ cai trị của Suharto (1967-1998), căng thẳng giữa các nhóm dân tộc khác nhau, giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo, và giữa người giàu và người nghèo đã bị che giấu do các quy định của chính phủ. Tuy nhiên, trong những năm 1970, căng thẳng giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo gia tăng vì các phương pháp truyền giáo hung hăng của một số giáo phái Kitô giáo, bao gồm Mặc Môn và Nhân chứng Giêhôva.
Kể từ năm 1972, để đối phó với những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các tôn giáo, Bộ Tôn giáo của chính phủ đã tổ chức các cuộc họp thường kỳ giữa tất cả các tôn giáo được công nhận. Hội đồng Giám mục Công giáo đã thành lập một Ủy ban Đối thoại Liên tôn, và vào năm 1995, Hiệp hội Đối thoại Liên tôn đã được thành lập bởi Giáo hội Công Giáo và các Hội Thánh Tin lành, Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Nho Giáo và các thành viên của phong trào tâm linh Brahma Kumaris.
Cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á bắt đầu từ Thái Lan vào năm 1997 đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài tại Indonesia và đẩy nhanh sự kết thúc của chế độ tham nhũng của Suharto. Nó cũng đánh dấu sự khởi đầu của sự phát triển của chủ nghĩa toàn thống Hồi Giáo, và bắt đầu từ đầu những năm 1990, kiểu Hồi Giáo do Ả Rập Xê Út truyền bá đã cố gắng "thanh tẩy" Hồi Giáo Indonesia khỏi những lệch lạc và thay thế bằng phiên bản Hồi Giáo chính thống của mình.
Trong thời kỳ hậu Suharto, các nhóm Hồi Giáo bảo thủ cấp tiến, dựa trên các ý tưởng từ Trung Đông, đã tìm cách áp đặt luật Shariah như một giải pháp cho các cuộc khủng hoảng đa chiều của Indonesia.
Tuy nhiên, cộng đồng Hồi Giáo chính ở Indonesia, chiếm khoảng 80% dân số Hồi Giáo, có thái độ ôn hòa và bao dung, coi các nhóm bảo thủ cấp tiến là phản tác dụng và thậm chí nguy hiểm cho tương lai của Indonesia. Hầu hết các tín đồ Hồi Giáo ôn hòa đều thuộc hai tổ chức Hồi Giáo lớn nhất của đất nước: Nahdlatul Ulama (được gọi là N.U., nghĩa là "Sự thức tỉnh của Ulama"), được thành lập vào năm 1926 và đại diện cho Hồi Giáo Sunni chính thống truyền thống; và Muhammadiyah (những người theo Muhammad), được thành lập vào năm 1912 để loại bỏ chủ nghĩa dung hợp, nâng cao trách nhiệm đạo đức của con người và làm trong sáng đức tin.
Mặc dù hai tổ chức này có tầm nhìn khác nhau về một số vấn đề, nhưng các nhà lãnh đạo của họ công khai ủng hộ đối thoại liên tôn, lên án bất công trong xã hội và tìm cách kết hợp Hồi Giáo ôn hòa ở Indonesia bằng cách cởi mở với sự đa dạng, hòa bình và hòa hợp liên tôn, đồng thời bác bỏ mọi hình thức chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Các nhóm này đã tuyên bố rằng việc đưa Shariah vào hiến pháp Indonesia là không phù hợp với các điều kiện văn hóa xã hội của Indonesia. Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo hiện tại của hai tổ chức Hồi Giáo lớn này trong chuyến thăm đến đền thờ Hồi Giáo.
Vào năm 1999, Abdurrahman Wahid, lãnh đạo của N.U. được bầu làm tổng thống Indonesia; ông được kính trọng vì sự chính trực và tài năng của mình như một người hòa giải giữa các nhóm tôn giáo. Ông đã đến thăm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Vatican vào mùa xuân năm 2000 và nói rằng cuộc xung đột ở đất nước này "không phải là cuộc chiến giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo" mà là giữa các cá nhân và các nhóm, một số liên kết với phe cánh của Suharto. Tuy nhiên, trong mùa Giáng sinh năm 2000, các nhóm khủng bố Al Qaeda và Jemaah Islamiyah đã dàn dựng một loạt vụ đánh bom các nhà thờ ở Jakarta. Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo và Hồi Giáo đã thành công trong việc kêu gọi hòa bình, và những Kitô hữu đã không tấn công người Hồi Giáo trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi Giáo ngay sau Giáng sinh.
