Sứ vụ của bình an
Chiều thứ Bảy ngày 17-8-2024, tại nhà thờ Thánh Vinh Sơn Phaolô thuộc giáo hạt Phú Thọ, cộng đoàn dân Chúa hân hoan chào đón Lm tân chánh xứ Giuse Tạ Huy Hoàng và Lm tân phó xứ Giuse Trần Văn Kiên về nhiệm sở mới.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí sốt sắng thánh thiện và nhẹ nhàng, với đầy đủ các nghi thức diễn nghĩa. Nhưng có một chi tiết rất khác so với các thánh lễ nhậm chức chánh xứ: băng-rôn được treo thường là câu để chào mừng tân chánh xứ… thì lại là câu Lời Chúa “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5, 9), được treo như là chủ đề của buổi lễ. Đó là châm ngôn Linh mục của Cha Giuse Tạ Huy Hoàng, ngài đã sống theo chọn lựa ấy để xây dựng và kiến tạo hòa bình trong suốt 25 năm Linh mục vừa qua, và sẽ còn được tiếp tục tại giáo xứ Vinh Sơn Phaolô.
Và dĩ nhiên, xây dựng giáo xứ trên hòa bình, hay nói khác đi, trên sự bình an không phải chỉ là chuyện của riêng cha sở, nhưng là của tất cả mọi người trong giáo xứ, mọi cố gắng cùng nhau làm việc, từ cha sở, cha phó, tu sĩ, các đoàn thể, các giới và mọi thành phần. Vì thế, đây là dịp để mỗi người Kitô hữu suy nghĩ và tìm kiếm sự bình an nơi gia đình mình, cũng như nơi gia đình giáo xứ.
Trước tiên, chúng ta thấy khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các ông: “… không mang túi tiền, bao bị, giày dép, cũng không chào hỏi ai dọc đường…” Dẫu bước đường sứ vụ vô cùng khó khăn, người được sai “như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Thế nhưng, với Chúa Giêsu điều các ông cần làm là “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10,5-6)
Như vậy, đi từ kinh nghiệm của đời sống gia đình. Một gia đình có bình an thực sự là có Chúa, nhất là vợ chồng con cái yêu thương, biết chăm lo cho nhau, bỏ qua những lỗi lầm, sống quên mình và hy sinh. Sự bình an không phải do giàu có, tiền bạc nhiều, nhà cao cửa rộng… Giữa cuộc sống hối hả ngày nay, người ta tưởng rằng, có thật nhiều tiền thì có được tất cả. Vì sáng ngủ dậy mà không có tiền lo cho con ăn sáng, tiền học, tiền điện, tiền nước không có, thì cũng rất phiền, dư dả thì ta đi du lịch đây đó để khỏi bị thua kém người ta, nên người ta cho rằng, tiền bạc có thể giải quyết được mọi chuyện, bỏ quên cả Thiên Chúa là lẽ sống cho cuộc đời.
Hằng ngày, chúng ta xin Chúa ban cho giáo xứ được bình an. Các mối tương quan trong giáo xứ, chủ chăn và đoàn chiên, giữa các hội đoàn, các nhóm, các giới, mỗi người trong chúng ta đừng ứng xử theo kiểu “đời” quá, thắng thua, hình thức bên ngoài, nhưng mọi chuyện phải tin tưởng có Chúa cùng hoạt động, mặc lấy thái độ và tâm tình của Chúa Giêsu. Đó là yêu thương, tha thứ, dẹp bỏ mọi tính toán, khoe khoang, dám xóa mình đi hoàn toàn để cho Ngài được lớn lên.
Hơn nữa, trong bối cảnh mạng xã hội đầy dẫy tin giả, tin “dựng” như hiện nay, tin tức, tin người ta xem xong cảm thấy tức mình, chúng ta cần biết sử dụng mạng xã hội thật khôn ngoan sáng suốt, dựa trên tình yêu thương và sự thật, đừng hạ bệ, bốc phốt nhau, những gì gây chia rẽ, xào xáo gia đình, thì ta đừng nói, đừng viết, đừng bình luận hay chia sẻ.
Người ta kể chuyện rằng: Socrates là triết gia nổi tiếng thời Hy lạp cổ đại. Một ngày nọ, ông gặp một người quen trên đường. Người này nói với Socrates:
- Ông có biết tôi mới nghe chuyện gì về bạn ông không?
- Chờ chút. Trước khi kể, cho tôi hỏi 3 câu đã. 3 câu này tôi gọi là 3 bộ lọc.
Câu thứ nhất: "Anh có chắc chắn những gì mình sắp nói là sự thật?"
- Không chắc. Tôi cũng chỉ nghe người khác kể lại...'
- Vậy là anh không chắc', Socrates nói.
- Câu thứ 2: những gì anh sắp nói về bạn tôi có phải là những điều tốt đẹp về anh ấy?
- Không, ngược lại là đàng khác. Người đàn ông trả lời.
- Vậy là anh sắp nói xấu về bạn tôi, nhưng không chắc điều mình sắp nói là Sự thật đúng không? Giờ tôi hỏi câu thứ 3: Những gì anh sắp nói có giúp ích gì cho tôi không?
- Thật ra là không. Người đàn ông trả lời.
Socrates nghe xong bảo “Nếu những gì anh sắp nói, anh không chắc là Sự thật, không phải là điều hay ho tốt đẹp, mà lại chẳng giúp gì cho tôi, vậy anh nói làm chi?'
Vào ngày 2-8-2024, trong thánh lễ sai đi dành cho các linh mục, trong bài huấn từ của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, ngài đã nhấn mạnh về sự bình an như sau:
“Điều tôi muốn, nhưng cũng là Chúa muốn cộng đoàn chúng ta được bình an và hợp nhất. Điều tối quan trọng và ưu tiên hàng đầu, cho dù các cha có thể làm được rất nhiều việc, đạt được những thành tích rất lớn lao mà nếu chúng ta không kiến tạo được 1 cộng đoàn có bình an và hợp nhất, thì phải nói là chúng ta thất bại.Chúa Giêsu vẫn dạy chúng ta hằng ngày cầu nguyện cho như vậy. Mỗi lần cầm Mình Thánh Chúa, chúng ta xin Chúa cho cộng đoàn chúng ta được bình an và hợp nhất. Hết sức quan trọng, các cha hãy đặt những điều đó lên hàng đầu. Đừng có việc này việc kia mà chúng ta làm mất sự bình an và hợp nhất, là chúng ta thất bại, thất bại hoàn toàn, chúng ta đã làm cho Giáo hội không còn đáng tin nữa. Một cộng đoàn dân Chúa bình an và hiệp nhất là cộng đoàn đáng tin, có khả năng làm chứng về Chúa”
Xin Chúa ban cho các Linh mục khi đến một nhiệm sở mới được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Để dẫn dắt cộng đoàn giáo xứ luôn có Chúa, để thêm sức mạnh, nhờ đó giáo xứ luôn được hiệp nhất và bình an.
Martino Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Tháng Mân Côi: lần chuỗi cùng Mẹ Maria
-
Ý nghĩa sâu xa của thường huấn linh mục -
Chuỗi Mân Côi - Chuỗi Ngày Sống -
Nếu 2+2=4, vậy Thiên Chúa hiện hữu -
Hãy cầm và đọc - Cổ võ văn hoá đọc sách -
Khi “Chị Yagi” đi qua -
Suy tôn Thánh Giá và phục hồi căn tính -
Cách nuôi dưỡng lòng hiếu khách -
Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh -
Người chăn dẫn dân mình như người mục tử (Tv 78, 52)
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19