Nhà Truyền Thống góp phần Văn Hóa Dân Tộc

Nhà Truyền Thống góp phần Văn Hóa Dân Tộc

TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN
BAN VĂN HÓA

NHÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
TỔNG GIÁO PHẬN TPHCM
LÀ MỘT SỰ GÓP PHẦN VÀO NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM

Nhà Truyền thống Tổng Giáo phận TpHCM tọa lạc tại số 6 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM – xưa vốn là Tiểu Chủng viện Thánh Giuse, địa phận Sài Gn, được xây dựng từ năm 1863 theo kiểu Pháp.

Nhà dài khoảng 60m, rộng 18m, một trệt hai lầu, tường dày 40cm, lợp ngói vẩy cá, dàn khung toàn bằng gỗ sao, sau 150 năm vẫn còn tốt.
Sự góp phần của Nhà Truyền thống Văn Hóa Tổng Giáo phận TPHCM có thể được hiểu qua 4 phương diện:

1. Về mặt kiến trúc
– Đây là một trong những công trình xây dựng theo phong cách Âu châu đầu tiên ở Việt Nam. Trước hòa ước 1862, có lẽ chưa có một công trình lớn nào theo phong cách Pháp được xây dựng tại Việt Nam, vì chủ quyền trên toàn lãnh thổ từ Nam ra Bắc đều thuộc dân tộc Việt Nam. Chúng ta đang nỗ lực chống lại làn sóng mở mang thuộc địa của Pháp nói riêng và của Âu châu nói chung, không thể nào chúng ta lại cho phép xây dựng một công trình tương đối lớn theo kiểu Pháp. Cho nên phải nói đây là chứng tích lịch sử về mặt kiến trúc tại Sài Gòn nói riêng và cả Việt Nam nói chung.

Xét về mặt mỹ thuật thì đây cũng là một công trình rất đẹp với những đường nét cân đối hài hòa, hành lang rộng, tường dầy, kỹ thuật lấy ánh sáng tự nhiên và không khí rất tốt. Nhà được thiết kế phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Nam Việt Nam, nơi chỉ có 2 mùa mưa - nắng, không nặng phần đối phó với giông bão.

2. Về mặt giáo dục, đào tạo
– Với chức năng của một cơ sở đào tạo, Chủng viện Thánh Giuse, địa phận Sài Gòn, trải qua 150 năm đã đào tạo gần 30 Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục cùng gần 1.000 Linh mục Công giáo, những nhà lãnh đạo và giáo dục tinh thần cho hàng triệu giáo hữu là công dân Việt Nam và cả những người ngoại quốc nữa. Chính những vị này xây cất và điều hành hàng ngàn thánh đường, hàng ngàn trường từ Đại học cho đến Mẫu giáo (thời điểm từ 1975 trở về trước), trau dồi văn hóa, nghề nghiệp cho nhiều thế hệ, sinh viên và học sinh cả giáo lẫn lương. Cũng chính những vị này đã xây cất và điều hành hàng ngàn cơ sở từ thiện bác ái trong nước, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc người già neo đơn, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người cùi… Cụ thể hiện nay: "Linh mục Nguyễn Thực – chánh xứ giáo xứ Hà Đông, Gò Vấp, xuất thân từ Chủng viện Thánh Giuse, đã hiến 4.000m2 đất để xây trường cho con em, đã động viên 1.100 giáo dân trong xứ giúp đỡ 2 bữa ăn hằng ngày cho 3.000 người khiếm thị trên địa bàn Tp.HCM" (Hoài Nam – Báo SGGP ngày 11/9/2013).

