Chúa nhật 2 Phục sinh - Bình an cho anh em (Ga 20,19-31)
Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.
Bài đọc 1: Cv 2,42-47
Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
42 Thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.
43 Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.
44 Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. 45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.
46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. 47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.
Đáp ca; Tv 117,2-4.13-15.22-24 (Đ. c.1)
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.3Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.4Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
13Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã,
nhưng Chúa đã phù trợ thân này.14Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.15Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng
trong doanh trại chính nhân :
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.24Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Bài đọc 2: 1 Pr 1,3-9
Thiên Chúa cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, 4 để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, 5 là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.
6 Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. 7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. 8 Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, 9 bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.
Tin mừng: Ga 20,19-31
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !”
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.
25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.”
27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”
29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.'
Giáo lý cho Bài giảng lễ Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm A – Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót
WHĐ (15.4.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 448, 641-646: Những lần hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh
Số 1084-1089: Sự hiện diện tác thánh của Đức Kitô Phục Sinh trong phụng vụ
Số 2177-2178, 1342: Thánh lễ ngày Chúa nhật
Số 654-655, 1988: Sự tái sinh của chúng ta trong sự Phục sinh của Đức Kitô
Số 976-983, 1441-1442: “Tôi tin phép tha tội”
Số 949-953, 1329, 1342, 2624, 2790: Hiệp thông các của cải thiêng liêng
Số 448, 641-646: Những lần hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh
448. Trong các sách Tin Mừng, khi thưa chuyện với Chúa Giêsu, người ta rất thường gọi Người là “Chúa”. Tước hiệu này cho thấy lòng tôn kính và tin tưởng của những người đến với Chúa Giêsu và mong đợi Người cứu giúp và chữa lành[1]. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khi thưa như vậy, người ta nhìn nhận mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu[2]. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, việc gọi tước hiệu ấy trở thành việc thờ lạy: “Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lúc đó, việc gọi Người như vậy còn mang ý nghĩa kính yêu và thân ái, là điểm riêng của truyền thống Kitô giáo: “Chúa đó!” (Ga 21,7).
641. Bà Maria Magđalêna và các phụ nữ thánh thiện, những người đã đến để hoàn thành việc xức dầu cho thân thể của Chúa Giêsu[3], vốn được mai táng cách vội vã vào chiều ngày Thứ Sáu vì đã đến ngày sabat[4], là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh[5]. Như vậy, các phụ nữ là những sứ giả đầu tiên loan báo sự sống lại của Đức Kitô cho chính các Tông Đồ[6]. Sau đó Chúa Giêsu hiện ra với các ông, trước hết là với ông Phêrô, sau đó với nhóm Mười Hai[7]. Vì vậy ông Phêrô, người đã được kêu gọi để củng cố đức tin của các anh em mình[8], đã thấy Đấng Phục Sinh trước các anh em và dựa trên chứng từ của ông mà cộng đoàn kêu lên: “Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24,34).
642. Tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày lễ Vượt Qua đó, đòi buộc mỗi vị Tông Đồ, đặc biệt là ông Phêrô, xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đã bắt đầu từ sáng ngày Vượt Qua. Với tư cách là những chứng nhân của Đấng Phục Sinh, các ngài mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh Người. Đức tin của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của những con người cụ thể mà các Kitô hữu quen biết và phần đông lúc đó còn sống giữa họ. “Những chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô”[9] trước hết là ông Phêrô và Nhóm Mười Hai, nhưng không chỉ có các vị ấy: ông Phaolô nói đến hơn năm trăm người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt, rồi với ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ[10].
643. Trước những lời chứng đó, không thể giải thích rằng sự phục sinh của Đức Kitô nằm bên ngoài trật tự thể lý, và không thể không công nhận sự phục sinh đó có tính cách là một sự kiện lịch sử. Qua các sự kiện, người ta thấy rõ là đức tin của các môn đệ đã bị lung lay tận gốc do cuộc khổ nạn và cái Chết trên thập giá của Thầy họ, mà chính Người đã báo trước[11]. Sự chấn động tâm hồn do cuộc khổ nạn gây nên là mạnh mẽ đến nỗi các môn đệ (hoặc ít nhất một số người trong họ) không tin ngay lời loan báo về việc Sống Lại. Các sách Tin Mừng không hề trình bày cho chúng ta thấy một cộng đoàn đầy hứng khởi thần bí; nhưng cho chúng ta thấy những môn đệ mất tinh thần (“buồn rầu”: Lc 24,17) và hoảng sợ[12]. Vì vậy họ đã không tin các phụ nữ thánh thiện từ ngôi mộ trở về, và những lời của các bà, họ “cho là chuyện vớ vẩn” (Lc 24,11)[13]. Khi Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một chiều ngày Vượt Qua, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người sống lại” (Mc 16,14).
644. Các môn đệ, cả khi đứng trước thực tại Chúa Giêsu phục sinh, vẫn còn nghi ngờ[14]; đối với các ông, coi như không thể nào có việc ấy: họ tưởng là thấy ma[15], “các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng” (Lc 24,41). Ông Tôma cũng đã nghi ngờ như vậy[16], và trong dịp hiện ra lần cuối cùng mà sách Matthêu thuật lại, “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Vì vậy, giả thuyết cho rằng sự Phục Sinh là “sản phẩm” của lòng tin (hay sự dễ tin) của các Tông Đồ, không có cơ sở. Hoàn toàn trái lại, đức tin của các ông vào sự Phục Sinh phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại Chúa Giêsu sống lại, dưới tác động của ân sủng của Thiên Chúa.
Trạng thái nhân tính đã phục sinh của Đức Kitô
645. Chúa Giêsu phục sinh liên hệ trực tiếp với các môn đệ của Người qua đụng chạm[17] và qua việc chia sẻ thực phẩm[18]. Như vậy, Người mời gọi họ nhìn nhận Người không phải là ma[19], nhưng nhất là để các ông thấy rõ rằng thân thể phục sinh của Người đang hiện diện với các ông, chính là thân thể đã bị hành hạ và bị đóng đinh vào thập giá, bởi vì thân thể đó vẫn còn mang các dấu vết của cuộc khổ nạn của Người[20]. Tuy nhiên, thân thể đích thực và hiện thực này đồng thời có những đặc tính mới của một thân thể vinh hiển: thân thể đó không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa, nhưng có thể tự do hiện diện ở đâu và lúc nào Người muốn[21], bởi vì nhân tính của Người không còn có thể bị ràng buộc ở trần thế nữa và chỉ thuộc về quyền năng thần linh của Chúa Cha[22]. Cũng vì vậy, Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn tự do để hiện ra như Người muốn: dưới hình dạng một người làm vườn[23] hoặc “dưới một hình dạng khác” (Mc 16,12), không giống hình dạng các môn đệ đã quen, chính là để khơi dậy đức tin của các ông[24].
646. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Các sự kiện này là những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường”. Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phaolô đã có thể nói Đức Kitô là một người thiên giới[25].
Số 1084-1089: Sự hiện diện tác thánh của Đức Kitô Phục Sinh trong phụng vụ
1084. Đức Kitô, Đấng “ngự bên hữu Chúa Cha” và tuôn đổ Thánh Thần trên Thân Thể của Người là Hội Thánh, từ nay hoạt động qua các bí tích do chính Người thiết lập để truyền thông ân sủng của Người. Các bí tích là những dấu chỉ khả giác (các lời nói và các hành động) mà loài người chúng ta hiện nay vẫn có thể hiểu được. Các bí tích thực hiện cách hữu hiệu ân sủng mà chúng nói lên, nhờ hành động của Đức Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
1085. Trong phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người bằng lời giảng dạy và tham dự trước vào mầu nhiệm đó bằng các hành động của Người. Khi Giờ của Người đến[26], Chúa Giêsu đã sống biến cố độc nhất của lịch sử, một biến cố không qua đi: Chúa Giêsu chịu chết, chịu mai táng, sống lại từ cõi chết và ngự bên hữu Chúa Cha “một lần cho mãi mãi” (Rm 6,10; Dt 7,27; 9,12). Đó là biến cố xác thực, đã xảy ra trong lịch sử của chúng ta, nhưng là biến cố độc nhất. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Trái lại, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của Người mà huỷ diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Người đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống.
... từ Hội Thánh thời các Tông Đồ...
1086. “Như Đức Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông Đồ, được đầy tràn Thánh Thần, như vậy, không những để khi công bố Tin Mừng cho mọi thụ tạo, các Tông Đồ loan báo rằng Con Thiên Chúa đã nhờ sự chết và sự sống lại của Người, mà giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết, và đưa chúng ta vào Nước của Chúa Cha, nhưng còn để các Tông Đồ thực thi công trình cứu độ, mà các ông đã rao giảng, nhờ Hy Lễ và các bí tích, là trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ”[27].
1087. Như vậy, Đức Kitô Phục sinh, khi ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ, đã trao cho các ông quyền thánh hóa của Người[28]: Các ông trở nên những dấu chỉ bí tích của Đức Kitô. Nhờ quyền năng của cùng một Chúa Thánh Thần, các ông trao quyền thánh hóa ấy cho những người kế nhiệm. Việc “kế nhiệm Tông Đồ” này xây dựng nên toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội Thánh; chính việc kế nhiệm đó mang tính bí tích và được lưu truyền qua bí tích Truyền Chức thánh.
... đang hiện diện trong phụng vụ trần thế...
1088. “Để thực hiện một công cuộc lớn lao như vậy (phân phát hoặc truyền thông công trình cứu độ của Người), Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh Người, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ cũng như trong con người thừa tác viên, “Đấng xưa đã tự hiến trên thánh giá, thì nay chính Người dâng hiến qua thừa tác vụ của các tư tế”, và nhất là Người hiện diện dưới hình bánh hình rượu Thánh Thể. Người hiện diện bằng quyền năng của Người trong các bí tích, đến nỗi khi một ai đó làm Phép Rửa, thì đó là chính Đức Kitô làm Phép Rửa. Người hiện diện trong Lời của Người, vì chính là Người đang nói, khi Kinh Thánh được đọc lên trong Hội Thánh. Cuối cùng, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ’ (Mt 18, 20)”[29].
1089. “Trong công cuộc lớn lao như vậy, qua đó Thiên Chúa được tôn vinh cách hoàn hảo và con người được thánh hoá, Đức Kitô hằng liên kết với Hội Thánh là Hiền Thê rất yêu quý của Người, và Hội Thánh kêu cầu Người là Chúa của mình và nhờ Người mà phụng thờ Chúa Cha hằng hữu”[30].
Số 2177-2178, 1342: Thánh lễ ngày Chúa nhật
2177. Việc giữ ngày Chúa nhật và cử hành bí tích Thánh Thể của Chúa là trung tâm của đời sống Hội Thánh. “Theo truyền thống tông đồ, mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong ngày Chúa nhật, ngày đó phải được giữ như là ngày lễ buộc chính yếu trong Hội Thánh toàn cầu”[31].
“Và cũng phải giữ như là ngày lễ buộc chính yếu những ngày lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Mình và Máu Rất Thánh Đức Kitô, lễ thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ thánh Giuse, lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và sau cùng là lễ các Thánh”[32].
2178. Từ thời các Tông Đồ, các Kitô hữu đã có thói quen tập họp nhau ngày Chúa nhật[33]. Thư gửi tín hữu Do thái nhắc nhớ rằng: “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp như vài người quen làm, trái lại phải khuyến khích nhau” (Dt 10,25).
“Truyền thống còn giữ được một bài huấn đức vẫn luôn hợp thời: “Hãy tới nhà thờ sớm, lại gần Chúa và xưng thú tội lỗi, hãy thống hối bằng kinh nguyện…. Tham dự vào phụng vụ thánh đến hết lời nguyện hiệp lễ và đừng ra về trước khi có lời giải tán…. Như chúng tôi thường nói: ngày này được ban cho anh em để cầu nguyện và nghỉ ngơi. Đây là ngày Chúa đã tạo nên, ta hãy phấn khởi và mừng vui trong ngày đó”[34].
1342. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa. Về Hội Thánh tại Giêrusalem có bài tường thuật như sau:
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).
Số 654-655, 1988: Sự tái sinh của chúng ta trong sự Phục sinh của Đức Kitô
654. Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa[35], để “cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng[36]. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, bởi vì người ta trở thành anh em của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của Người: “Về báo cho anh em của Thầy” (Mt 28,10)[37]. Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.
655. Cuối cùng, sự phục sinh của Đức Kitô – và chính Đức Kitô phục sinh – là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng ta ngày sau được sống lại: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.... Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,20-22). Trong khi mong đợi việc hoàn thành này, Đức Kitô phục sinh sống trong trái tim các tín hữu của Người. Nơi Người, các Kitô hữu được nếm “những sức mạnh của thế giới tương lai” (Dt 6,5) và đời sống của họ được Đức Kitô lôi cuốn vào trong lòng đời sống thần linh[38], “để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15).
1988. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô khi chết cho tội lỗi, và được tham dự vào sự phục sinh của Người khi được sinh vào đời sống mới; chúng ta là những chi thể của Thân Thể Người là Hội Thánh[39], là những ngành nho được ghép vào Cây nho là chính Đức Kitô[40]:
“Nhờ Thần Khí chúng ta được dự phần vào Thiên Chúa. Nhờ sự truyền thông Thần Khí, chúng ta được trở nên những người đồng phận với bản tính thần linh…. Vì thế, những ai có Thần Khí ngự nơi mình, đều được thần linh hóa”[41].
Số 976-983, 1441-1442: “Tôi tin phép tha tội”
976. Tín biểu các Tông Đồ kết hợp đức tin về ơn tha tội không những với đức tin vào Chúa Thánh Thần mà còn với đức tin về Hội Thánh và về sự hiệp thông của các Thánh. Chúa Kitô phục sinh, khi ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ của Người, Người ban cho họ quyền năng thần linh riêng của Người để tha tội: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Có một Phép Rửa để tha tội
977. Chúa chúng ta đã gắn liền ơn tha tội với đức tin và bí tích Rửa Tội: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16). Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội, bởi vì bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại vì sự công chính hoá của chúng ta[42], để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).
978. “Khi lần đầu chúng ta tuyên xưng đức tin và được tẩy sạch nhờ Phép Rửa thánh thiêng, thì ơn tha thứ được ban cho chúng ta một cách hết sức dư dật, đến nỗi không còn tội lỗi nào phải tẩy xóa, dù là tội tổ tông hay những tội riêng do thiếu sót hoặc do lỗi phạm, không còn phải chịu hình phạt nào để đền tội. Tuy nhiên, không ai được giải thoát khỏi mọi yếu đuối của bản tính nhờ ân sủng của bí tích Rửa Tội: nhưng đúng hơn, chúng ta vẫn phải chiến đấu chống lại những quấy nhiễu của dục vọng, nó không ngừng xúi giục chúng ta phạm tội”[43].
