Đức Giáo hoàng – Món quà của Thiên Chúa ban cho Hội thánh
Vị Giáo hoàng là khí cụ nhiệm mầu, qua đó, Thiên Chúa tỏ lộ lòng trung tín chăm sóc Dân Ngài.
WHĐ (01/5/2025) – Càng khôn lớn, tôi càng nhận thấy vai trò của Đức Giáo hoàng quá quan trọng trong Giáo hội. Khi theo dõi truyền thông, tôi nhận thấy Đức Giáo hoàng luôn là nhân vật được quan tâm, cả trong Giáo hội lẫn xã hội. Nhìn bên ngoài, Đức Giáo hoàng cũng là một con người hết sức bình thường, đơn sơ và khả kính. Với con mắt đức tin, rõ ràng Đức Giáo hoàng là người đại diện của Thiên Chúa ở trần gian. Chính Thiên Chúa quan phòng luôn ban cho Giáo hội món quà là Đức Giáo hoàng.
Lịch sử Hội thánh Công giáo luôn có sợi chỉ đỏ thiêng liêng nối kết các thế kỷ: triều đại Giáo hoàng. Lịch sử chứng kiến sự hiện diện liên tục và vững vàng của vị Giáo hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, vị mục tử của toàn thể đoàn chiên Đức Kitô. Dẫu thế giới có đổi thay, quyền lực thế gian có thăng trầm, thì vai trò của Giáo hoàng vẫn tồn tại như một biểu tượng sống động cho tình yêu kiên trung của Thiên Chúa dành cho Hội thánh. Giáo hội không bao giờ bị bỏ rơi! Trong đức tin của người Công giáo, Giáo hoàng không chỉ là nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội, mà còn là một quà tặng lớn lao. Nhờ món quà này mà nhân loại được dẫn dắt, gìn giữ và hiệp nhất với nhau.
1. Nền tảng thần học về chức vụ Giáo hoàng
Chức vụ Giáo hoàng bắt rễ sâu trong mặc khải Kinh thánh. Chính Đức Giêsu, trong giây phút long trọng và quyết định, đã tuyên bố với Simon con ông Giôna: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá (πέτρᾳ), trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Về mặt thuật ngữ, Πέτρος (Petros) nghĩa tên riêng, giống đực, là hình thức chuyển thể của petra, có thể hiểu là “tảng đá nhỏ” hoặc “người mang tên đá”. Theo đó, Giáo huấn Công giáo cho rằng: 1. πέτρᾳ chỉ chính Thánh Phêrô, người được chính Chúa Giêsu trao quyền lãnh đạo Hội thánh; 2. Từ “tautē tē petra” – “trên chính đá này” – ám chỉ chính con người của Phêrô, người vừa tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mt 16,16), cũng là người được Đức Giêsu chọn để trở nên “nền tảng” của Hội thánh hữu hình. Cũng vậy, mỗi lần Mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng, ý thức tính hệ trọng này, một Hồng y chia sẻ rằng: “Chúng tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé. Chúng tôi phải đưa ra những quyết định có tính hệ trọng cho toàn thể Giáo hội, vì vậy xin anh chị em hãy cầu nguyện cho chúng tôi.” (Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, dòng Tên – nguyên là một cố vấn thân cận của Đức Thánh cha Phanxicô.)
Sau khi xác nhận điều trên, Chúa Giêsu liền trao cho vị Giáo hoàng đầu tiên “chìa khóa (κλεῖδας) Nước Trời” (Mt 16,19). Theo Thánh kinh, chìa khóa là biểu tượng của quyền bính (Is 22,22; Kh 3,7). Do quyền bính đặc biệt này, Đức Giáo hoàng – người kế vị Thánh Phêrô – có quyền tài phán trên toàn thể Hội thánh và trên mọi tín hữu. Đây là quyền hành thiêng liêng và trách nhiệm tối thượng của Đức Giáo hoàng. Chưa hết, trước khi lên trời, Chúa Giêsu không trao đàn chiên cho cả nhóm Tông đồ, nhưng gọi đích danh Phêrô ba lần: “Này Simôn, Con có yêu mến Thầy không? … Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,15–17). Chỉ riêng điều này cho thấy, từ khởi đầu, Hội thánh được xây dựng trên sự hiệp thông, trong đó có một người giữ vai trò phục vụ cho sự hiệp nhất trong đức tin và tình bác ái.
Từ Thánh Phêrô đến Đức Giáo hoàng hiện nay, có một dòng chảy Tông truyền liên tục. Điều này không chỉ mang tính lịch sử, nhưng là một biểu lộ lòng trung tín của Thiên Chúa với dân Ngài. Khi ban cho Hội thánh vị mục tử tối cao ở trần gian, Thiên Chúa không lấy đi quyền tự do của con người, nhưng củng cố niềm tin bằng việc bảo đảm sự trung thực trong đức tin và luân lý. Thánh Irênê, vào thế kỷ II, đã viết: “Mọi Giáo hội phải quy phục Giáo hội Rôma, vì nơi đó có sự kế vị từ Thánh Phêrô” (Adversus Haereses (Chống Lạc Giáo), III, 3,2).