Vào tháng 9/2005, linh mục Thomas Michel, SJ, một chuyên gia hàng đầu về Hồi Giáo, cựu quan chức Vatican và là thành viên của tỉnh Dòng Tên Indonesia, đã phát biểu tại một hội thảo ở Rôma về hợp tác trong hòa hợp và xây dựng hòa bình ở Indonesia và Đông Nam Á rằng “[có lẽ] người chiến thắng lớn nhất trong các sự kiện của phong trào dân chủ hóa làm rung chuyển Indonesia vào năm 1998 và những năm sau đó là xã hội dân sự. Sau hơn 30 năm chịu sự kiểm soát độc tài nghiêm ngặt, xã hội Indonesia đã tự giải phóng để theo đuổi các mục tiêu của riêng mình và định hình quốc gia theo hướng mong muốn của người dân”.
Tuy nhiên, cha Thomas nhớ lại rằng sự tự do mới này cũng dẫn đến “bạo lực cộng đồng bùng phát ở một số vùng của đất nước” do nhiều yếu tố, trong đó “thất bại kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao là những yếu tố chính”. Cha cho biết, từ năm 1998 đến năm 2001, “Indonesia đã chứng kiến các vụ bạo lực cộng đồng bùng phát ở nhiều nơi trên đất nước” và “đôi khi các bên chia rẽ theo ranh giới sắc tộc hoặc ngôn ngữ, và ở những nơi khác, tôn giáo là yếu tố xác định các bên trong cuộc xung đột”.
Tuy nhiên, cha nhấn mạnh rằng: “Chính người dân Indonesia đã kinh hoàng trước những căng thẳng xã hội đe dọa truyền thống lâu đời về sống chung trong hòa bình (‘convivenza’) vốn là đặc điểm của đất nước. Do đó, một trong những hiện tượng nổi bật nhất của xã hội dân sự đã phát triển ở Indonesia kể từ năm 1998 là số lượng lớn các tổ chức kiến tạo và xây dựng hòa bình”.
Kể từ những năm đó, chủ nghĩa toàn thống Hồi Giáo đã phát triển và hiện có khoảng 4 triệu người Hồi Giáo ở phía Tây của đất nước. Linh mục Markus Solo, SVD, người Indonesia duy nhất làm việc tại Vatican, nói với America: “Indonesia ngày càng phải đối mặt với sự bất khoan dung tôn giáo và sự thù hận có động cơ tôn giáo, đặc biệt là trong các sự kiện chính trị như cuộc bầu cử. Khi đó, tôn giáo thường được sử dụng để kích động lòng thù hận, bất khoan dung và phân cực. Các tôn giáo cũng thường bị lợi dụng và chính trị hóa vì mục đích cá nhân hoặc để giành quyền lực và chiến thắng”. Cha Solo nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc thúc đẩy đối thoại liên tôn tại Indonesia ngày nay và tầm quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong những nỗ lực đó.
Về phần mình, chính phủ Indonesia ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và hợp tác liên tôn. Các bộ tôn giáo, nội vụ và đối ngoại đã tuyên bố đối thoại liên tôn là ưu tiên hàng đầu. Đại Sứ quán Indonesia tại Tòa Thánh đã hợp tác với cơ quan đối thoại liên tôn của Vatican trong nhiều năm.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phát biểu trong cuộc gặp đầu tiên với các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau vào ngày 20/3/2013, một tuần sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng: “Giáo hội Công Giáo nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy tình bằng hữu và sự tôn trọng giữa người nam và người nữ thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau”. Đó là thông điệp nhất quán của ngài kể từ đó, và đó là thông điệp mà ngài mang đến Indonesia trong chuyến thăm của mình khi ngài tìm cách khuyến khích đối thoại và hòa hợp giữa các Kitô hữu và người Hồi Giáo.
Hình: Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ các linh mục Dòng Tên từ Indonesia trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican ngày 21/9/2022
Tâm Bùi lược dịch
Từ: americamagazine.org (30/8/2024)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tại sân vận động quốc gia Singapore
-
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Singapore ngày 12/9/2024 - Thứ Năm sau Chúa nhật 23 Thường Niên -
Các hoạt động của Đức Thánh Cha trong ngày 12 tháng Chín tại Singapore -
Đức Thánh Cha đau buồn và liên đới với Việt Nam trong bão Yagi -
Các hoạt động của Đức Thánh Cha trong ngày 12 tháng 9 tại Singapore -
ĐTC Phanxicô gặp gỡ Chính quyền, đại diện xã hội dân sự Singapore -
ĐTC Phanxicô thăm hữu nghị tổng thống và thủ tướng Singapore -
Diễn văn của ĐTC Phanxicô trong buổi gặp gỡ các cấp chính quyền, ngoại giao đoàn tại Singapore -
Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu viếng thăm Singapore -
Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ tại Singapore (12/9)
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y