979. Trong cuộc chiến chống việc hướng chiều về sự dữ này, ai là người có đủ nghị lực và cảnh giác để tránh được mọi vết thương của tội lỗi? “Vì vậy, bởi vì trong Hội Thánh cần phải có quyền tha tội theo một thể thức khác với bí tích Rửa Tội, nên chìa khóa Nước Trời đã được ký thác cho Hội Thánh, nhờ đó tội của mọi hối nhân có thể được tha thứ, cho dù họ có phạm tội mãi đến ngày cuối cùng của cuộc đời”[44].
980. Nhờ Bí tích Thống Hối, người đã được rửa tội có thể được giao hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh:
“Các Giáo phụ có lý khi gọi bí tích Thống Hối là ‘một Phép Rửa cực nhọc’[45]. Bí tích Thống Hối này là cần thiết cho những người sa ngã sau khi chịu Phép Rửa, để được cứu độ, như Phép Rửa là cần thiết cho những người chưa được tái sinh”[46].
Quyền chìa khoá
981. Đức Kitô, sau cuộc Phục Sinh của Người, đã sai các Tông Đồ Người đi “nhân danh Người, mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Các Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài chu toàn “chức vụ giao hoà” (2 Cr 5,18) không những bằng việc loan báo cho người ta ơn tha thứ của Thiên Chúa, mà Đức Kitô đã có công đạt được cho chúng ta, và bằng việc kêu gọi người ta hối cải và tin, mà còn bằng việc truyền thông cho họ ơn tha thứ tội lỗi nhờ bí tích Rửa Tội, và bằng việc giao hoà họ với Thiên Chúa và với Hội Thánh nhờ quyền chìa khóa các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô:
“Hội Thánh đã lãnh nhận chìa khóa Nước Trời, để trong Hội Thánh nhờ Máu Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần, việc tha thứ tội lỗi được thể hiện. Trong Hội Thánh, linh hồn đã chết do tội lỗi được hồi sinh để được cùng sống với Đức Kitô, nhờ ân sủng của Người mà chúng ta được cứu độ”[47].
982. Không có tội nào, dù nặng nề đến mấy, mà Hội Thánh không thể tha thứ. “Không người nào, dù gian ác và xấu xa đến đâu, lại không thể hy vọng chắc chắn mình được tha thứ, miễn là người đó thật sự thống hối về các lầm lạc của mình”[48]. Đức Kitô, Đấng đã chết cho tất cả mọi người, muốn rằng: các cửa của sự tha thứ trong Hội Thánh của Người luôn rộng mở cho bất cứ ai bỏ tội lỗi trở về[49].
983. Việc dạy giáo lý phải cố gắng khơi dậy và nuôi dưỡng nơi các tín hữu niềm tin về sự cao cả khôn sánh của hồng ân mà Chúa phục sinh đã làm cho Hội Thánh của Người: đó là sứ vụ và quyền năng tha thứ thật sự các tội lỗi, nhờ thừa tác vụ của các Tông Đồ và của những vị kế nhiệm các ngài:
“Chúa muốn các môn đệ của Người có một quyền năng lớn lao: Người muốn các tôi tớ thấp hèn của Người nhân danh Người mà thực hiện tất cả những gì Người đã làm khi còn tại thế”[50].
“[Các tư tế] đã lãnh nhận quyền năng mà Thiên Chúa đã không ban cho các Thiên thần hoặc các Tổng lãnh Thiên thần…. Bất cứ điều gì các tư tế làm nơi đất thấp, thì trên trời cao, Thiên Chúa đều phê chuẩn”[51].
“Nếu trong Hội Thánh không có ơn tha tội, thì không có một hy vọng nào: nếu trong Hội Thánh không có ơn tha tội, thì không có hy vọng nào về đời sống tương lai và sự giải thoát vĩnh cửu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho Hội Thánh của Ngài hồng ân này”[52].
1441. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội[53]. Bởi vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nên Người nói về mình: “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mc 2,10), và Người thực thi quyền thần linh này: “Con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5)[54]. Hơn nữa, dựa vào quyền bính thần linh của mình, Đức Kitô còn ban quyền đó cho những con người[55] để họ thực thi quyền tha tội nhân danh Người.
1442. Đức Kitô đã muốn toàn thể Hội Thánh của Người, trong kinh nguyện, đời sống và các hoạt động của mình, là dấu chỉ và dụng cụ cho ơn tha thứ và giao hoà mà Người đã thủ đắc cho chúng ta, bằng máu châu báu của Người. Tuy nhiên, Người đã ủy thác việc thực thi quyền tha tội cho thừa tác vụ Tông Đồ. Chính thừa tác vụ này đã lãnh nhận “chức vụ giao hoà” (2 Cr 5,18). Vị Tông Đồ được sai đi nhân danh Đức Kitô; và chính Thiên Chúa, qua vị Tông Đồ, khuyên bảo và nài xin: “Hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20).
Số 949-953, 1329, 1342, 2624, 2790: Hiệp thông các của cải thiêng liêng
949. Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Sự hiệp thông trong đức tin. Đức tin của các tín hữu là đức tin của Hội Thánh, được đón nhận từ các Tông Đồ, là kho tàng của sự sống, một kho tàng khi được truyền thông thì lại thêm phong phú.
950. Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này”[56].
951. Sự hiệp thông các đặc sủng: Trong sự hiệp thông của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội Thánh[57]. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).
952. “Đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32): “Kitô hữu thật sự không sở hữu một điều gì, mà không cho rằng đó là của chung cho mình cùng với tất cả những người khác; vì vậy họ phải mau mắn và sẵn sàng làm nhẹ bớt sự cùng khốn của những người túng thiếu”[58]. Kitô hữu là người quản lý tài sản của Chúa[59].
953. Sự hiệp thông đức mến: Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7). “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là Thân Thể của Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,26-27). Đức mến “không tìm tư lợi” (1 Cr 13,5)[60]. Việc nhỏ nhất trong các hành vi của chúng ta được làm trong đức mến đều sinh lợi ích cho mọi người, trong sự liên đới hỗ tương với tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, sự liên đới đó được đặt nên trong mầu nhiệm “các Thánh thông công”. Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.
1329. Bữa ăn tối của Chúa[61], bởi vì Hội Thánh tưởng niệm bữa Tiệc Ly Chúa cùng ăn với các môn đệ Người hôm trước ngày Người chịu nạn, và đây như là việc tham dự trước vào Tiệc Cưới của Con Chiên[62] trong thành Giêrusalem thiên quốc.
Việc Bẻ Bánh, vì nghi thức này, nét đặc thù của bữa ăn Do Thái, đã được Chúa Giêsu sử dụng khi Người dâng lời chúc tụng và phân phối bánh với tư cách người chủ tiệc[63], đặc biệt trong bữa Tiệc Ly[64]. Nhờ cử chỉ này, các môn đệ nhận ra Người sau khi Người sống lại[65]; và các Kitô hữu tiên khởi đã dùng thuật ngữ “Bẻ Bánh” để nói về các buổi cử hành Thánh Thể của họ[66]. Như vậy họ muốn nói lên rằng, tất cả những ai cùng ăn một tấm bánh duy nhất được bẻ ra, là Đức Kitô, thì được hiệp thông với Người và làm thành một thân thể trong Người[67].
Cộng đoàn Thánh Thể (Synaxis), bởi vì bí tích Thánh Thể được cử hành trong cộng đoàn các tín hữu, đó là cách diễn tả hữu hình về Hội Thánh[68].
1342. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa. Về Hội Thánh tại Giêrusalem có bài tường thuật như sau:
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).
2624. Trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem, các tín hữu “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Chuỗi thứ tự ấy là nét đặc thù của việc cầu nguyện của Hội Thánh: việc cầu nguyện đặt nền tảng trên đức tin tông truyền, được chứng thực bằng tình bác ái, được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể.
2790. Theo ngữ pháp, “của chúng con” nói lên một thực tại chung cho nhiều người. Chỉ có một Thiên Chúa, Ngài được nhận biết là Cha bởi những kẻ, nhờ tin vào Con độc nhất của Ngài, đã được Ngài tái sinh nhờ nước và Chúa Thánh Thần[69]. Hội Thánh chính là sự hiệp thông mới này giữa Thiên Chúa với con người: vì được kết hợp với Người Con độc nhất, Đấng đã trở nên “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), Hội Thánh được hiệp thông với cùng một Chúa Cha, trong cùng một Chúa Thánh Thần[70]. Khi cầu nguyện với Cha “(của) chúng con”, mỗi người đã được rửa tội đều cầu nguyện trong sự hiệp thông đó: “Các tín hữu… tuy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32).
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 2 Phục sinh năm B, Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót
Đức Phanxicô:
11.04.2021 – Ba món quà của Lòng Chúa Thương Xót
08.04.2018 – Nhận biết Chúa từ các vết thương của Ngài
Đức Bênêđictô XVI:
15.04.2012 – Bình an cho các con
1. Bài giảng của ĐTC Phanxicô (19.04.2020)
CHÚA CHỜ ĐỢI TÔMA, LÒNG THƯƠNG XÓT KHÔNG BỎ RƠI NHỮNG NGƯỜI ĐẾN SAU
Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lễ Chúa Nhật II Phục Sinh năm A - Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót, 19 Tháng Tư, 2020, dịp kỷ niệm lần thứ XX ngày Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót và là ngày phong thánh cho Thánh Faustina:
Chúa Nhật trước chúng ta mừng Chúa sống lại; hôm nay chúng ta chứng kiến sự phục sinh của môn đệ Ngài.
Đã một tuần qua đi, một tuần kể từ khi các môn đệ nhìn thấy Chúa Phục sinh, nhưng cho dù như vậy, các ông vẫn còn sợ hãi, ẩn mình sau “những cánh cửa đóng kín” (Ga 20:26), thậm chí không thể thuyết phục Tôma, người duy nhất vắng mặt, về sự phục sinh.
Chúa Giêsu làm gì trước việc nhút nhát thiếu lòng tin này? Ngài quay trở lại, và đứng tại cùng một chỗ, “ở giữa” các môn đệ, Ngài lặp lại lời chào: “Bình an cho các con!” (Ga 20:19, 26). Ngài lặp đi lặp lại. Sự phục sinh của môn đệ Ngài bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung tín và kiên nhẫn, từ việc khám phá ra rằng Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tiến đến để nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã. Ngài muốn chúng ta nhìn thấy Ngài, không phải như một người đốc công mà chúng ta phải trả những món nợ, nhưng như là Cha của chúng ta là người luôn nâng đỡ chúng ta dậy.
Trong cuộc sống chúng ta tiến bước một cách ngập ngừng, không vững chắc, giống như một em bé chập chững đi được vài bước lại ngã; bước thêm vài bước nữa rồi lại ngã, nhưng mỗi lần cha của bé đều nâng bé dậy đứng vững trên đôi chân. Bàn tay luôn luôn nâng chúng ta đứng dậy trên đôi chân là lòng thương xót: Chúa biết rằng không có lòng thương xót thì chúng ta sẽ ngã nằm trên mặt đất, và để tiếp tục bước đi, chúng ta cần phải được nâng đỡ dậy để đứng vững trên đôi chân.
Anh chị em có thể phản đối: “Nhưng con cứ vấp ngã hoài!” Chúa biết điều này và Ngài luôn sẵn sàng để nâng bạn dậy. Ngài không muốn chúng ta cứ gắn chặt với suy nghĩ về những vấp ngã của mình; nhưng Ngài muốn chúng ta hãy hướng trông về Ngài. Vì khi chúng ta vấp ngã, Ngài nhìn thấy những đứa con cần được nâng dậy để đứng trên đôi chân; trong những vấp ngã của chúng ta ngài nhìn thấy những đứa con cần có tình yêu thương xót.
Hôm nay, ngôi nhà thờ này đã trở thành đền thờ của lòng thương xót ở Roma, và vào Chúa nhật này, Thánh Gioan Phaolô II đã cung hiến cho Lòng Thương xót của Chúa hai mươi năm trước, chúng ta vui mừng trước sứ điệp này.
Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Cha là tình yêu và lòng thương xót; không có sự đau đớn nào của con người có thể sánh bằng lòng thương xót của Cha” (Nhật ký, 14 tháng Chín 1937).
Có một lần trong sự toại nguyện, Thánh nhân thưa với Chúa Giêsu rằng chị đã dâng lên Ngài tất cả sự sống của mình và mọi điều chị có. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm chị sững sờ: “Con vẫn chưa dâng lên Cha điều thật sự thuộc về con.” Vậy người nữ tu thánh thiện đó đã giữ lại cho mình điều gì? Chúa Giêsu dịu dàng nói với chị: “Con của Cha, hãy dâng lên Cha những vấp ngã của con” (10 Tháng Mười 1937).
Chúng ta cũng hãy tự hỏi mình: “Tôi đã dâng lên Chúa những vấp ngã của tôi chưa? Tôi có để cho Ngài nhìn thấy sự vấp ngã của tôi để Ngài có thể nâng tôi dậy không?” Hay vẫn có điều gì đó mà tôi còn giữ trong lòng mình? Một tội, một sự hối tiếc của quá khứ, một vết thương tôi mang trong lòng, một sự oán hận chống lại ai đó, một ý nghĩ về một người nào đó … Chúa chờ đợi chúng ta mang đến cho Ngài những vấp ngã của chúng ta để Ngài có thể giúp chúng ta trải nghiệm lòng thương xót của Ngài.
Chúng ta hãy trở lại với các môn đệ. Các ông đã bỏ Chúa trong cuộc Khổ nạn và cảm thấy có tội. Nhưng khi gặp các ông, Chúa Giêsu không cho một bài giảng thuyết dài dòng. Với các ông là những người đã bị thương tổn trong lòng, Ngài cho các ông thấy những vết thương của Ngài. Bây giờ Tôma có thể đụng chạm vào chúng và hiểu được tình yêu của Chúa Giêsu và Ngài đã phải chịu đau khổ như thế nào cho ông, dù ông đã bỏ rơi Ngài. Trong những vết thương đó, ông chạm đến được sự gần gũi dịu dàng của Thiên Chúa bằng chính bàn tay của mình.