Theo trên, Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium, cũng minh định rằng Đức Giáo hoàng – với tư cách là Giám mục Rôma và người kế vị thánh Phêrô – “là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hợp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu” (LG, số 23). Thực ra ý nghĩa này nằm trong chính danh xưng Đức Giáo hoàng trong tiếng Latinh: Summus Pontifex. Trong đó Pontifex có nghĩa là “người làm cầu nối giữa thần linh và con người”. Đây không phải là một thứ quyền lực tối cao, nhưng là một trách nhiệm phục vụ. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ít lần nhấn mạnh rằng: “Giáo hoàng không phải là người đứng trên Giáo hội, nhưng là người đứng trong Giáo hội, phục vụ Giáo hội.” Danh hiệu “Servus servorum Dei” – “Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa” – vốn được dùng từ thời Giáo hoàng Grêgôriô Cả (thế kỷ VI), cho thấy sự đảo ngược triệt để mô hình quyền lực thế gian: càng ở vị trí cao, càng phải phục vụ nhiều hơn (Mt 20,25–28).
2. Vai trò của Giáo hoàng
Một cách cụ thể, Giáo hoàng là người giữ vai trò bảo vệ kho tàng đức tin tông truyền, người phán quyết tối hậu về những vấn đề liên quan đến tín lý và luân lý, và là điểm quy chiếu không thể thiếu cho sự hiệp thông trong toàn thể Hội thánh hoàn vũ. Trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô – người đã được chính Đức Kitô trao “chìa khóa Nước Trời” và quyền “buộc – tháo” (x. Mt 16,19) – Đức Giáo hoàng đảm nhận trách nhiệm gìn giữ sự trung tín đối với Lời Chúa và Truyền thống Tông đồ trong mọi thời đại. Vì sứ mạng đặc biệt này, Hội thánh dạy rằng: Đức Giáo hoàng được ơn bất khả ngộ (infallibility) trong những hoàn cảnh nhất định (x. GLHTCG 888-896), khi hội đủ ba yếu tố: Ngài nói với tư cách là mục tử tối cao của toàn thể Hội thánh (ex cathedra); Ngài công bố một giáo lý liên quan đến đức tin hoặc luân lý; Ngài muốn xác định cách dứt khoát điều đó là tín điều phải tin.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn Giáo hoàng như một người giảng dạy đức tin, ta sẽ bỏ qua khía cạnh mục vụ rất quan trọng. Giáo hoàng, hơn hết là vị cha chung của toàn thể dân Chúa. Người ta không chỉ lắng nghe Giáo hoàng, mà còn tìm đến ngài như một biểu tượng của lòng thương xót, của sự hòa giải, của sự nâng đỡ tinh thần. Thật cảm động khi nhìn thấy các Đức Giáo hoàng gần đây như: Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, và Đức Thánh Cha Phanxicô. Các ngài không ngừng lên tiếng bênh vực người nghèo, người di dân, những thai nhi bị đe dọa, những nạn nhân chiến tranh, và những người bị xã hội loại trừ. Từ tòa nhà Vatican, các ngài không ngồi yên trong nhung lụa, mà cúi xuống, bước ra, và hòa mình vào dòng chảy của nhân loại đang đau khổ.
Trong thế giới hôm nay, vai trò của Giáo hoàng càng trở nên quan trọng và khẩn thiết. Khi niềm tin bị xói mòn, các giá trị luân lý bị đảo lộn, và lòng người chia rẽ, thì một tiếng nói trung thực và hiền hậu có thể làm dịu cơn khủng hoảng. Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Phanxicô là một minh chứng hùng hồn cho vai trò tiên tri và mục tử của vị Giáo hoàng. Ngài không chỉ viết cho người Công giáo, nhưng cho toàn nhân loại: “Tất cả chúng ta đều là anh em.” Khi lên tiếng mời gọi đối thoại liên tôn, chăm sóc ngôi nhà chung (trong Laudato Si'), hay khuyến khích lòng thương xót và sự tha thứ (Misericordiae Vultus), Đức Giáo hoàng thực sự là khí cụ bình an Thiên Chúa dùng để chữa lành thế giới. Có lẽ chúng ta đã nghe và cảm nhận sâu sắc các điều này trong những ngày tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô!
3. Vài đặc tính của Giáo hoàng
Để dễ hiểu hơn tại sao Giáo hoàng lại là món quà của Thiên Chúa, tôi xin tóm tắt 10 đặc tính của Giáo hoàng (dĩ nhiên còn nhiều nữa) như sau:
- Người kế vị thánh Phêrô (Successor of Peter): Sự kế vị này nối kết Đức Giáo hoàng với sứ mạng và quyền bính được Chúa Kitô trao cho Phêrô, bảo đảm tính liên tục của Giáo hội Tông truyền (Mt 16,18).