3. Về mặt bảo tồn văn hóa
– Được phép của Đức Hồng y Tổng Giám mục Tổng Giáo phận, Nhà Truyền thống Văn Hóa Tổng Giáo phận TPHCM hiện là cơ sở lớn nhất, lưu giữ những hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều nhất trong giới Công giáo cả nước (các hiện vật này đang được bảo quản, lưu giữ, Giáo phận chưa có kinh phí, chưa có nhân sự chuyên môn để phân loại, sắp xếp theo đúng nguyên tắc bảo tồn, bảo tàng, nhưng vẫn cố gắng sắp xếp từng bước). Tuy mới khởi đầu trong những điều kiện khó khăn, hạn hẹp nhiều mặt, cơ sở vật chất còn nhỏ bé, nhưng với những người lao động bình dị thì đây cũng là một "kho tàng" như nhận xét của một khách tham quan: "… Thật không thể ngờ được rằng ở đây lại lưu giữ nhiều cổ vật thời xưa đến như vậy, những kỷ vật những tưởng không còn tồn tại trong cuộc sống này nữa, nhưng thật may là được lưu giữ tại đây" (Maria Đinh Thị Ngọc, Giáo phận Bùi Chu).

4. Về mặt trưng bày
– Nhà Truyền thống Tổng Giáo phận Tp.HCM cũng là nơi đầu tiên trong giới Công giáo cả nước có những cuộc trưng bày theo chủ đề và có tính thường xuyên.

A. Chủ đề thay đổi hằng năm ít là một hay hai lần (không phải chỉ trưng bày 1 lần cố định, năm này qua năm khác).
- Đợt 1: từ 25/8/2012 đến 25/2/2013, với chủ đề "Những đóng góp của Giáo hội Công giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc". Hiện vật chủ yếu thuộc loại phi vật thể, đó là những sách cổ Hán Nôm Công giáo do nhóm Hán Nôm mà cố Linh mục Vincentê Nguyễn Hưng sưu tầm, bảo quản và phiên dịch. Cùng những sách cổ thể hiện tiến trình phát triển chữ quốc ngữ, các tác phẩm có liên quan tới văn hóa, văn học Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng, từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20.

- Đợt 2: từ 07/4/2013 dự trù đến 24/11/2013, với chủ đề: "Ánh sáng muôn dân", hưởng ứng Năm Đức Tin. Bộ đèn gồm hơn 300 chiếc, đa dạng trong chất liệu, kiểu dáng, niên đại, xuất xứ… trải dài trong khoảng thời gian từ năm 500 trước Công nguyên cho đến năm 1975.

B. Thời gian mở cửa thường xuyên, giờ hành chánh, các ngày trong tuần (trừ thứ Hai và các Đại lễ).

***

Sau đây là dư âm cuộc trưng bày tại Nhà Truyền thống Văn Hóa Tổng Giáo phận TPHCM. Xin được trích một số ý tiêu biểu trong sổ Góp ý:
1. "Linh mục Nguyễn Hữu Triết là con chim đầu đàn của Hội Cổ Vật TPHCM, ông cũng là thành viên sáng lập ra Hội Cổ Vật Tp.HCM. Ngoài các cổ vật thuộc nhiều dòng, nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau của các nền văn hóa, bộ sưu tập đèn sách của Lm. Triết nổi lên như một bộ sưu tập đỉnh cao của ông. Với hơn 1.400 hiện vật từ các thời đại và các vùng miền khác nhau đã tạo nên một sưu tập đèn đa dạng và phong phú nhất Việt Nam. Bộ sưu tập này đã được kỷ lục Việt Nam xác nhận. Bộ sưu tập này đã được trưng bày tại TPHCM và nhiều Bảo tàng ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến đâu, bộ sưu tập này cũng được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Chúng tôi là những thành viên của Hội Cổ Vật TPHCM rất tự hào về cha và tự hào về các bộ sưu tập mà cha sưu tập được. Chúc cha sức khỏe và sưu tập được nhiều hơn những cổ vật quý giá để lưu giữ các di sản văn hóa này cho thế hệ mai sau chiêm ngưỡng" – Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ Vật Tp.HCM.

2. "Thật kinh ngạc khi chiêm ngưỡng hàng trăm chiếc đèn cổ trải dọc chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm của đất nước. Cám ơn các cha đã dành tâm huyết lớn lao để gìn giữ những chiều sâu văn hóa thông qua các sản phẩm gốm tham chiếu vào cuộc sống qua các thế kỷ. Cám ơn nhà Tổ chức đã đóng góp tâm huyết để đưa bộ sưu tập quý giá này đến với mọi người. Mong được xem thêm toàn bộ sưu tập của cha vào một ngày không xa" – Bs. Phước Anh.

3. "Chân thành cám ơn quý cha đã triển lãm cổ vật đèn VN. Cổ vật đã nhắc người xem về thời đại và văn hóa dân tộc. Hy vọng quý cha sẽ có thêm nhiều cuộc triển lãm, hầu đem lại ánh sáng văn hóa dân tộc cho hậu thế" – Trịnh Thị Hồng Loan, Gv. trường CĐVH TPHCM.

4. "Những ánh sáng từ ngàn xưa soi rọi hồn của sách vở cho bao kẻ sĩ hãy còn đâu đây trong mỗi cái đèn nhỏ bé xinh xắn. Mỗi họa tiết hoa văn, kiểu cách cũng thể hiện nét khắc sâu của thời cuộc. Những chiếc đèn đẹp đẽ, nhỏ bé đã đưa con người ngàn năm nay tiếp cận tri thức và hy vọng tiếp tục rọi soi cho nhân loại mãi mãi! Rất cám ơn các cha đã dày công sưu tập, bảo tồn và lưu truyền cho những thế hệ tiếp theo. Cũng rất mong quý Tu viện sẽ triển lãm đầy đủ bộ sưu tập và tổ chức các bài nghiên cứu về chủ đề 'Những chiếc đèn soi sáng dân tộc 4.000 năm' để người dân có thể hiểu rõ về chất liệu, phương pháp tạo hình, hoa văn và ý nghĩa lịch sử của những hiện vật tiêu biểu: chân đèn – một phần của đồ gốm Việt Nam. Xin chân thành cám ơn" – Kỹ sư cơ khí Nguyễn Anh Tuấn.

5. "Thật khâm phục nỗ lực con người sử dụng ánh sáng để đi bên ánh sáng. Các kỹ thuật sử dụng ánh sáng từ dầu có những điểm giống nhau giữa nền văn minh Á-Âu. Xin cho mỗi người biết cách diễn tả ánh sáng đức tin được lãnh từ kho tàng của Hội Thánh theo phong cách riêng của mình" – Vincentê Nguyễn Văn Bản, Giám mục Ban Mê Thuột.

6. "Thật tuyệt vời khi được khám phá, được biết thêm phần nào đó văn hóa cổ qua bộ sưu tập này. Xin chân thành cám ơn Giáo phận. Điều này cho thấy qua bao đời nay, những ngọn đèn dù rất nhỏ và đơn sơ, vẫn luôn gắn bó với đời sống tâm linh của con người" – Agnès Kim Ngọc.

7. "Chúng tôi thực sự kính trọng và khâm phục về sự sưu tập mọi hiện vật quá quý giá trong phòng trưng bày này. Chúng tôi hết sức biết ơn người sưu tập. Đây là tài sản quý giá của đất nước, niềm tự hào của nền văn hóa VN. Thế giới sẽ quý trọng VN hơn qua bộ sưu tập này. Chúng tôi cần thiết phải trở lại để xem kỹ hơn nữa về các hiện vật quý báu này. Một lần nữa hết sức biết ơn những vị sưu tập các hiện vật cổ này" – Nguyễn Trung Việt, Út Tịch phường 4, Tân Bình.

8. "Chúng tôi rất thích thú và cảm phục khi được xem bộ đèn cổ. Đây là di sản rất quý báu, quý hơn vàng. Người sưu tầm bộ đèn chắc phải có lòng đam mê sâu nặng với những đồ vật cổ. Bộ đèn là tài sản quý giá cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Xin cám ơn người đã sưu tầm và gìn giữ bộ đèn quý giá cho hậu thế" – Phạm Thế Liêm và Đặng Thanh Phương, 25 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

9. "Lửa được truyền từ đời này sang đời khác bởi những cây đèn đầu in đậm dấu thời gian. Vậy vì cớ gì ta không nuôi dưỡng ngọn lửa của tình yêu mà Thiên Chúa đã trao? Thực vậy, nhìn những cây đèn bé nhỏ lặng thinh trong dòng thời gian trôi, ngọn lửa của tình yêu mến, tin kính sẽ tỏa sáng lan truyền. Chân thành cảm tạ hành trình thầm lặng của Linh mục Jos. Nguyễn Hữu Triết đã sưu tầm những cây đèn, vật chứng của Đức Tin" – Nguyễn Sơn.

10. "Tôi tên Đỗ Hữu Nguyên, kỹ sư 60 tuổi, Đt: 0903732899, không tôn giáo. Xin cám ơn Giáo phận đã cống hiến xuất sắc cho đạo, cho đời. Xin cám ơn Giáo hội Công giáo đã sản sinh những người con ưu tú…".

11. "Chúng tôi rất thích thú khi được xem bộ sưu tập đèn cổ gốm sứ tại nhà Truyền thống Tổng Giáo phận TPHCM. Chúng tôi cũng rất thích thú khi được xem những hiện vật, bút tích khác được trưng bày nơi đây. Chúng tôi rất cám ơn quý cha đã công phu sưu tập bộ đèn cổ gốm sứ qua các thời đại, góp phần gìn giữ và lưu truyền các dấu ấn văn hóa cho các thế hệ sau" – Trần Ngọc Bảo.

12. "Rất trân trọng với những sưu tập quý giá có một không hai tại VN. Rất mong có được nhiều buổi triển lãm thế này để cho mọi người có được thêm sự hiểu biết về vốn cổ của cha ông chúng ta" – Phạm Văn Cầu.

13. "Kính xin quý cha nhận lời cảm ơn của con, một người không phải là Công giáo mà lại thiết tha được xem bộ sưu tầm đèn cổ của Giáo phận, một bộ sưu tầm có một không hai. Trân trọng kính chào" – Nguyễn Thị Phượng.

14. "Tạ ơn các bậc tiền nhân đã tích tụ trong các loại đèn gốm sứ này, đầu óc và con tim, để lại cho hậu thế nỗ lực sáng tạo không ngừng, qua các thời đại, gợi hứng cho các thế hệ cháu con" – Stêphanô Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám mục TGP Huế.

15. "Chân thành cám ơn Trung tâm Mục vụ đã tổ chức một buổi triển lãm bộ sưu tập quý báu có một không hai ở VN. Bộ sưu tập rất thú vị. Từ lâu tôi đã đi nhiều bảo tàng để tìm kiếm hình ảnh cây đèn 'cây da – thằng mọi' mà ông Trương Vĩnh Ký và cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến trong quyển 'Sàigòn năm xưa'. Ở triển lãm này lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cây đèn (mã số 47, đèn gốm Bình Dương, Thái Thiên đầu thế kỷ 20, cuối thế kỷ 19), có thể là cây đèn 'cây da – thằng mọi' xưa chăng ? Theo mô tả đèn có hình thằng mọi gùi cái đèn trên lưng. Chợ 'cây da – thằng mọi' xưa nay là công viên đối diện bảo tàng Lịch Sử TPHCM (đường Lý Tự Trọng). Nếu có thể xin gửi cho tôi ảnh chi tiết của cây đèn nói trên theo địa chỉ email vnmajor@gmail.com. Tôi chân thành cảm ơn. Mong có dịp được đi xem phần còn lại của bộ sưu tập. Một lần nữa tôi xin cám ơn Trung tâm đã tạo điều kiện cho tôi được chiêm ngưỡng bộ sưu tập quý báu nói trên" – Bs. Ngô Thế Vinh.

16. "Thật bất ngờ khi chúng tôi tham quan triển lãm bộ đèn dầu rất quý này. Qua đó mở tầm nhìn về đèn và ánh sáng muôn dân của nhiều nước qua các thời đại. Chúng tôi sẽ còn trở lại để tìm hiểu thêm và mong thông tin về triển lãm này được mở rộng để công chúng, đặc biệt người du lịch biết và tham quan" – Ngô Thị Xuân Lan.

17. "Bộ sưu tập về các loại đèn đối với tôi trong Năm Đức Tin này thật ý nghĩa vì nó hướng tới chủ đề: Chúa là Ánh sáng muôn dân. Đèn là vật dụng dùng để soi sáng trong đêm tối. Có đèn soi, người ta sẽ tìm thấy lối đi chắc chắn hơn, an toàn hơn. Giữa xã hội hôm nay, đầy mảng bóng tối và ánh sáng xen lẫn, con người cũng cảm thấy lo âu và dễ bị lạc lối. Có Chúa là ánh sáng soi đường, con người sẽ an tâm vì sẽ tìm ra được con đường đích thực dẫn đến sự sống, sự sống đời đời. Chúc cho cha Triết tiếp tục duy trì và nâng cấp thêm bộ sưu tập đèn quý này" – Lm. Giuse Trần Phú Sơn, Giáo phận Xuân Lộc.

18. "Đây là lần đầu tiên tôi đến với Đại Chủng viện, thật không thể nào ngờ được rằng ở đây lại lưu giữ nhiều cổ vật thời xưa đến như vậy. Những kỷ vật những tưởng không còn tồn tại trong cuộc sống này nữa, những thật may là được lưu giữ tại đây. Qua những cổ vật này chúng ta có thể thấy được sự sáng tạo nghệ thuật của ông cha ta, những thế hệ đi trước, và cũng thấy được công lao, sự vất vả của họ để có thể tạo ra được những cổ vật này. Nếu không nhờ ĐCV lưu giữ lại những cổ vật này thì có lẽ thế hệ đi sau chúng con sẽ chẳng bao giờ hiểu ra được điều đó. Chúng con sẽ chẳng bao giờ được chiêm ngưỡng những cổ vật đẹp đến thế, kỹ sảo đến thế. Chúng con rất cám ơn ĐCV đã lưu giữ bộ sưu tập những cổ vật của các thời đại, của những thế kỷ qua, và cũng cám ơn vì đã cho chúng con được vào và tham quan, chiêm ngưỡng những kỷ vật cổ đó. Con hy vọng bộ sưu tập cổ vật sẽ luôn luôn được lưu giữ, để thế hệ đi sau được thụ hưởng những thành quả ông cha ta. Con chân thành cám ơn và cũng chúc cho ĐCV ngày càng phát triển, ngày càng rộng mở để các du khách tham quan có thể đến đây thường xuyên hơn, đông đúc hơn …" – Maria Đinh Thị Ngọc, Giáo phận Bùi Chu.

19. "Thực sự con đang lạc vào một xứ sở khác giữa một thành phố Sài Gòn ồn ào này. Con như đang trở về cội nguồn dân tộc VN, được trở về với cha ông tổ tiên. Qua bộ sưu tập, con mới thấy được hồng ân Thiên Chúa thật lớn được thể hiện qua sự kỳ công của Ngài. Con xin được chân thành cảm tạ quý cha. Con xin cầu Chúa chúc phúc quý cha có nhiều sức khỏe và bình an" – Joseph Nguyễn Thành Luân, Giáo phận Phát Diệm.

20. "Very impressive, very interesting. I have never seen anything like this … We will donate amount 500.000VNĐ" … Salt lake city Utah (USA).

21. "What a wonderful surprise to find such an interesting museum. Thank you for looking after your heritage so well" – Judith N. Lachlan (Autralia).

22. "Le travail des missionnaires est formidable! Ce sont des artistes sur le plan spirituel, mais aussi profane. Ils sont une excellente memoire de toutes les civilisations" – Tp.HCM 2013 Christine de France.

Tân Sa Châu, ngày 13 tháng 09 năm 2013
Trưởng Ban Văn Hóa Tổng Giáo phận TPHCM

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top