Tôma đến sau, nhưng khi ông đón nhận được lòng thương xót, ông vượt qua những môn đệ khác: ông không chỉ tin vào sự phục sinh, nhưng còn tin vào tình yêu vô biên của Chúa. Và ông đã thực hiện một lời tuyên xưng đức tin đơn sơ nhất và đẹp nhất: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (c. 28). Đây là sự phục sinh của người môn đệ: nó được kiện toàn khi sự mỏng giòn và tính nhân loại bị thương tổn của người môn đệ đi vào những vết thương của Chúa Giêsu. Ở đó, mọi sự hoài nghi được xóa tan; ở đó, Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của con; ở đó, chúng ta bắt đầu chấp nhận bản thân mình và yêu thương sự sống như đúng bản chất của nó.
Anh chị em thân mến, trong thời gian thử thách mà chúng ta đang trải qua, chúng ta cũng vậy, giống như Tôma với những nỗi sợ hãi và hoài nghi, đã có kinh nghiệm về sự mỏng giòn của chúng ta. Chúng ta cần có Chúa, Đấng nhìn vượt xa hơn sự mỏng giòn và thấy một nét đẹp không thể thay thế được. Cùng với Ngài chúng ta tái khám phá chúng ta quý giá biết bao nhiêu thậm chí trong sự mong manh của mình.
Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta giống như những món đồ pha lê xinh đẹp, vừa mỏng giòn dễ vỡ nhưng đồng thời rất quý giá. Và nếu chúng ta cũng trong suốt giống như pha lê, thì ánh sáng của Ngài – ánh sáng của lòng thương xót – sẽ tỏa rạng trong chúng ta và xuyên qua chúng ta đi vào thế giới. Như trong Thư của Thánh Phêrô nói, đây là lý do để được “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pr 1:6).
Trong ngày Lễ Lòng Chúa Thương xót này, thông điệp đẹp nhất đến từ Tôma, người môn đệ đến sau; ông là người duy nhất vắng mặt. Nhưng Chúa chờ đợi Tôma. Lòng thương xót không bỏ rơi những người đến sau.
Giờ đây, khi chúng ta đang trông mong vào một sự phục hồi từ từ và gian khổ sau đại dịch, có nguy cơ là chúng ta sẽ quên những người bị bỏ rơi đằng sau. Nguy cơ sau này chúng ta có thể bị tấn công bởi một con virus còn tồi tệ hơn, đó là con virus thờ ơ ích kỷ. Một con virus lây lan bởi suy nghĩ cho rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu nó tốt hơn cho tôi, và rằng mọi sự sẽ tốt đẹp nếu nó tốt đẹp cho tôi. Nó bắt đầu từ đó và kết thúc bằng sự lựa chọn người này với người kia, gạt bỏ người nghèo, và hy sinh những người bị bỏ rơi trên bàn thờ của sự tiến bộ.
Tuy nhiên, cơn đại dịch hiện tại nhắc nhở chúng ta rằng không có sự khác biệt hoặc những đường biên giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mong manh, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều quý giá.
Ước mong rằng chúng ta được đánh động sâu sắc bởi những gì đang xảy ra chung quanh chúng ta: đã đến lúc phải loại trừ những bất bình đẳng, để chữa lành sự bất công đang bào mòn sức khỏe của toàn gia đình nhân loại!
Chúng ta hãy học từ cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được miêu tả trong Sách Công vụ Tông đồ. Cộng đoàn đón nhận được lòng thương xót và sống lòng thương xót: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2:44-45). Đây không phải là một trong những hệ tư tưởng: đây là Kitô giáo.
Trong cộng đoàn đó, sau sự phục sinh của Chúa Giê-su, chỉ có một người bị bỏ lại đằng sau và những người khác thì chờ đợi Ngài. Ngày nay dường như tình trạng thì ngược lại: một phần nhỏ của gia đình nhân loại tiến về phía trước, trong khi đa phần vẫn ở lại phía sau.
Mỗi người chúng ta có thể nói rằng: “Đây là những vấn đề phức tạp, việc của tôi không phải là đi chăm sóc người thiếu thốn, có những người khác quan tâm đến điều đó rồi!” Thánh Faustina viết sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu: “Trong một linh hồn đang đau khổ, chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa Giêsu trên thập giá, không phải là một người ăn bám hay một gánh nặng … [Thiên Chúa] Người ban cho chúng con cơ hội để thực hành những việc của lòng thương xót, và chúng con lại thực hành việc đưa ra những phán xét” (Nhật ký, 6 tháng Chín, 1937).
Tuy nhiên, chính thánh nhân một ngày kia đã phàn nàn với Chúa Giêsu rằng: khi có lòng thương xót, người ta lại cho rằng đó là người khờ dại. Thánh nhân nói, “Lạy Chúa, họ thường lạm dụng lòng tốt của con.” Và Chúa Giêsu trả lời: “Đừng quan tâm, đừng để điều đó làm phiền con, hãy luôn tỏ lòng thương xót với tất cả mọi người” (24 tháng Mười Hai 1937).
Với mọi người: chúng ta đừng chỉ nghĩ riêng đến những lợi ích của chúng ta, những lợi ích được trao cho chúng ta. Chúng ta hãy đón thời gian thử thách này như một cơ hội để chuẩn bị cho tương lai chung của chúng ta. Vì nếu không có tầm nhìn ôm lấy tất cả, thì sẽ không có tương lai cho bất cứ người nào.
Hôm nay tình yêu của Chúa Giêsu làm hồi sinh tâm hồn của người môn đệ. Giống như Thánh Tông đồ Tôma, chúng ta hãy đón nhận lòng thương xót, ơn cứu độ của thế giới. Và chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót cho những người dễ bị tổn thương nhất; vì chỉ bằng cách này thì chúng ta mới xây dựng được một thế giới mới.
Tri Khoan
Chuyển ngữ từ: zenit.org (19.04.2020)
Nguồn: daminhtamhiep.net (20.04.2020)
2. Bài giảng của ĐTC Phanxicô (23.4.2017)
CHIẾC ÁO TRẮNG
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa nhật 23-04-2017, cũng là “Chúa nhật Áo Trắng”, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa và lễ kính Lòng Chúa Xót Thương. Ngài nói với hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Mỗi Chúa nhật chúng ta tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng trong mùa này sau lễ Phục Sinh, Chúa nhật có một ý nghĩa càng rạng ngời hơn.
Trong truyền thống của Giáo Hội, Chúa nhật này được gọi là “in albis”, thành ngữ này muốn nhắc lại nghi thức mà những người đã chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh thi hành. Mỗi người nhận được một áo trắng, alba, để chỉ phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa.
Chúa nhật hôm nay cũng vậy, các tân tòng nhận được một chiếc áo trắng nhỏ tượng trưng, trong khi những người lớn thì mặc áo trắng lớn của mình. Áo này, xưa kia, được mặc trong một tuần lễ, cho đến Chúa nhật in albis - tức là Chúa nhật sau lễ Phục Sinh - khi họ cởi áo này và các tân tòng bắt đầu đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.
Trong Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô II đã qui định rằng Chúa nhật này được dâng kính Lòng Chúa thương xót. Thật là một trực giác rất đẹp! Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót cũng mới kết thúc cách đây vài tháng và Chúa nhật này mời gọi chúng ta mạnh mẽ lấy lại ơn thánh xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tin mừng hôm nay là một trình thuật cuộc hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh với các môn đệ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly (Xc Ga 20,19-31). Thánh Gioan kể rằng Chúa Giêsu, sau khi chào các môn đệ, Ngài nói với họ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói rồi, Ngài thổi hơi vào họ và nói thêm: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha” (vv.21-23). Đó là ý nghĩa lòng thương xót được trình bày trong ngày Chúa Giêsu sống lại như ơn tha thứ tội lỗi.
Chúa Giêsu đã thông truyền cho Giáo Hội của Ngài, như nghĩa vụ đầu tiên, chính sứ mạng của Ngài là mang đến cho tất cả mọi người sự loan báo cụ thể về ơn tha thứ. Dấu chỉ hữu hình này về lòng thương xót của Chúa mang theo an bình trong tâm hồn và niềm vui được tái gặp gỡ với Chúa.
Lòng thương xót dưới ánh sáng Phục Sinh tỏ cho thấy được nhận thức như một hình thức ý thức thực sự về mầu nhiệm chúng ta đang sống.
Chúng ta biết rằng ta nhận biết qua nhiều hình thức: qua các giác qua, qua trực giác, lý trí, và những cách khác. Đúng thế, ta cũng có thể nhận biết qua kinh nghiệm về lòng thương xót nữa! Lòng thương xót mở cửa tâm trí để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và cuộc sống bản thân chúng ta.
Lòng thương xót giúp hiểu rằng bạo lực, oán hận, trả thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là người sống những tâm tình ấy, vì họ bị mất phẩm giá của mình.
Lòng thương xót cũng mở cửa tâm hồn và giúp biểu lộ sự gần gũi, nhất là với những người lẻ loi và bị gạt ra ngoài lề, vì làm cho họ cảm thấy là anh chị em của nhau và là con của một Cha duy nhất.
Lòng thương xót giúp nhận ra những người cần an ủi và làm cho ta tìm được những lời nói thích hợp để ủi an họ.
Lòng thương xót sửa ấm tâm hồn và làm cho nó nhạy cảm đối với những nhu cầu của anh chị em qua sự chia sẻ và tham gia.
Tóm lại, lòng thương xót kêu gọi mọi người trở thành dụng cụ của công lý, hòa giải, và hòa bình.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng lòng thương xót chính là chìa khóa chủ yếu trong đời sống đức tin, và là hình thức cụ thể qua đó chúng ta mang lại sự cụ thể hữu hình cho sự sống lại của Chúa Giêsu.
Xin Mẹ Maria, Mẹ Từ Bi Thương Xót, giúp chúng ta tin và vui sống tất cả những điều ấy.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn:archivioradiovaticana.va (23.04.2017)
3. Bài giảng của ĐTC Phanxicô (27.4.2014)
VẾT THƯƠNG VINH HIỂN CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH
Chúa Nhật II Phục Sinh năm A - Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót ngày 27-04-2014 thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là “Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ: Gioan XXIII và Gioan Phaolô II; và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, Đức Phanxicô và Đức Biển Đức XVI, cùng hiện diện trong buổi lễ. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ phong thánh đặc biệt này:
Nơi trọng tâm Chúa nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.
Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài.
Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).
Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: ”Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).
Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài (Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu.
Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa.
Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn.
Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một ”niềm hy vọng sinh động”, cùng với một ”niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy.
Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.
Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ bi, trong đơn sơ và huynh đệ.
Và đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican II đã có trước mắt. Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng.
Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian II, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh.
Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng HĐGM về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ.
Xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng Hội đồng Giám mục này, Giáo hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình.
Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương.
G. Trần Đức Anh OP, Mai Anh
Nguồn: archivioradiovaticana.va (27.04.2014)
4. Bài giảng của ĐTC Bênêđictô 16 (1.5.2011)
PHÚC CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 01-05-2011 kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II trước thềm đền thờ thánh Phêrô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha ca ngợi mối phúc thật mà Đức Gioan Phaolô II đã nhận lãnh, đó là mối phúc đức tin, lòng kính mến của Người đối Đức Mẹ, và công trình của Đức Chân Phước Giáo Hoàng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ ba, và sau cùng là kinh nghiệm bản thân của Ngài về vị Tiền Nhiệm. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Cách đây hơn 6 năm, chúng ta đã tụ họp tại Quảng trường này để cử hành lễ an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nỗi đau buồn vì sự mất mát thật là sâu đậm, nhưng cũng có một cảm thức lớn lao hơn nữa về một ân phúc vô biên bao trùm Roma và toàn thế giới: ân phúc ấy như là thành quả trọn cuộc đời vị Tiền Nhiệm yêu quí của tôi và đặc biệt là chứng tá của ngài trong đau khổ.
Ngay từ ngày ấy, chúng ta đã cảm thấy hương thơm thánh thiện của ngài loan tỏa và Dân Chúa đã biểu lộ lòng tôn kính ngài bằng nhiều cách. Vì thế, tôi đã muốn rằng án phong chân phước cho ngài được tiến hành sớm trong niềm tôn trọng đúng phép đối với qui luật của Giáo Hội. Và nay, ngày mong đợi đã đến; và đã đến sớm, vì điều đẹp lòng Chúa là: Đức Gioan Phaolô II là chân phước!
Đức Thánh Cha chào thăm tất cả các Hồng Y, Thượng Phụ, các Giám Mục, Linh Mục và các phái đoàn chính thức, các đại sứ và chính quyền, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, cả những người theo dõi qua truyền thanh và truyến hình, rồi ngài nói đến Chúa nhật thứ II sau Phục Sinh, Chúa nhật mà Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã đặt tên là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Đức Thánh Cha nói:
Chúa nhật này được chọn làm ngày cử hành lễ phong chân phước vì, do một ý định của Chúa Quan Phòng, vị Tiền Nhiệm của tôi đã từ trần chính vào tối hôm áp lễ này. Ngoài ra, hôm nay là ngày đầu tháng 5, tháng kính Đức Mẹ Maria và cũng là ngày kính nhớ thánh Giuse Thợ. Các yếu tố này góp phần làm cho kinh nguyện của chúng ta thêm phong phú, nâng đỡ chúng ta là những người còn lữ hành trong thời gian và không gian; trong khi ở trên trời, đại lễ nơi các Thiên Thần và các Thánh rất khác! Tuy nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một Đức Kitô là Chúa, Đấng giống như chiếc cầu nối liền đất và Trời, và chúng ta trong lúc này đây, chúng ta cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết, như thể được tham dự vào Phụng vụ thiên quốc.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha áp dụng một số ý tưởng trong các bài đọc của thánh lễ vào cuộc đời của Đức Chân Phước Giáo Hoàng:
“Phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố mối phúc này: mối phúc đức tin này đánh động chúng ta một cách đặc biệt vì chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành một lễ phong chân phước, và hơn nữa, hôm nay là lễ phong chân phước cho một vị Giáo Hoàng, người Kế Vị thánh Phêrô được kêu gọi củng cố anh em mình trong đức tin.
Đức Gioan Phaolô II là chân phước vì niềm tin của ngài, niềm tin mạnh mẽ và quảng đại, tông truyền. Và chúng ta nhớ ngay tới một mối phúc khác: “Hỡi Simon, con của Giona, con có phúc vì không phải phàm nhân tỏ điều đó cho con, nhưng chính là Cha Thầy ở trên trời” (Mt 16,17). Cha trên trời đã tỏ điều gì cho Simon? Thưa đó là: Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Do niềm tin đó, Simon trở thành “Phêrô”, là đá tảng trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người.
Hạnh phúc vĩnh cửu của Đức Gioan Phaolô II mà hôm nay Giáo Hội vui mừng tuyên bố, hệ tại lời này của Chúa Kitô: “Hỡi Simon, con có phúc” và “Phúc cho những ai không thấy mà tin!”. Hạnh phúc đức tin, mà Đức Gioan Phaolô II đã lãnh nhận từ Chúa Cha như hồng ân, để xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô.” (...)
Đức Thánh Cha nói thêm rằng:
Anh chị em thân mến, hôm nay hình ảnh Đức Gioan Phaolô II kính mến chiếu tỏa rạng ngời trước mắt chúng ta trong ánh sáng thiêng liêng tràn đầy của Chúa Kitô phục sinh.
Hôm nay tên của ngài được thêm vào hàng ngũ các thánh và chân phước mà ngài đã tôn phong trong gần 27 năm làm Giáo Hoàng, nhắc nhớ hùng hồn về ơn gọi của tất cả hãy đạt tới đỉnh cao của đời sống Kitô, đạt tới sự thánh thiện, như Hiến chế Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, của Công đồng đã quả quyết.
Tất cả mọi thành phần của Dân Chúa - Giám Mục, Linh Mục, phó tế, giáo dân, tu sĩ nam nữ - chúng ta đang tiến về quê hương thiên quốc, nơi mà Đức Trinh Nữ Maria đi trước chúng ta, Mẹ kết hiệp một cách đặc biệt và hoàn hảo với mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Đức Karol Wojtila, trước tiên như Giám Mục Phụ tá, rồi như Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, đã tham dự Công Đồng Chung Vatican II và ngài biết rõ rằng sự kiện Công Đồng dành cho Mẹ Maria chương cuối cùng trong Văn kiện về Giáo Hội có nghĩa là đặt Mẹ Đấng Cứu Chuộc như hình ảnh và mẫu gương thánh thiện cho mỗi Kitô hữu và cho toàn thể Giáo Hội.
Cái nhìn thần học này cũng là cái nhìn mà Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã khám phá khi còn trẻ, và sau đó đã bảo tồn và đào sâu suốt đời. Đó là một cái nhìn được tóm gọn trong hình ảnh của Kinh Thánh về Chúa Kitô trên Thánh Giá cạnh Đức Maria Mẹ Người. Đó là một hình ảnh ở trong Tin mừng theo thánh Gioan (19,25-27) và được tóm tắt trong huy hiệu Giám Mục và huy hiệu Giáo Hoàng của Đức Karol Wojtila: trên đó có một Thánh Giá màu vàng, một chữ M dưới chân bên phải của Thánh Giá, và khẩu hiệu “Totus tuus”, Toàn thân con thuộc về Mẹ, là câu nói nổi tiếng của thánh Louis Marie de Montfort trong đó Đức Karol Wojtila đã tìm được nguyên lý nền tảng cho cuộc đời của ngài: “Toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ. Con đón nhận Mẹ trong mọi sự của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim Mẹ” (Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor tuum) (Trattato della vera devozione alla Santa Vergina, n.266).
Trong di chúc, Đức tân chân phước đã viết: “Ngày 16-10-1978, khi mật nghị Hồng chọn Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Stefan Wyszynbski, Giáo Chủ Ba Lan, nói với tôi: “Nhiệm vụ của vị Giáo Hoàng mới là đưa Giáo Hội vào Ngàn Năm Thứ Ba”.
Và ngài viết thêm: “Một lần nữa tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Linh vì đại hồng ân Công Đồng Chung Vatican II, mà tôi cảm thấy mắc nợ cùng với toàn thể Giáo Hội, nhất là toàn thể hàng Giám Mục. Tôi xác tín rằng về lâu về dài các thế hệ mới còn được kín múc từ sự phong phú mà Công Đồng Chung của thế kỷ 20 đã rộng ban cho chúng ta. Trong tư cách là Giám Mục đã tham dự Công đồng từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, tôi muốn phó thác gia sản lớn lao này cho tất cả những người đang và sẽ được kêu gọi thi hành gia sản này trong tương lai.
Về phần tôi, tôi cảm tạ vị Mục Tử Vĩnh Cữu đã cho tôi được phục vụ chính nghĩa rất cao cả trong tất cả những năm qua trong triều đại Giáo Hoàng của tôi”.
Đâu là chính nghĩa ấy? Chính nghĩa ấy đã được Đức Gioan Phaolô II nói đến trong thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài tại Quảng trường thánh Phêrô, với những lời đáng ghi nhớ: “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, đúng hơn, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa Kitô!”.
Điều mà Đức tân Giáo Hoàng yêu cầu tất cả mọi người, chính ngài đã thi hành trước tiên: ngài đã mở rộng cho Chúa Kitô xã hội, văn hóa, các chế độ chính trị và kinh tế, với sức mạnh của một người khổng lồ, sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa, ngài đã đảo lộn một xu hướng dường như không thể lật ngược được”.
Tiếp tục bài giảng trong lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
Đức Karol Wojtila lên ngai tòa thánh Phêrô mang theo suy tư sâu sắc của ngài về sự đối chiếu giữa thuyết mác xít và Kitô giáo, quy trọng tâm vào con người. Sứ điệp của ngài là: con người là đường đi của Giáo Hội và Chúa Kitô là con đường của con người. Với sứ điệp này, vốn là đại gia sản của Công Đồng Chung Vatican II và của Vị Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô 6, “hoa tiêu” của Công Đồng, Đức Gioan Phaolô II đã hướng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba, mà nhờ Chúa Kitô, ngài đã có thể gọi là “ngưỡng cửa hy vọng”.
Đúng vậy, qua hành trình dài chuẩn bị Đại Năm Thánh, Ngài đã mang lại cho Kitô giáo một hướng đi mới tiến về tương lai, tương lai của Thiên Chúa, tương lai siêu việt so với lịch sử, nhưng cũng ảnh hưởng trên lịch sử. Sức mạnh của niềm hy vọng ấy trước đó phần nào đã bị nhường cho chủ thuyết mác xít và ý thức hệ tiến bộ, nhưng ngài đã phục hồi một cách hợp pháp cho Kitô giáo, trả lại cho Kitô giáo hình dạng đích thực của niềm hy vọng, một niềm hy vọng cần được sống trong lịch sử với tinh thần chờ đợi, trong cuộc sống bản thân và cộng đồng, hướng về Chúa Kitô, là sự sung mãn của con người và là sự viên mãn những mong đợi công lý và hòa bình.
Trong phần kết của bài giảng, Đức Thánh Cha gợi lại quan hệ bản thân với Đức chân phước Giáo Hoàng. Ngài nói:
Sau cùng, tôi cũng muốn cảm tạ Thiên Chúa vì kinh nghiệm bản thân Chúa đã ban cho tôi, được cộng tác lâu dài với Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Trước kia, tôi đã từng được biết và quí mến ngài, nhưng từ năm 1982, khi ngài gọi tôi về Roma làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong 23 năm trời, tôi đã được ở gần ngài và ngày càng kính mến ngài hơn. Công tác phục vụ của tôi được nâng đỡ nhờ linh đạo sâu xa và những trực giác phong phú của ngài.
Gương cầu nguyện của ngài luôn đánh động và khích lệ tôi: Ngài chìm đắm trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, dù giữa bao nhiêu công việc bề bộn trong sứ vụ của ngài.
Rồi chứng tá của ngài trong đau khổ: Chúa đã dần dần tước bỏ mọi sự của ngài, nhưng ngài vẫn luôn là “một đá tảng” như Chúa Kitô đã muốn.
Lòng khiêm tốn sâu xa của ngài được ăn rễ sâu nơi sự kết hiệp thân mật với Chúa Kitô, đã giúp ngài tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội và mang lại cho thế giới một sứ điệp hùng hồn hơn, chính trong thời kỳ sức lực thể lý của ngài bị suy giảm.
Vì thế, ngài đã thực hiện một cách ngoại thường ơn gọi của mỗi linh mục và giám mục, đó là trở nên một với Chúa Giêsu, Đấng mà hằng ngày các vị lãnh nhận và trao ban trong Thánh Thể.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quí yêu, phúc cho ngài vì ngài đã tin! Chúng con xin ngài tiếp tục nâng đỡ niềm tin của Dân Chúa từ trời cao. Amen.
Bài giảng của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay dài của tín hữu.
Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Lay Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tậy Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ý. Ngài chào các phái đoàn chính thức, các giới lãnh đạo dân sự và quân sự, các linh mục tu sĩ nam nữ và rất đông đảo tín hữu đến tham dự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II. Ngài ước mong cuộc sống và công trình của Chân Phước Gioan Phaolô II là suối nguồn cho một dấn thân mới phục vụ tất cả mọi người và toàn con người. Đức Thánh Cha xin vị Tân Chân Phước chúc lành cho các cố gắng của mỗi người trong việc xây dựng một nền văn minh tình thương, trong sự tôn trọng phẩm giá của từng người được dựng nên giống hình ảnh của Chúa, và đặc biết chú ý tới những người yếu đuối hơn.
Đức Thánh Cha đã đặc biệt cám ơn chính quyền Italia, tổng thống, chính phủ và các giới chức thành phố Roma, cũng như mọi tổ chức và hiệp hội, các lực lượng an ninh và đông đảo các thiện nguyện viên vì sự cộng tác tích cực báu cho ngày lễ này. Ngài cũng chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô các đường phụ cận và tại nhiều nơi khác trong thành phố Roma, đặc biệt là các bệnh nhân, người già cả cũng như những ai theo dõi lễ nghi qua các đài phát thanh truyền hình. Ngài phó thác mọi người cho lời bầu cử của Tân Chân Phước và tình yêu thương hiền mẫu của Mẹ Maria.
Sau cùng Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người.
Trần Phúc Nhạc - Linh Tiến Khải
Nguồn: archivioradiovaticana.va (01.05.2011)
5. Bài giảng của ĐTC Bênêđictô 16 (30.3.2008)
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT LÀ NGUỒN HY VỌNG CHO NHÂN LOẠI
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ trưa Chúa Nhật 30.03.2008 được dành để suy niệm về lòng Chúa thương xót, được móc nối với cuộc đời của đức Gioan Phaolô II nhân dịp kỷ niệm ba năm qua đời, vào thứ bảy áp lễ kính Lòng Chúa Thương xót.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.
Anh chị em thân mến
Trong Năm Thánh 2000, vị Tôi tớ Chúa đáng mến Gioan Phaolô II đã ấn định rằng trong toàn thể Hội thánh, chúa nhựt sau lễ Phục sinh, ngoài danh hiệu Chúa nhựt Áo trắng, sẽ còn được đặt tên là Chúa nhựt kính Lòng Chúa Thương xót. Điều này đã xảy ra trùng với lễ phong thánh cho chị Faustina Kowalska, một nữ tu khiêm tốn người Ba lan, sinh năm 1903 và qua đời năm 1938, một người nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu Thương xót.
Thực ra lòng thương xót là cốt lõi của sứ điệp Tin mừng, và chính là danh tính của Thiên Chúa, dung mạo đã được mặc khải trong Cựu ước và một cách sung mãn ở nơi đức Giêsu Kitô, là Tình thương tạo dựng và cứu chuộc nhập thể.
Lòng thương xót của Chúa cũng làm sáng tỏ dung mạo của Hội thánh, và được biểu lộ qua các bí tích, cách riêng là bí tích Hoà giải, cũng như qua các hoạt động bác ái, tập thể hay cá nhân. Tất cả những gì mà Hội thánh nói và thực hiện, đều nhằm bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Mỗi khi Hội thánh nhắc nhớ một chân lý đã bị bỏ sót hay một điều tốt đã bị méo mó, thì Hội thánh làm do lòng thương xót thúc đẩy, ngõ hầu nhân loại được sống và sống dồi dào (xc Ga 10,10). Do lòng thương xót của Thiên Chúa mang lại bình an cho tâm hồn, phát sinh bình an chân chính trên thế giới, bình an giữa các dân tộc, văn hoá, tôn giáo.
Cũng như chị Faustina, đức Gioan Phaolô II đã trở thành một tông đồ của Lòng Chúa Thương xót. Vào buổi tối ngày thứ bảy, mồng 2 tháng 4 năm 2005, Người nhắm mắt lìa trần vào ngày áp chúa nhựt kính Lòng Chúa Thương xót, và nhiều người đã nhận ra sự trùng hợp đặc biệt đó, liên kết chiều kích Thánh mẫu, ngày thứ 7 đầu tháng, với Lòng Chúa Thương xót. Thực vậy, đây là trung tâm của triều đại giáo hoàng lâu dài của Người: trót sứ mạng của Người để phục vụ chân lý về Thiên Chúa và về con người, về hoà bình trên thế giới được tóm lại trong lời loan báo lòng Chúa thương xót, như Người đã có lần nói tại Cracovia-Lagiewniki năm 2003 vào dịp khánh thành thánh điện kính Lòng Chúa Thương xót: “ngoài lòng Chúa Thương xót ra, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại”.
Như vậy sứ điệp của Người, cũng như của chị Faustina đã nhắc đến dung mạo của Chúa Kitô, đấng mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Dung nhan của Chúa Kitô: đó là gia sản mà Người để lại cho chúng ta, và chúng ta hoan hỉ đón nhận.
Đề tài lòng Chúa thương xót sẽ được học hỏi cách đặc biệt trong những ngày sắp tới, nhân dịp Hội nghị thế giới lần thứ nhất về lòng Chúa Thương xót sắp diễn ra tại Rôma, và sẽ được khai mạc với Thánh lễ mà tôi sẽ chủ sự vào sáng thứ tư, mồng 2/4, giáp 3 năm ngày vị Tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II qua đời.
Chúng ta hãy đặt Hội nghị này ở dưới sự che chỏ của Đức Maria chí thánh, Mẹ của lòng thương xót, Mater Misericordiae. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ nền hoà bình thế giới, để nài xin Chúa thực hiện điều mà sức con người xem ra không thực hiện nổi, và xin Chúa khơi lên trong trái tim con người lòng can đảm đối thoại và hoà giải.
Bình Hòa
Nguồn: archivioradiovaticana.va (30.03.2008)
6. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Giữa cơn lo sợ bàng hoàng còn chưa nguôi; các cửa phòng còn đóng kín để tránh ánh mắt soi mói của người Do thái. Ðức Giêsu Phục Sinh bất ngờ hiện đến, mang theo bình an và Thần Khí của Ngài để làm cho các Tông Ðồ được vững mạnh trong niềm tin. Từ cõi chết, Ðức Giêsu đã bước vào cõi trường sinh; từ tình trạng xem như thất bại, Ðức Giêsu đã chiến thắng vẻ vang. Cùng với Ðức Giêsu, từ nay người môn đệ của Ngài luôn sống trong hân hoan, bình an vì Thầy của họ đã thắng thế gian và đưa họ vào nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ước gì lời chúc bình an của Chúa sẽ là nguồn trợ lực cho suốt cuộc đời chúng con. Chúng con chỉ có bình an thực sự khi tin tưởng phó thác vào Chúa. Nhờ đức tin, nhờ Lời Chúa soi dẫn, chúng con xác tín rằng Chúa luôn ở bên chúng con và nâng đỡ chúng con trong từng biến cố. Xin Chúa đến ngự giữa chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.
7. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Các môn đệ đang sợ hãi giam mình trong phòng kín, nhưng khi gặp thấy Chúa Giêsu phục sinh thì các ông vui mừng. Chúa Giêsu phục sinh cũng đang ở giữa chúng ta. Vậy chúng ta hãy vui mừng cùng Ngài dâng lễ tạ ơn lên Thiên Chúa là Cha toàn năng của chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúa Giêsu phục sinh là bảo đảm cho chiến thắng của sự thiện trên sự ác. Nhưng chúng ta chưa xác tín điều ấy nên chưa tích cực chiến đấu chống lại sự ác.
- Chúa Giêsu phục sinh luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Nhưng chúng ta thường quên điều đó nên sống và làm việc như không có Ngài bên cạnh.
- Chúa Giêsu phục sinh là nguồn gốc và nền tảng của vui mừng và bình an. Nhưng chúng ta thường để mình bị giao động bởi những buồn phiền lo lắng thế tục.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Cv 5,12-16)
Trích đoạn này từ sách Công vụ cho thấy hai tác động lớn của việc Chúa Giêsu phục sinh trên các tông đồ: (1) Chúa đã thông ban cho các ngài quyền năng đến nỗi có thể làm nhiều phép lạ; (2) Chúa làm cho uy tín các ngài tăng cao trước các tín hữu và cả những người lương.
2. Tin Mừng (Ga 20,19-31)
Hai lần hiện ra cách nhau 8 ngày này nhằm những mục tiêu sau:
- Chúa Giêsu nâng đức tin của các một đệ lên một bậc: từ mức độ thấp là tin dựa vào bằng chứng mà giác quan kiểm nghiệm được (câu 20 “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài”; câu 25, Tôma đòi điều kiện “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài...) lên mức độ cao là tin chỉ vì nghe bởi vì mình đã an tâm về uy tín của người nói cho mình nghe (câu 29: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”)
- Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ để rồi các ông lại ban bình an cho người khác qua việc tha tội. Sự bình an này là hoa trái của Thánh Thần, và đặt nền tảng trên việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh.
4. Bài đọc II (Kh 1,9-13.17-19)
Thị kiến đầu tiên trong sách Khải huyền:
- Hoàn cảnh của người được thấy thị kiến: Thánh Gioan Tông đồ đang sống trong cảnh gian truân vì bị bắt bớ: “Tôi cùng chia xẻ nỗi gian truân… cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Chúa Giêsu. Lúc ấy tôi đang ở đảo gọi là Pátmô vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Chúa Giêsu”.
- Thị kiến nhằm an ủi và khích lệ kẻ đang bị bắt bớ: “Đừng sợ… Ta là Đấng hằng sống. Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ”
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Đấng chữa lành vẫn còn mang thương tích
Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh vẫn còn mang những thương tích của cuộc thụ nạn. Điều này có ý nghĩa gì ? Câu chuyện sau đây có thể cung cấp vài tiêu điểm giúp chúng ta tìm hiểu.
Chuyện kể về một góa phụ lao động ở thành phố New York. Trong khoảng thời gian 6 năm, bà đã chứng kiến cảnh 3 đứa con của mình bị bắn chết, đứa nhỏ nhất bị bắn ngay trước cửa nhà bà. Những cảnh ấy đã để lại một vết thương sâu đậm trong lòng bà, và vết thương ấy cứ như sống lại làm bà nhức nhối mỗi lần bà nghe tin có một ai đó bị giết chết. Tuy nhiên bà không để mình bị trói buộc trong nỗi sợ hãi. Trái lại bà tìm cách đến với người khác. Bà đi diễn thuyết khắp nơi và trở thành một nhà hùng biện tranh đấu cho việc kiểm soát vũ khí. Bà lập một hiệp hội gồm những phụ nữ cùng hoàn cảnh với Bà. Mỗi khi có một đứa con bị giết chết, bà đến thăm và an ủi cha mẹ chúng. Bà cho biết ban đầu bà ước sao cho những đứa trẻ vô tội ấy đừng sinh ra còn hơn. Nhưng bây giờ thì bà nói: “Hẳn nhiên trong cái chết của chúng có một nỗi buồn phiền, thế nhưng cũng có một niềm vui không thể tin được. Nếu tôi đã không có 3 đứa con bị giết thì tôi đã không là một con người như hôm nay. Chúng giúp tôi mạnh mẽ, chúng giúp tôi sống không ích kỷ”. Khung cửa nhà bà vẫn còn lại những vết đạn đã bắn chết đứa con út của bà. Tuy nhiên bà không cho sửa lại khung cửa ấy. Tại sao ? Bà nói “Tôi muốn những lỗ đạn ấy còn mãi ở đấy để nhắc cho mọi người nhớ là có người đã bị giết chết ngay chỗ ấy. Nếu sửa lại thì người ta sẽ quên”.
“Khi sửa lại thì người ta sẽ quên”. Có lẽ đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phục sinh vẫn giữ lại những vết thương của cuộc chịu nạn. Trước hết, những vết thương ấy giúp các môn đệ nhận ra Ngài: Đấng hôm nay chiến thắng sự dữ vẫn là một với Đấng hôm trước đã chịu nạn chịu chết để nhờ đó Thiên Chúa chiến thắng cái chết. Thứ hai, những vết thương ấy là bằng chứng tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu không chỉ nói suông về tình yêu, Ngài đã chịu đau khổ để làm chứng cho tình yêu. Đó là những thương tích mà Người mục tử chịu đựng để bảo vệ đàn chiên yêu quý của mình.
Chúa Giêsu không dấu những thương tích. Ngài cho Tôma thấy và mời ông chạm vào. Khi Tôma chạm vào đấy, nỗi hoài nghi của ông tan biến và đức tin của ông sống lại.
Những thương tích thánh thiện của Chúa Giêsu là nguồn an ủi, nguồn can đảm và nguồn hy vọng của chúng ta. Chúng giúp ta chịu đựng đến cùng những thương tích của chúng ta. Chúng bảo ta đừng sống ích kỷ. Nhờ những thương tích của Ngài, chúng ta được chữa lành khỏi chứng bệnh tự thương xót mình và mặc cảm là nạn nhân.
Người ta có khuynh hướng che dấu những thương tích vì nghĩ rằng người khác mà thấy được sự yếu ớt của mình thì sẽ không còn kính trọng mình. Tuy nhiên những kẻ dám cho người khác biết những cuộc chiến đấu của mình thì sẽ là một nguồn an ủi cho người khác. (FM)
2. Tần số tình yêu
Người Cha dắt đứa con nhỏ đi dạo ngang qua một đài phát thanh của thành phố. Đứa bé chỉ ngọn tháp cao vút hỏi người cha:
- Ba ơi! Cái tháp đó để làm gì vậy ?
Người cha giải thích:
- Con ạ! Đó là ăng-ten của đài phát thanh, hàng giây hàng phút nó phát đi những tin tức, âm nhạc và các chương trình hữu ích cho đại chúng.
- Nhưng thưa ba, con có nghe thấy gì đâu!
- Muốn nghe được những thông tin và các chương trình bổ ích đó, con chỉ cần có một cái máy thu thanh thật tốt, mở đúng tần số là con sẽ nghe rõ ràng, như cha con mình đang nói chuyện với nhau đây!
* Chiều Phục Sinh đầu tiên, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, vắng mặt Tôma, một con người thực tế, muốn kiểm chứng bằng mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì mới tin. Tám ngày sau, Đấng Phục Sinh lại hiện ra với các ông, có cả Tôma. Người gọi đích danh ông: “Tôma, hãy nhìn xem tay Thầy, hãy đặt ngón tay vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Ông chỉ còn biết run sợ mà thưa với Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
Tại sao Gioan chỉ cần nhìn thấy ngôi mộ trống và tấm khăn liệm xếp gọn gàng là ông đã tin Thầy sống lại, còn Tôma đã được các môn đệ làm chứng Thầy đã phục sinh mà ông lại không tin. Vậy điều khác nhau cơ bản giữa Gioan và Tôma chính là chiếc máy thu thanh của Tôma không mở đúng tần số. Đó là tần số tình yêu, tần số của con tim. Tôma đòi phải xỏ tay vào lỗ đinh ở chân tay Thầy ông mới tin; còn Gioan, không cần thấy Thầy bằng con mắt thịt nhưng bằng con mắt đức tin, con mắt tình yêu. Chính tình yêu đã khiến Gioan chạy đến mộ Thầy nhanh hơn Phêrô, chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra Thầy đầu tiên trên bờ biển Galilê, chính tình yêu đã làm cho ông trở nên “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (Ga 21,7).
Tại sao Phêrô và Gioan đều thấy ngôi mộ trống và khăn liệm, mà Phêrô thì “rất đỗi ngạc nhiên” còn Gioan thì “ông đã thấy và ông đã tin” ? (Ga 20,8). Vì thế, Phêrô phải cố gắng vượt qua những dấu chỉ khả giác để đến với niềm tin, và Tôma cũng phải vượt qua cái nhìn của giác quan để đến với cái thấy của đức tin. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Đó cũng chính là phần thưởng của đức tin.
Sở dĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự phục sinh, là vì ông đã nhớ lại lời Kinh Thánh: “Ngày thứ ba, (Người) sẽ cho chúng ta chỗi dậy” (Hs 6,2) và phép lạ “ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Ga 2,1). Vâng, chính Kinh Thánh sẽ soi sáng, hướng dẫn chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.
Niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta hôm nay không phải là một niềm tin mơ hồ, mà là một niềm xác tín vào lời chứng chắc chắn của các Tông đồ qua Kinh Thánh. Trong bài giảng đầu tiên của ngày lễ Ngũ Tuần; Phêrô đứng chung vớt mười một Tông đồ lớn tiếng tuyên bố rằng: “Chính Chúa Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều nầy, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32). Vâng, chính sự phục sinh của Chúa Giêsu đã bảo đảm cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Nếu Đức Ki tô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của mình” (1Cr 15,17).
3. Bình an
Sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào các ông “Bình an cho các con”. Đây là lời chào thông thường của người Do thái “Shalom”. Giáo hội cũng bắt chước lối chào đó, trong Thánh lễ, Chủ tế chào giáo dân “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, và giáo dân chào lại “Và ở cùng Cha”, nghĩa là “Và cũng xin bình an của Chúa hằng ở cùng Cha”. Xét ra lời chào này hơi lạ so với những kiểu chào mà chúng ta quen biết, nhưng có ý nghĩa nhiều hơn. Quả thực. Bình an là điều quý nhất mà chúng ta cần có và cũng là điều tốt nhất mà chúng ta cầu chúc cho nhau. Nhưng bình an là gì mà quý như vậy ? và làm thế nào để có được bình an ? Đó là điều mà chúng ta sẽ đưa vào bài Tin Mừng hôm nay để tìm hiểu.
Khi ấy các môn đệ đang sợ: Thầy đã bị bắt và bị giết chết rồi. Rất có thể tới phiên các ông cũng sẽ bị bắt và bị giết như vậy. Cho nên họ sợ, và họ trốn trong nhà đóng kín cửa lại. Rồi Chúa Giêsu hiện đến ở với họ, trò chuyện với họ, cho họ xem các vết thương, ăn uống với họ, khích lệ họ… Thế là họ không còn sợ nữa. Họ được bình an. Nhưng do đâu mà họ được bình an ? Có phải là vì nguy hiểm đã qua đi rồi chăng ? Thưa không, nguy hiểm vẫn còn đó, kẻ thù vẫn còn vẫn đang tìm cách hãm hại các ông. Nhưng nay họ không sợ nữa là vì họ biết đã có Chúa ở bên cạnh họ. Có Chúa bên cạnh thì mọi nguy hiểm không còn làm họ nao núng nữa. Thực ra họ chưa hoàn toàn bình an đâu. Sau khi Chúa Giêsu biến đi thì họ lại sợ, lại đóng cửa trốn. Có lần họ cũng đánh bạo cùng nhau đi đánh cá. Nhưng mới thấy có một cái bóng đen tiến đến là họ lại sợ, họ tưởng là ma. Và khi biết đó là Chúa thì họ lại hết sợ. Mãi tới khi Chúa Giêsu nói với họ trước khi về trời rằng: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, thì họ mới hết sợ hoàn toàn, họ mới hoàn toàn được bình an. Kể từ đó trở đi, các môn đệ mạnh dạn ra đi rao giảng. Người ta bắt, họ cũng không sợ, người ta tra tấn, họ không sợ mà còn vui mừng vì được chịu khổ vì Thầy; người ta xử tử, họ vẫn bình an vui sướng vì được giống như Thầy.
Như vậy, Bình an tức là một sức mạnh, một nơi nương tựa, một nguồn an ủi khiến ta không nao núng sợ sệt dù phải đứng trước bất cứ gian truân nguy hiểm nào. Bình an ấy có được khi ta ý thức có Chúa vẫn ở bên cạnh mình.
Giống như một em bé. Em đang chơi vui vẻ thì trời đổ mưa lớn. Sấm chớp ầm ầm, em hoảng sợ khóc thật lâu. Nhưng mẹ em đã đến, bế em vào lòng, em cuộn mình trong lòng mẹ và ngủ thiếp đi. Sau đó dù mưa vẫn cứ rơi, sấm chớp vẫn cứ ầm ầm, nhưng em vẫn ngủ yên vì em đang ở trong vòng tay che chở của mẹ. Đó là một hình ảnh rất đẹp giúp ta hiểu thế nào là sự bình an.
Phần chúng ta, nếu chúng ta luôn ý thức có Chúa ở bên cạnh mình, và ta luôn nương tựa vào Chúa như em bé nương tựa vào mẹ nó thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.
Có một gia đình nọ, nhà nghèo, lao động thật là vất vả, tính toán làm ăn rất là lo âu. Nhưng chiều về, vợ chồng con cái đều quây quần trước bàn thờ gia đình và cùng đọc kinh tối chung. Họ dâng lên Chúa những lao nhọc trong ngày, họ xin Chúa thứ tha những vấp váp lỗi lầm đã phạm, họ phó dâng cuộc sống cùng tất cả mọi âu lo cho Chúa. Sau đó họ lên giường ngủ. Bình an! Biết bao gia đình khác cũng lao động vất vả như họ, cũng lo âu toan tính như họ, nhưng các gia đình đó không có được một giấc ngủ bình an. Chỗ khác nhau là một bên có Chúa và biết sống với Chúa, còn một bên thì không.