- Người đại diện hữu hình của Chúa Kitô trên trần gian (Vicar of Christ): Điều này có nghĩa Đức Giáo hoàng thi hành sứ mạng mục tử thay mặt cho Chúa Kitô cách hữu hình trong Hội thánh hoàn vũ (Mt 16,19).
- Người bảo vệ và gìn giữ đức tin Tông truyền (Guardian of Apostolic Faith): Theo GLHTCG số 890–892, Đức Giáo hoàng “gìn giữ Hội thánh khỏi lạc lối và xác định các tín điều đức tin”.
- Mục tử tối cao của toàn thể Hội thánh (Supreme Pastor of the Church): Lumen Gentium, số 22: “Do Chúa thiết định, thánh Phêrô và các Tông đồ khác đã tạo thành một Tông đồ đoàn duy nhất, cũng với cách thức tương tự, Giám mục Rôma là người kế vị thánh Phêrô, cùng với các Giám mục là những người kế vị các Tông đồ luôn liên kết với nhau.”
- Chủ thể của quyền giáo huấn tối cao và bất khả ngộ (Infallible Teacher): Chúa Thánh Thần gìn giữ Đức Giáo hoàng khỏi sai lầm (x. Pastor Aeternus, Vaticanô I, 1870).
- Biểu tượng và nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất (Visible Sign of Unity): Lumen Gentium, số 23: “Vị Giám mục Rôma, Đấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hợp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu”.
- Người có quyền tối thượng trong hành pháp và giáo luật (Supreme Legislator and Executive): Theo Giáo luật điều 331, Giáo hoàng có quyền tối thượng, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trên toàn Giáo hội.
- Người triệu tập và phê chuẩn các Công đồng chung (Convener of Ecumenical Councils): Chỉ Đức Giáo hoàng mới có quyền triệu tập và phê chuẩn kết quả các Công đồng chung – những kỳ họp mang tính toàn cầu của Giám mục đoàn.
- Người đối thoại với thế giới và các tôn giáo: Đức Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng toàn cầu, đại diện cho tiếng nói lương tâm của nhân loại, cổ vũ đối thoại liên tôn, liên văn hóa, hòa bình và công lý.
- Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa (Servant of the Servants of God): Đức Phanxicô xác định: “Người lãnh đạo đích thực phải có mùi của chiên, sống giữa đoàn chiên mình.” (Evangelii Gaudium, số 24).
Tạm kết
Chia sẻ trên đây có lẽ cho thấy phần nào: “Tại sao Hội thánh cần Giáo hoàng?” Đây không chỉ nằm ở lý lẽ thần học hay giáo luật, mà nằm trong kinh nghiệm thiêng liêng của Dân Chúa. Giáo hoàng không phải là một “vị vua thiêng liêng” ở Rôma, mà là người cha hiền, người anh cả, người giữ gìn kho tàng đức tin, và là người dám lên tiếng vì công lý trong tình bác ái. Khi chúng ta cầu nguyện cho Giáo hoàng mỗi ngày trong Thánh lễ – “cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo hoàng…”, chúng ta không chỉ cầu cho một con người, mà là cầu nguyện cho món quà mà Thiên Chúa đã ban để gìn giữ Hội thánh qua muôn thế hệ.
Vị Giáo hoàng – với mọi giới hạn nhân loại – vẫn là khí cụ nhiệm mầu, qua đó, Thiên Chúa tỏ lộ lòng trung tín chăm sóc Dân Ngài. Giáo hoàng là tấm gương để mỗi người chúng ta cũng học biết cách sống đức tin trong sự hiệp nhất, phục vụ và hy vọng. Nhìn vào Giáo hoàng, chúng ta được mời gọi không phải là chiêm ngưỡng một vinh quang trần thế, mà là nhận ra sự hiện diện âm thầm nhưng mạnh mẽ của Chúa Kitô – Vị Mục Tử Đích Thật – đang tiếp tục chăn dắt Hội thánh qua vị đại diện của Ngài ở trần gian.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc S.J.
bài liên quan mới nhất

- Những Hạt Giống Hy Vọng… Cha đã ươm trồng
-
Đức Giáo hoàng và bức ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani, tình yêu của người con dành cho Mẹ -
Đức Phanxicô – Ngôn sứ cho thời đại mới -
Thời gian Tông tòa trống ngôi -
Bài học từ lễ an táng của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô -
Di sản Đức Tin của vị Cha Chung đáng kính -
Tiếng chuông cầu nguyện cho Đức cố Giáo Hoàng -
Đức Thánh cha Phanxicô - “Giáo hoàng của lòng thương xót” -
Đức Thánh cha Phanxicô: Cái chết không phải là kết thúc mọi thứ, nhưng là một khởi đầu mới -
Đức Thánh Cha phê chuẩn Qui chế mới của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu
bài liên quan đọc nhiều

- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
Thập giá hay Thánh Giá? -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Ánh sáng - bóng tối -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ?