Đức tin trông thấy và phục vụ

Đức tin trông thấy và phục vụ

Đức tin trông thấy và phục vụ

TGPSG/OSV  -- “Trước biết bao đau thương và khổ đau, con đường duy nhất của chúng ta là noi gương người Samari nhân hậu,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cách đây vài năm. Những lời này, được ghi trong thông điệp Fratelli Tutti, vẫn luôn đúng và khẩn thiết như ngày nào. Đó là những lời kêu gọi luân lý mà tôi không bao giờ quên.

Ngài đang nói về thế giới kết nối của chúng ta, một thế giới truyền thông và thương mại toàn cầu - thế giới của những hào nhoáng có thể mua được cùng với những chuỗi cung ứng đằng sau nó, mà không ít lần chứa đựng sự bóc lột lao động; và cả thế giới trực tuyến, nơi tràn ngập thông tin lẫn giả dối, tình yêu lẫn thù hận - rằng chúng ta không được phép đánh mất nhân tính trong chính sự kết nối ấy, và càng không thể quên trách nhiệm luân lý đối với nhau, cả ở cấp độ địa phương lẫn toàn cầu, dù là trực tiếp hay trên mạng xã hội.

Không, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta phải nhìn thấy những anh chị em ấy, tất cả - Todos! Chúng ta không được ngoảnh mặt làm ngơ với những con người ấy, cho dù cái nhìn ấy có thể làm chúng ta khó chịu, làm lung lay thứ đạo đức thông thường của chúng ta, hay thậm chí gây tổn hại đến lợi nhuận của chúng ta.

Tôi nghĩ đó chính là điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói khi Ngài nhấn mạnh rằng con đường luân lý duy nhất của chúng ta là noi gương người Samari nhân hậu. Thực ra, Ngài chỉ đang lặp lại chân lý của Tân Ước, rằng đức tin không có việc làm là đức tin chết, và rằng ai nói mình yêu mến Thiên Chúa nhưng lại ghét anh em mình thì là kẻ nói dối (Gc 2,17; 1 Ga 4,20).

Theo chân Đức Giêsu

Điều cốt yếu là: chúng ta có thể tự hào về những thành tựu, tri thức, thành công hay thần học của mình bao nhiêu cũng được, nhưng nếu tất cả những điều đó không thúc đẩy chúng ta quan tâm đến người khác, thì tất cả chỉ là dối trá, là rác rưởi, hoàn toàn vô ích. Chúng ta phải nhìn thấy người khác, kể cả những người mà chúng ta không muốn nhìn thấy, nếu chúng ta muốn được thấy Thiên Chúa; đó chính là điều then chốt.

Ngày 13 tháng 7 năm 2025 - Chúa Nhật XV Thường Niên

Dt 30:10-14
Ps 69:14, 17, 30-31, 33-34, 36, 37 OR Ps 19:8, 9, 10, 11
Col 1:15-20
Lk 10:25-37

Đó chính là bài học đầu tiên của dụ ngôn Người Samari nhân hậu được thuật lại trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Việc người luật sĩ có một nền thần học chính thống là chưa đủ. Thách đố đặt ra là: liệu ông có sẵn sàng sống điều ông tuyên xưng cách tự hào không? Đức Giêsu đã nói với ông: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,28). Đây là một trong những lời mời gọi mạnh mẽ và đầy thách thức nhất mà Đức Giêsu từng nói với một ai đó - không chỉ là lời của chân lý, mà còn là lời của hành động.

Một lần nữa, điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi những ai theo Ngài là phải biết nhìn thấy. Chúng ta phải biết nhìn thấy sự đau khổ, nhìn thấy người nghèo, người yếu thế, những anh chị em đồng loại của mình. Nhưng không chỉ đơn giản là nhìn thấy, mà chúng ta còn phải nhìn với lòng trắc ẩn.

Hãy đi và cũng hãy làm như vậy

Câu chuyện rất rõ ràng: thầy tư tế và thầy Lêvi thực sự đã nhìn thấy người bị đánh đập, nằm bên vệ đường, thoi thóp nửa sống nửa chết. Nhưng họ đã nhìn thấy anh ta mà không có lòng trắc ẩn. Họ đã thấy, nhưng lại “tránh qua bên kia mà đi.” Còn người Samari thì khác, “đi đến chỗ người ấy; thấy thì động lòng thương” (Lc 10,32-33). Người Samari nhân hậu đã phục vụ, chăm sóc anh ấy bằng chính chi phí của mình; Cái nhìn, lòng thương xót và việc làm của ông đã thực sự giúp ích cho một người xa lạ - người mà ông đã biến thành người thân cận của ông qua những hành động yêu thương cụ thể.

Và tôi nghĩ, đó chính là điều cốt lõi: dạng tình yêu và lòng thương xót chân thật này phải tỏa sáng cho tất cả mọi người, như tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa - tỏa sáng qua những tín hữu dám yêu thương vượt qua ranh giới và vượt lên nỗi sợ. Hoặc ít nhất, đó là điều chúng ta được mời gọi hướng tới.

Và đây chính là câu hỏi khiến chúng ta phải tự vấn. Trong đời sống Kitô hữu của bạn, tình yêu có phải chỉ là một ý tưởng? Là người Công giáo, bạn có phải chỉ dừng lại ở cảm xúc? Đức tin và lòng đạo đức của bạn có thiếu vắng luân lý và đạo đức cụ thể không? Bạn có thật sự phục vụ người khác, có quan tâm đến người nghèo không? Bạn có tự hào về niềm tin Công giáo, về sự hiểu biết thần học của mình, nhưng lại chưa bao giờ, chẳng hạn, tham gia một hoạt động thiện nguyện? Bạn có bao giờ nghĩ đến việc mình mua bán hay tiêu dùng hàng ngày có thể đang gây ảnh hưởng tốt hay xấu đến người khác không? Bạn có bao giờ tự hỏi ai là người làm ra những món hàng giá rẻ mà bạn mua, bạn có bao giờ nghĩ đến đời sống của họ không?

Bạn hiểu tôi đang muốn nói gì chứ? Có biết bao con người đang đau khổ ở khắp các nẻo đường của thế giới hôm nay, nhưng liệu chúng ta có nhìn thấy họ không? Và hơn thế, liệu chúng ta có quan tâm không? Nếu chúng ta là người Công giáo, chúng ta phải quan tâm. Đó là lý do Đức Thánh Cha Phanxicô tha thiết mời gọi chúng ta hãy noi gương Người Samari nhân hậu. Ngài chẳng nói gì khác với lời mà Đức Giêsu đã nói với người luật sĩ: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Những lời ấy cũng đang nói với chính chúng ta hôm nay. Nhưng liệu chúng ta có thực sự lắng nghe và đáp lại không?"

Tác giả: Linh mục Joshua J. Whitfield

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ OSV

 

Top