Hay như một cụ già kia đang hấp hối, cái chết gần kề mà vẫn bình thản sẵn sàng buông tay nhắm mắt ra đi không hề sợ sệt, vì cụ già ấy biết rằng mình ra đi là ra đi trong tay Chúa. Trong khi có biết bao nhiêu người khác đối diện với cái chết mà lòng hoang mang sợ hãi, họ sợ không dám ra đi, vì họ không biết đi về đâu, họ không có Chúa cùng đi với họ.
Kinh nghiệm mà các môn đệ đã trải qua là một bài học quý giá cho chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu bị quân thù bắt giết đi, các ông đã sợ hãi trốn kín trong phòng đóng cửa lại, sợ vì cảm thấy cô thế không có Thầy nâng đỡ. Nhiều lần chúng ta gặp cảnh túng thiếu, gian truân, hiểm nguy, chúng ta cũng sợ hãi như thế, chúng ta muốn rút lui trốn tránh, chúng ta muốn ngã lòng, là vì chúng ta không có Chúa ở với mình. Nhưng khi các môn đệ đã biết có Chúa ở bên cạnh họ, cho dù Chúa chỉ hiện diện một cách vô hình sau khi Chúa đã về trời, các ông không còn sợ nữa mà lòng luôn bình an dù phải đối diện với bất cứ hiểm nguy nào. Thì chúng ta cũng thế: Chúa hằng ở bên cạnh chúng ta nếu chúng ta ý thức được điều đó, nếu chúng ta biết tin yêu phó thác vào Chúa và làm việc gì chúng ta cũng nghĩ là có Chúa cùng làm với chúng ta thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.
Nguyện chúc bình an của Chúa hằng ở cùng chúng ta luôn mãi. Amen.
4. Bài học từ Tôma
Thật là sai lầm khi tưởng rằng tin là chuyện dễ dàng đối với những kẻ may mắn được thấy Chúa Giêsu hơn là đối với chúng ta ngày nay. Tin Mừng đã cho thấy có nhiều người đã được thấy Chúa Giêsu nhưng họ vẫn không tin. Vậy “thấy” không nhất thiết sẽ dẫn tới “tin”. Muốn tin thì phải có một quyết định.
Thực thế, các sách Tin Mừng đã kể rằng ngay cả các tông đồ mà cũng gặp khó khăn trong việc tin. Tôma không phải là người duy nhất đã hồ nghi về việc Chúa Giêsu sống lại, mọi tông đồ khác cũng thế. Tin Mừng Thánh Mác cô kể rằng khi Chúa Giêsu hiện ra với họ vào buổi chiều ngày phục sinh thì Ngài đã “trách họ vì sự không tin và cứng lòng bởi họ đã không tin theo lời của những người đã từng thấy Ngài sau khi Ngài sống lại” (Mc 16,14)
Chúng ta có thể thông cảm với các tông đồ. Việc Chúa Giêsu bị đóng đinh quả là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt họ. Họ đã đầu tư rất nhiều vào Ngài. Họ đã bỏ nghề nghiệp và bỏ hết mọi sự để theo Ngài. Rồi bỗng nhiên Ngài bị giết chết. Thực tế về cái chết của Ngài càng rõ ràng bao nhiêu thì họ càng cảm thấy mất mát bấy nhiêu. Giá trị và ý nghĩa của mọi thứ đều bị đe dọa: tình thân với Ngài, niềm tin vào Ngài, và cả cuộc đời của họ nữa.
Đang lúc đó thì một chuyện không thể tin được xảy ra: đột nhiên họ nhìn thấy Ngài đang đứng ở giữa họ. Việc đầu tiên Ngài làm là chỉ cho họ thấy các vết thương của Ngài. Tại sao Ngài làm thế ? Thứ nhất là vì những vết thương ấy giúp họ nhận dạng được Ngài, xác định Ngài vẫn là người trước đó đã bị đóng đinh. Thứ hai là những thương ấy là bằng chứng rằng Ngài yêu thương họ, một tình yêu chứng tỏ bằng hành động. Kế đó Chúa Giêsu mời họ hãy xem và hãy sờ vào những vết thương ấy.
Thái độ của Tôma rất đáng làm gương cho chúng ta. Đó là một thái độ thẳng thắn vì không dấu diếm nỗi hồ nghi của mình. Hồ nghi thường là dấu chỉ của sự yếu kém. Khi chúng ta hồ nghi ai thì đồng thời chúng ta cảm thấy như mình có lỗi với người ấy. Tuy nhiên hồ nghi cũng có thể là một bước khởi đầu tốt, dẫn tới một sự hiểu rõ hơn và sâu hơn. Đây là trường hợp của Tôma: nhờ hồ nghi nên sau đó Tôma đã đạt tới một lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong sách Tin Mừng “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.
Ở thế gian này, chẳng có gì là tuyệt đối chắc chắn về những sự thiêng liêng, vì nếu có thì đâu cần tới đức tin nữa. Những sự tuyệt đối chắc chắn có thể dẫn tới thái độ ngạo mạn, bất khoan dung và ngu xuẩn. “Người có đức tin mà không bao giờ cảm thấy hồ nghi thì thực ra không phải là người có đức tin” (Thomas Merton)
Mỗi cộng đoàn đều cần có một con người như Tôma, tức là con người dám đặt ra những câu hỏi mà không ái khác dám đặt ra. Người như thế là người đáng tin, người như thế còn giúp những khác trở thành những kẻ đáng tin, bởi vì người như thế giúp cho những người đang tin nhận ra đức tin của họ còn yếu kém lắm, và đồng thời cũng làm cho những kẻ hồ nghi cảm nhận được nỗi ray rứt khi không có niềm tin.
Sau khi vượt qua cơn khủng hoảng đức tin, Tôma đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu và trở thành một trong những vị thừa sai vĩ đại nhất của Giáo Hội sơ khai. Theo thánh truyền, ngài đã mang Tin Mừng đến các xứ Ba Tư, Syria và Ấn Độ, nơi ngài chịu tử đạo. Tôma là vị tông đồ đầu tiên chết vì đức tin.
Chúa Giêsu mời chúng ta đến gần Ngài trong đức tin và chạm vào các vết thương của Ngài. Mặc dù chúng ta không thể chạm tới Ngài một cách thể lý, nhưng chúng ta có thể đến gần Ngài một cách thiêng liêng. Chúa Giêsu cũng mời chúng ta làm chứng cho Ngài trước mặt những người khác. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho Chúa Giêsu trở thành hữu hình trong thế giới hôm nay. Đó cũng là nhiệm vụ của các tông đồ ngày xưa. Ngày xưa khi các tông đồ đã nhìn thấy Chúa rồi thì các ông cảm thấy được thúc đẩy phải làm cho nhiều người khác cũng biết và tin vào Ngài.
Thế giới hôm nay đầy dẫy những hoài nghi và những người không tin. Cách duy nhất khiến họ tin là làm sao cho họ “thấy” được Ngài, “chạm” được Ngài nơi những môn đệ của Ngài. Thế nhưng, nếu các môn đệ của Chúa Giêsu không có những vết thương để chỉ cho người ta thấy và cho người ta chạm vào thì làm sao mà người ta tin được!
Ước gì chúng ta được ở trong số những người được Chúa Giêsu công khai chúc phúc “Phúc cho những ai tuy không thấy mà vẫn tin” (FM)
5. Khủng hoảng đức tin
Khủng hoảng đức tin là chuyện thường gặp. Tôma đã gặp, và Tolstoy cũng đã gặp, như câu chuyện sau đây:
Năm 1879, Tolstoy 51 tuổi. Khi đó ông có đầy đủ mọi lý do để thỏa mãn về đời mình. Ông đã viết nhiều tác phẩm, đặc biệt hai bộ “Chiến tranh và Hòa bình”, và “Anna Kerenina”. Những tác phẩm ấy đã khiến ông nổi tiếng và bảo đảm cho ông một vị trí nổi bật trong lịch sử văn chương thế giới. Ai cũng công nhận ông là người có thiên tài và đầy óc sáng tạo. Lẽ ra Tolstoy phải rất hạnh phúc. Thế nhưng ông lại cảm thấy bất hạnh. Ông thấy đời mình thật vô nghĩa lý. Một câu hỏi luôn ám ảnh ông: “Liệu trong dời mình có cái gì có ý nghĩa mà không bị sự chết hủy diệt đi không ?”. Khoảng thời gian ấy thật khủng khiếp đối với Tolstoy, đến nỗi ông đã tính đến việc tự tử. Ông đi tìm câu trả lời trong mọi lãnh vực kiến thức loài người. Ông tìm kiếm suốt ngày suốt đêm, giống như một người sắp chết đi tìm đường sống. Nhưng tìm mãi mà ông chẳng gặp gì cả.
Thế rồi ông tìm nơi những niềm tin Kitô giáo. Thực ra ông đã được sinh ra và lớn lên trong đức tin Kitô giáo nhưng ông cũng đã bỏ nó từ lâu, lý do là ông thấy nó quá vô nghĩa trong môi miệng những người sống ngược hẳn với đức tin của họ. Tuy nhiên cũng chính đức tin ấy lại thu hút ông khi ông nhìn những tín hữu sống đức tin ấy. Ông viết: “Tôi đã nghĩ rằng chẳng có sự thật chắc chắn nào trong đời. Nhưng rồi tôi đã tìm thấy một nguồn sáng chắc chắn, ấy là Tin Mừng. Tôi đã loá mắt vì sự sáng ngời của Tin Mừng. Những lời dạy của Chúa Giêsu quả thực là một giáo huấn tinh tuyền nhất và trọn vẹn nhất cho đời sống. Từ 2000 năm nay, những lời dạy cao quý ấy đã tác động lên biết bao người một cách tuyệt vời không thể tìm được nơi bất cứ ở nào khác. Từ đó một ánh sáng đã bừng chiếu trong tôi và quanh tôi, và ánh sáng ấy không bao giờ rời xa tôi nữa”.
Có nhiều người được sinh ra trong đức tin, và trải qua bao năm tháng đức tin ấy vẫn cứ vững mạnh. Thật là một ơn ban vô cùng quý giá. Nhưng cũng có nhiều người mà đức tin luôn là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Họ phải trải qua những cơn khủng hoảng đức tin rồi mới có được một đức tin sâu sắc và xác tín.
Nói cách lý thuyết, chỉ có đức tin mới trả lời được cho những câu hỏi sâu xa về cuộc đời. Nhưng trên thực tế, chúng ta không nên hy vọng rằng đức tin sẽ giải quyết hết mọi vấn đề của chúng ta. Không phải chỉ vì chúng ta tin mà chúng ta có được mọi câu trả lời. Tuy nhiên chúng ta đâu cần biết hết mọi câu trả lời, vì tin là tín nhiệm chứ không phải là chắc chắn.
Câu chuyện của văn hào Tolstoy giúp chúng ta nhận thức rằng đức tin được chứa đựng trong một chiếc bình dễ vỡ như thế nào. Nó cũng giúp ta hiểu thêm rằng đức tin kitô giáo chủ yếu không phải là tin vào một mớ giáo điều, mà là tin vào một Đấng đã yêu thương chúng ta – những thương tích của Ngài chứng tỏ điều đó. Hơn nữa, Thánh Kinh còn cho ta biết điều quan trọng không phải là niềm tin chúng ta đặt vào Thiên Chúa mà là niềm tin mà Thiên Chúa đặt vào chúng ta. (FM)
6. Chuyện minh họa
Có một vị hoàng đế kia trị vì một đất nước giàu có hùng mạnh. Nhưng tâm hồn ông không thoải mái an vui vì ông luôn bị ray rứt bởi những tội lỗi tàn bạo đã phạm trong thời quá khứ. Một hôm ông bỏ hoàng cung đi vào rừng, cất một túp lều đơn sơ. Trong rừng có một vị ẩn sĩ. Nhà vua tìm đến và nói: “Thưa Ngài, tôi muốn từ bỏ kinh thành ồn ào náo nhiệt vào đây để tìm được một sự bình an như Ngài đang hưởng”. Ẩn sĩ đáp: “Tâu đức vua, ở đây cũng không hơn gì nơi khác, vì bình an phải ở trong lòng người”. Nhà vua trở về lều mình. Khi thì quỳ gối tha thiết đọc kinh, khi thì thơ thẩn trong rừng, chỉ ăn lương khô và uống nước lã. Chiều đến nhà vua mệt lả ngả mình xuống đất có trả một mớ là khô. Nhưng suốt đêm cứ trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau ông tìm đến vị ẩn sĩ: “Thưa ngài, lương tâm tôi cắn rứt làm tôi không ngủ được. Xin ngài nghe lời thú tội của tôi”. Ẩn sĩ đáp: “Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội thôi”. Nhà vua cãi: “Nhưng tôi không nghe được tiếng Chúa”. Ẩn sĩ trả lời: “Tiếng Chúa chỉ nghe được trong thinh lặng, mà thinh lặng chỉ có ngay trong lòng ta. Người nào chỉ biết kêu cầu than rên rỉ mãi mà không biết thinh lặng lắng nghe thì sẽ không nghe được tiếng Chúa”. Nhà vua trở về. Vài hôm sau ông đến chào vị ẩn sĩ: “Tôi đã nghe lời ngài, tôi không kêu than rên rỉ nữa mà tập thinh lặng lắng nghe, và tôi đã được nghe tiếng Chúa. Nhưng đó không như tiếng loài người, tôi chỉ nhận thấy như một cảm xúc êm dịu là lỗi lầm của tôi đã được tha thứ. Xin cám ơn ngài, hôm nay tôi sẽ trở về triều đình”.
Vài năm sau nhà vua lại trở vào rừng, và cũng tìm đến vị ẩn sĩ: “Thưa ngài không bao giờ tôi quên được tâm trạng an bình khi sống trong rừng này. Hôm nay tôi muốn trở lại đây ít lâu để cầu xin Chúa cất bớt những gánh nặng mà hằng ngày tôi phải vác”. Ẩn sĩ đáp: “Tâu Bệ Hạ, khi chúng ta phàn nàn với Chúa về các gánh nặng của mình thì cách đáp ứng tốt nhất của Chúa là không phải cất những gánh nặng đó đi, nhưng là tăng cường đôi vai của ta để ta có thể vác nổi những gánh nặng đó”. Nhà vua thắc mắc: “Nhưng làm sao biết được Chúa đang tăng cường sức mạnh cho ta ?” Ẩn sĩ: “Bao lâu ta còn dãy dụa chiến đấu thì ta chưa nhận biết được điều đó. Cần phải thinh lặng, ngưng chiến đấu mà chờ đợi sự trợ giúp của Chúa thì khi đó ta mới cảm thấy được bàn tay uy quyền của Chúa đang giúp sức cho ta”. Nhà vua cám ơn lui về. Vài ngày sau trở lại chào biệt vị ẩn sĩ: “Thưa ngài tôi đã cảm nghiệm rằng Đấng đã làm cho cỏ cây xanh tốt và nuôi nấng chim trời cũng đang dang tay tăng sức mạnh cho đôi vai tôi. Xin cám ơn ngài và chào ngài”.
Thế là nhà vua trở về triều đình. Mấy năm sau ông lâm trọng bệnh, sai người đi mời vị ẩn sĩ đến. Khi ẩn sĩ đến, nhà vua nói: “Thưa ngài đã hai lần ngài giúp tôi tìm thấy bình an. Bây giờ là lần thứ ba mà cũng là lần chót, vì tôi sắp từ giã cõi đời này”. Ẩn sĩ hỏi: “Bệ Hạ có còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp đầu tiên rời xa Bệ Hạ ?” Vua đáp: “Không bao giờ tôi quên, đó là ngày tôi biết lắng nghe tiếng Chúa trong thâm tâm”. Ân sĩ hỏi tiếp: “Bệ hạ còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp thứ hai rời xa Bệ Hạ không ?” Nhà vua đáp: “Cũng không bao giờ quên, đó là ngày tôi biết chờ đợi trong thinh lặng ơn Chúa đến tăng sức cho tôi”. Ẩn sĩ bây giờ cao giọng: “Tâu Bệ Hạ, Bệ Hạ đã được nghe tiếng Chúa, Bệ Hạ đã được thấy bàn tay Chúa tăng sức cho Bệ Hạ. Bây giờ Bệ Hạ sắp được chiêm ngưỡng Chúa”. Nhà vua sung sướng như đang mơ: “A, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Chúa. Nhưng làm sao được ?” Ẩn sĩ giải thích: “Chỉ khi ở trong yên lặng tuyệt đối, khi cái nhìn của chúng ta không còn nhìn vào cõi đời đầy những sầu thương tang tóc, không còn ngó nhìn về những tương lai với những ước mơ hay sợ sệt, không còn ngó vào bên trong mình để ngắm chính cuộc đời mình, mà chỉ nhìn về hướng duy nhất là Chúa thôi, thì khi ấy chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Chúa”. Nhà vua thì thầm: “Yên lặng tuyệt đối. Người ta có thể yên lặng tuyệt đối không ?” Ẩn sĩ đáp: “Ở đời này thì không. Nhưng trong sự chết thì được”. Nhà vua sung sướng thì thầm: “Thế thì tôi muốn chết”. Và ông sai sứ giả đi khắp nơi trong nước ra lệnh cho thần dân đừng cầu nguyện cho ông khỏi chết nữa. Còn trong phòng của nhà vua thì cả ngày hôm đó rất yên tĩnh. Khi bình minh ló rạng thì nhà vua ra đi an bình. Cái nhìn của ông như chìm vào một cõi xa xăm, một nụ cười tươi sáng rạng ngời trên gương mặt của nhà vua. Ông đã chiếm hữu được sự an bình vĩnh cửu (Vị Ẩn sĩ)
7. Thơ Tagore
“Vào hôm thần chết đến gõ cửa, anh sẽ lấy gì biếu hắn hở anh ?
Ồ, tôi sẽ đặt trước mặt khách cốc rượu đời mình tràn đầy, tôi sẽ chẳng chịu để khách ra đi tay không.
Lúc năm tháng đời tôi khép lại, khi thần chết đến gõ cửa mời đi, tôi sẽ đặt trước hắn tất cả trái nho thơm dịu của những ngày mùa thu, những đêm mùa hè, những gì kiếm được, những gì chắt chiu trong suốt cuộc đời cực nhọc.
Ôi thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối. Thần chết của ta ơi, hãy lại và thì thầm cùng ta chứ (…)
Tôi biết ngày ấy thế nào cũng đến, lúc tôi nhắm mắt thôi không nhìn trái đất này, rồi cuộc đời sẽ thầm lặng ra đi, kéo manh che kín mắt tôi lần cuối (…)
Khi tôi nghĩ đến phút giây cuối cùng ấy (…) nhờ ánh sáng lâm chung tôi thấy thế giới Ngài trần trề châu ngọc. Ở đó, chỗ nương thân tầm thường nhất cũng thú vị, ở đó cuộc đời hèn mọn nhất cũng thơm tho (…)
Tôi đã được phép giã từ. Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường!”
8. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
+++
A. DẪN NHẬP
Chính ngày Phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly để làm cho các ông tin rằng Ngài đã sống lại thật, đồng thời trao cho các ông nối tiếp sứ mạng của Ngài, và ban Thánh Thần để các ông có quyền tha tội. Nhưng trong dịp này, rất tiếc ông Tôma lại vắng mặt, có lẽ vì ông sợ quá phải tránh xa, và ông cũng không tin lời chứng của các Tông đồ kia.
Tám ngày sau, Đức Giêsu lại thương hiện ra để củng cố niềm tin cho các Tông đồ, cách riêng cho Tôma. Khi Tôma được thấy những lỗ đinh ở tay và cạnh sườn Ngài thì đã tuyên xưng đức tin một cách chân thành: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Tôma đã xem thấy nên đã tin và tuyên xưng một cách mạnh mẽ: Đức Giêsu là Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Sự hoài nghi và cứng lòng của Tôma cũng có ý nghĩa đối với chúng ta: ông không tin, rồi lại tin khi xem thấy Chúa, điều ấy nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng ta không tin vào việc Chúa sống lại qua mấy lời nói suông nhưng dựa vào một người đã tận mắt xem thấy hay thọc ngón tay vào lỗ đinh và đã tuyên xưng đức tin một cách thành thật.
Dựa vào Kinh thánh và lời chứng của các Tông đồ, chúng ta tuyên xưng Đức Kitô đã sống lại: “Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh kinh” (Kinh Tin kính) và chúng ta có bổn phận phải loan truyền cho người khác biết Chúa đã sống lại thật để nhiều người được hưởng ơn Phục sinh của Chúa, được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Cv 5,12-16
Qua trích đoạn sách Công vụ, thánh Luca mô tả cho chúng ta cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Họ thường hội họp ở hành lang Salômôn và được dân chúng ca tụng. Chúa Phục sinh ban quyền năng cho các Tông đồ làm nhiều phép lạ, đặc biệt là thánh Phêrô.
Trong khi làm phép lạ, các ông cũng nhân dịp tranh thủ rao giảng sứ điệp Phục sinh để đem nhiều người tin theo Đức Kitô. Số tín hữu mỗi ngày một tăng thêm làm thành một cộng đoàn chứng nhân của Đức Kitô Phục sinh.
Khi các Kitô hữu nhận thức được Nước Thiên Chúa đang từ từ tiến triển trong thế gian, họ sẽ khám phá ra rằng Đấng Phục sinh ngày càng hiện diện giữa nhân loại nhờ chứng tá của các Tông đồ và của họ, ngõ hầu thế giới ngày càng trở nên nơi ở tốt hơn cho mọi người.
+ Bài đọc 2: Kh 1,9-11a.12-13.17-19
Hôm ấy là một ngày Chúa nhật, tín hữu mừng biến cố Phục sinh của Chúa. Thánh Gioan, vì rao giảng Lời Chúa và lời chứng của Đức Giêsu, lúc đó đang bị lưu đày ở đảo Patmos, đã xem thấy một thị kiến vĩ đại mở màn cho sách Khải huyền. Thánh nhân đề tặng cuốn sách cho bảy Giáo hội địa phương tức là cho toàn thể Giáo hội, vì số 7 là số tròn đối với người Do thái. Nhân vật trung tâm trong thị kiến là Con Người, Đấng đã nhận quyền thống trị mọi loài mọi thời, tức là Đấng Phục sinh đã mở cửa sự sống ra cho các tín hữu.
Ngoài ra, thị kiến trong sách Khải huyền còn nhằm an ủi và khích lệ kẻ đang bị bắt bớ: “Đừng sợ… Ta là Đấng hằng sống. Ta chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ”.
+ Bài Tin mừng: Ga 20, 19-31
Đoạn kết Tin mừng của thánh Gioan (chương 21 được thêm vào sau này) là một lời mời gọi cuối cùng để hiểu đúng quy chế thực sự của đức tin. Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ nhằm hướng họ về tương lai và chứng tỏ giờ đây Ngài hiện diện bởi Thánh Thần trong sự phát triển công cuộc truyền giáo của Hội thánh.
Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các Tông đồ đã mang lại cho các ông niềm vui và bình an của ơn cứu độ mà Chúa ủy thác cho các ông nhiệm vụ loan báo cho mọi người. Việc ông Tôma kém lòng tin đã là một dịp để thánh Gioan đề cập đến điểm then chốt của Tin mừng (theo Gioan) là: mỗi người sau khi nghe các Tông đồ giảng và được ơn soi sáng bên trong, phải tự biết mình dấn thân cho lòng tin chứ không ai tìm dùm cho mình.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Phúc cho ai không thấy mà tin
I. BỐI CẢNH HAI LẦN HIỆN RA
Ngày lễ Phục sinh chúng ta chỉ đề cập đến ngôi mộ trống, việc đó chưa xác định được việc Chúa sống lại. Nhưng trong suốt tuần bát nhật này, chúng ta đề cập tới việc Đức Giêsu hiện ra nhiều lần với nhiều người, sự kiện đó chứng tỏ rằng Đức Giêsu đã sống lại thực sự hiện ra chứ không phải tà ma. Đức Kitô hiện ra với các môn đệ trao cho các ông nối tiếp sứ mạng của Ngài và ban Thánh Thần cho các ông. Mối hoài nghi của Tôma đã được giải quyết khi Đức Giêsu lại tái hiện. Sau khi được chạm tới các vết thương, Tôma liền tuyên xưng lòng tin của mình. Ông tuyên xưng như thế là người có phúc, nhưng ai không trông thấy mà tin thì có phúc hơn.
1. Hiện ra lần thứ nhất
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ ra viếng mồ Chúa và trông thấy mồ trống. Phêrô và Gioan cũng xác nhận điều ấy. Sự kiện này làm dân chúng xôn xao, nhà cầm quyền điên đầu vì khó xử, các môn đệ nửa tin nửa ngờ nên quy tụ nhau lại để bàn bạc, cầu nguyện, nhưng vì có tiếng đồn các môn đệ đã lấy trộm xác Đức Giêsu, nên các ngài sợ bị theo dõi, đã đóng kín cửa phòng họp lại.
Ngay buổi chiều hôm đó, Đức Giêsu hiện ra cùng các môn đệ đang ẩn náu trong căn phòng Tiệc ly. Họ thấy Ngài hiện diện giữa họ mà không cần mở cửa vào vì xác thân Ngài nay đã biến thành linh thiêng, nhưng để đánh tan sự hiểu lầm Ngài là hồn ma hiện về, Đức Giêsu chỉ cho các ông thấy vết thương nơi hai tay và cạnh sườn: chính thật là Chúa nay đã phục sinh.
Ngoài ra, Đức Giêsu còn hai lần chào họ bằng kiểu người Do thái chào khi gặp nhau. Những lời của Ngài khiến các Tông đồ lấy lại bình tĩnh cũng như xua tan sự xấu hổ làm nặng lòng các ông vì đã bất trung với Ngài. Các ông không còn nghi ngờ gì việc Chúa sống lại, không phải dựa vào lời chứng của ai khác mà chính Ngài hiện diện giữa các ông bằng xương bằng thịt. Nhưng rất tiếc, lúc này ông Tôma vắng mặt không biết vì lý do gì, ông được các Tông đồ kể lại cho biết Chúa đã sống lại và hiện ra với các ông. Tôma không tin mà còn thách thức: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin” (Ga 20,25).
2. Hiện ra lần thứ hai
Tám ngày sau, các môn đệ họp nhau trong nhà, có Tôma ở với các ông. Đức Giêsu lại hiện ra với các ông trong cùng một khung cảnh như lần trước, nhưng lần này có cả Tôma như là một cái cớ để Ngài hiện ra lần này.
Việc Đức Giêsu hiện ra nói lên: Ngài kiên nhẫn chấp nhận những thách thức của Tôma… Nhưng khi Ngài hiện ra, ta không thấy Tin mừng nói Tôma có xỏ ngón tay và bàn tay như ông đòi hỏi hay không? Nhưng ta hiểu là Tôma đã không kiểm nghiệm như ông đã đòi hỏi. Chỉ nguyên việc gặp gỡ và nghe lời Chúa nói đã đủ đánh động con người ấy.
Khi được trông thấy Chúa, Tôma xúc động, không dám kiểm nghiệm như mình đã đòi hỏi trước kia mà chỉ biết kêu lên với tất cả tấm lòng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Tôma là người môn đệ cuối cùng tin Chúa sống lại, nhưng lại là người đầu tiên xưng nhận thần tính của Ngài. Lời xưng nhận ấy là tuyệt điểm của lòng tin. Theo cha Garigou Lagrange, một học giả Kinh thánh nổi tiếng: đây là lần thứ nhất Đức Giêsu được gọi bằng danh hiệu “Thiên Chúa” rõ rệt. Cho nên đây là một tác động đức tin hoàn toàn và quyết liệt sau một thời gian hoài nghi và từ khước.
II. NÓI VỀ CON NGƯỜI TÔMA
1. Bản chất con người Tôma
Tôma có biệt hiệu là Điđimô có nghĩa là con sinh đôi, ông vốn là người có tính thẳng thắn, rõ ràng và thực tiễn. Ông rất nhiệt tình với Chúa, dám liều chết với Ngài. Chúng ta có thể đưa ra một vài bằng chứng:
a) Khi Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Con đường Thầy đi, sau này họ cũng sẽ đi”. Tôma liền thưa: “Nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao biết được đường lối của Thầy” (Ga 14,5).
b) Khi thấy Đức Giêsu dứt khoát muốn lên Giêrusalem bất chấp nguy hiểm, thì Tôma lại bảo anh em: “Nào cả chúng ta nữa, hãy lên Giêrusalem chịu chết với Ngài”.
c) Tôma vẫn giữ tính đó khi nghe Đức Giêsu sống lại, Tôma đã không căn cứ vào sự kiện ngôi mộ trống, những bài Thánh kinh, nhất là lời Đức Giêsu nói trước về sự sống lại. Ngay cả việc Ngài hiện ra với các môn đệ khác vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nhưng Tôma đòi những điều kiện khả giác chắc chắn là: nhìn thấy vết đinh, thọc ngón tay vào lỗ đinh.
2. Con người hoài nghi và thực tiễn
Qua câu chuyện Tin mừng kể lại, có người coi ông Tôma là “bổn mạng” của các kẻ hoài nghi, cứng lòng, hoặc như “ông tổ” của phái duy lý, duy thực nghiệm. Nghĩ như thế thì hơi quá đáng và bất công. Phải chăng sau này triết gia Descartes, ông tổ của phái hoài nghi, đã lấy hoài nghi làm phương pháp luận để đề ra “Hoài nghi có phương pháp” (doute méthodique) để làm nền tảng cho triết thuyết của ông?
Trường hợp của Tôma đặc biệt soi sáng chúng ta. Ông đã chứng tỏ một sự chân thành thật thú vị. Ông không hề cố gắng che đậy những nghi ngờ của mình. Người ta thường nhìn sự hoài nghi như là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng ta thường hay mặc cảm tội lỗi, vì đã có những hoài nghi. Nhưng hoài nghi có thể là một điểm nói lên sự đang phát triển, là một hòn đá bước lên để đi vào sự hiểu biết sâu xa hơn. Đây là điều chắc chắn đối với Tôma, bởi vì theo Tin mừng của thánh Gioan, ông đã tiến tới việc diễn tả lời tuyên xưng cao cả nhất về lòng tin nơi Đức Giêsu: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (McCarthy).
Ở đây, trên trái đất này, người ta không thể tuyệt đối biết chắc chắn về những điều thiêng liêng. Nếu biết chắc chắn, thì không cần đến lòng tin nữa. Sự tuyệt đối chắc chắn có thể đưa dẫn đến thói kiêu ngạo, không khoan dung và sự ngu xuẩn. “Kẻ tin nào không bao giờ tỏ ra hoài nghi, thì không phải là kẻ tin nữa” (Thomas Merton).
Trên thực tế, Tin mừng còn cho thấy rằng ngay cả các Tông đồ mà còn có vấn đề về lòng tin. Tôma không phải là người tông đồ duy nhất nghi ngờ về sự sống lại. Tất cả các Tông đồ đều như vậy cả. Thánh Marcô kể cho chúng ta nghe rằng khi Đức Giêsu hiện ra với họ vào buổi tối Phục sinh: “Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Ngài, sau khi Ngài trỗi dậy” (Mc 16,14).
3. Một nhà truyền giáo vĩ đại
Ông Tôma cũng như mọi người đều cần có ơn Chúa để tin, nhưng ông đã nhận được một bằng chứng đặc biệt; niềm tin của ông sẽ được phúc hơn, nếu chấp nhận bằng chứng của các Tông đồ. Các chân lý mạc khải thường được chuyển trao qua lời rao giảng, qua chứng từ của các vị được Đức Kitô sai đi với quyền năng của Chúa Thánh Thần, để rao giảng kho tàng đức tin: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17).
Tôma, sau khi chế ngự được khủng hoảng, đã tiếp tục can đảm làm chứng cho Đức Kitô, và trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo hội tiên khởi. Theo truyền thống, ngài đem Tin mừng đến tận Ba tư, Syria và Ấn độ, là nơi ngài chịu tử đạo. Tôma là người tông đồ đầu tiên chịu chết vì đức tin.
III. PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
1. Tin và không tin
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng như các Tông đồ, mọi người nghe tin hoặc tai nghe mắt thấy mà có cái tin, có cái không tin. Riêng việc Đức Giêsu sống lại, mặc dầu các Tông đồ đã nghe tin, đã thấy mà cũng chưa tin (Mc 16,11; Lc 24,11). Ngay việc Ngài đích thân hiện đến mà họ vẫn tưởng là ma. Ngài phải cho các ông sờ chân tay và cạnh sườn Ngài, các ông vẫn chưa tin, Ngài mới hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không? Các ông đưa cho Ngài một mẩu cá nướng, Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 20,40-43), qua một số sự việc sờ sờ ra trước mắt, các ông mới tin.
Đức Giêsu cố gắng mở mắt cho các ông, mà không đe doạ hoặc ép buộc ai cả. Ngài chỉ mời gọi, mong muốn họ tự nguyện tin theo bằng tất cả sự sáng suốt của họ. Tại sao các ông cứng lòng đến nỗi Chúa phải làm đủ cách, các ông mới tin? Thưa:
- Thứ nhất, vì cả loài người có ai chết mà tự mình sống lại đâu! Các ông đã biết: Dầu là tổ phụ như Abraham, Giacóp, Giuse, vĩ đại như Maisen, Đavít, Salomôn và các tiên tri làm nhiều phép lạ như Elia, Ezêkiên… vẫn phải chết.
- Thứ đến, gần ba năm các ông theo Thầy hình như chỉ mong được địa vị danh vọng quyền bính, chỉ mong Thầy lên Giêrusalem để cai trị Israel, nhưng Thầy lại chịu chết. Ngay cả khi Thầy sắp sống lại, sắp về trời, các ông còn hỏi: “Phải chăng đã đến lúc Thầy phải khôi phục vương quốc Israel” (Cv 1,6). Cho nên, dầu Thầy đã ba lần báo trước: “Con người phải chịu nhiều đau khổ… bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 20,17-18. Mc 10,33-34), các ông vẫn mơ ước có ngày được vinh quang trần thế. Những tham vọng phàm tục đó đã che mắt đức tin của các ông.
Trong đời sống hằng ngày có kẻ chỉ nghe mà tin, có kẻ phải mắt thấy tai nghe mới tin như các thánh nữ, có người đòi chứng nghiệm, thử nghiệm rồi mới tin, như các nhà khoa học phải thí nghiệm đúng mới công nhận. Phải chăng các môn đệ thuộc hạng các nhà khoa học?
Ngoài ra, chúng ta thấy có những người không tin gì, cả khi họ “chưa thấy” và “chưa hiểu” được cả về phương diện thiêng liêng. Họ là những người kiêu căng, họ cho là họ có thể hiểu được tất cả, cái gì họ không hiểu được là không có. Họ nghĩ rằng mình có thể thấu hiểu mọi vấn đề, kể cả những điều thực sự vượt quá trí hiểu của mình, và cho tin như vậy là làm nhụt trí khôn đi. Họ đã quên rằng không phải những điều xa lạ mà họ không hiểu, nhưng chính những điều trước mắt mà họ cũng không hiểu nổi.
Truyện: Hậu sinh khả úy
Hồi Khổng Tử còn sống, chính ông đã được nếm bài học này: Hôm ấy ông cưỡi xe đi dạo, dọc đường ông gặp một em bé đang ngồi nghịch, lấy đất xây thành. Khổng Tử làm hiệu cho em bé tránh lối, nhưng em trợn mắt hỏi:
- Xe tránh thành hay thành tránh xe?
Nghe câu hỏi hóc búa, Khổng Tử vội vã trụt xuống đấu dịu để vượt qua, nhưng em bé không nghe mà còn hỏi một câu khác nếu thưa được sẽ cho đi. Câu ấy như sau:
Thiên thượng linh linh hữu kỷ tinh. Địa hạ lục lục hữu kỷ ốc?
(Trời chi chít bao nhiêu ngôi sao, Dưới đất san sát có bao nóc nhà?)
Khổng Tử bối rối. Ông hạ giọng:
- Con hỏi ông những sự trước mắt, ông có thể thưa, nhưng với những sự trên trời dưới đất thì ông chịu.
Em bé hỏi luôn:
- Mục trung hữu kỷ mao? (Trước mắt thầy có mấy cái lông?)
Khổng Tử chịu và vội vã bước lên xe quay trở lại, miệng lẩm bẩm câu: “Hậu sinh khả úy” (rất đáng sợ người sinh sau đẻ muộn).
Cũng có những người biết rõ có Chúa – có thưởng có phạt, nhưng họ không muốn tin tại vì tin có Chúa phải thờ Chúa – và tin có thưởng có phạt thì phải lo làm lành lánh dữ, đang khi mình làm điều dữ. Phải nói rằng những người này chỉ tin có Chúa khi cần phải tin – tin để có lợi cho họ.
Truyện: Người ta chỉ vô thần khi bình an thôi
Hôm ấy trên con tàu lênh đênh giữa biển, hành khách truyện vãn với nhau, trong đó có bàn về Thiên Chúa. Trong số những người có mặt, có một người vô thần. Ông này tìm mọi lẽ bác bỏ Thiên Chúa. Lời ông nói, lý ông đưa ra khá mạnh, khiến một số thính giả xiêu lòng. Câu chuyện đường đi thì thình lình có cơn bão lớn khiến con tàu muốn đắm.
Người ta thấy mất ông vô thần. Họ bảo nhau đi kiếm thì thấy ông đương quỳ cầu nguyện trong phòng rửa mặt.
Một người hỏi khích ông:
- Ông cầu nguyện với ai? Ông là người vô thần cơ mà?
Ông khiêm nhường đáp:
- Người ta chỉ vô thần khi bình an thôi.
3. Tin trong gian lao thử thách
Đức Maria đã bị thử thách: làm sao sinh con mà vẫn còn đồng trinh? Hoặc biết ăn nói làm sao với thánh Giuse về cái bào thai trong bụng? Và còn nhiều thử thách trong suốt cuộc đời? Đức Maria chỉ biết thực hành câu “Xin vâng”. Lời xin vâng được thực hành với tất cả niềm tin và lòng yêu mến. Chính tình yêu hỗ trợ cho niềm tin. Thánh Augustinô đã nói lên ý tưởng đó khi ngài nói: “Ama et fac quod vis”: hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.
Truyện: Tình yêu hỗ trợ
Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu:
- Em có bằng lòng lấy anh không?
- Bằng lòng.
- Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thế thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế?
- Vì em yêu anh. Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin (Góp nhặt).
Đức Giêsu sống lại đã làm cho các môn đệ tin tưởng, một niềm tin vững chắc ngay trong những gian nan thử thách, không gì có thể làm cho họ nhụt chí.
Blaise Pascal, vị thiên tài toán học, được hấp dẫn đến với đức tin khi ông suy niệm về sự kiện không có sự đe doạ giết chóc nào có thể ngăn cản các môn đệ Đức Giêsu nói thật to cho thế giới biết rằng Ngài đã sống lại. Pascal nói rằng ông tin chắc chắn vào kẻ nào dám sẵn sàng chịu “cắt cổ” vì lời rao giảng của chính mình.
Truyện: Trên bờ sông Kwai
Những tù nhân trên bờ sông Kwai được lôi cuốn đến với đức tin qua cảm nhận riêng tư về quyền năng Chúa Giêsu đang hoạt động trong cuộc sống của họ. Chúng ta hãy nhớ lại đám tù binh này từng bị lao động đầu trần chân đất dưới cơn nóng cháy da miền nhiệt đới. Trong chỉ vài tuần lễ, từ những người đàn ông lực lưỡng, họ đã biến thành bộ xương biết đi. Tinh thần họ xuống đến mức tệ nhất. Người ta lo sợ sắp có điều gì xảy ra. Thế nhưng vào ngay thời điểm ấy, hai tù nhân đã đứng lên tổ chức đám tù còn lại thành những nhóm tìm hiểu Kinh thánh, các tù nhân đã học biết rằng Chúa Giêsu Phục sinh đang ở giữa họ. Họ chỉ việc tiếp xúc với Ngài. Và sau khi tiếp xúc với Ngài, đám tù đã được biến đổi một cách kỳ diệu trong cuộc sống từng người. Chính cảm nghiệm thiêng liêng này khiến họ quỳ gối xuống thưa cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con” (Mark Link).
4. Lời Chúa với chúng ta hôm nay
Sau khi Tôma đã thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”, thì Ngài đã nói với ông: “Vì đã trông thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay người không thấy mà tin”. Nói điều ấy Chúa có ý nhằm đến chúng ta hôm nay và muôn thế hệ nữa, là những người không được đặc ân nghe tiếng Ngài, đụng chạm đến thân xác thánh thiện của Ngài. Chúng ta tin theo bằng chứng của các Tông đồ và lời giảng dạy của Hội thánh.
Phải chăng chúng ta mỗi người đều là Tôma? Chúng ta cũng cứng lòng như Tôma trong những cơn gian nan thử thách? Nhưng Tôma sau khi đã cảm nghiệm về Chúa Phục sinh, ông đã tin, một niềm tin sâu xa và vững mạnh nhất: Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chúng ta chỉ được vững mạnh về đức tin khi chúng ta có cảm nghiệm về niềm tin đó. Chúng ta tin vào tình thương Chúa khi chúng ta có cảm nghiệm bằng cách đón nhận tình thương của Chúa trong cuộc sống của mình.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta tiếp cận với Ngài trong lòng tin, và vào những vết thương của Ngài. Mặc dầu chúng ta không được đụng chạm vào Ngài về mặt thể lý, nhưng chúng ta có thể tiến lại gần Ngài về mặt thiêng liêng. Và chúng ta cũng được kêu gọi mang lời chứng đến cho những người khác. Công việc của chúng ta là làm cho Đức Giêsu trở thành “nhìn thấy được” trên thế giới. Các môn đệ đầu tiên đã làm theo cách này. Một khi đã được nhìn thấy Đức Kitô, họ cảm thấy bắt buộc phải làm cho người khác nhận biết Ngài.
Thế giới ngày nay đầy rẫy những kẻ hoài nghi và không tin tưởng. Cách thức duy nhất khiến cho họ được biến đổi trong lòng tin, đó là làm như thể họ “nhìn thấy” Đức Giêsu và “đụng chạm” vào Ngài thông qua những kẻ đi theo Ngài. Nhưng những kẻ đi theo Ngài lại không hề có vết thương tình yêu để bày tỏ ra cho họ, vì thế, chưa chắc có thể thuyết phục được những kẻ không tin (Flor McCarthy).
Chúng ta có thể kết luận: Việc Tôma không tin lúc đầu là một bảo đảm cho lòng tin của chúng ta thêm vững chắc, vì niềm tin Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời nói suông, nhưng được xây dựng trên đức tin của một người thực tế, bình dân, đã nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay vào thân xác sống lại của Chúa.
Do đó, cùng với thánh Grêgôriô chúng ta có thể nói: “Ngón tay đa nghi của Tôma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới; bàn tay đa nghi của Tôma đã dạy cho mọi người một sự thật rất chắc chắn, đó là thân xác Đức Giêsu Kitô đã phục sinh”.
9. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
KHÔNG Ở VỚI CÁC ÔNG KHÁC
Chúng ta không rõ lý do khiến ông Tôma vắng mặt
khi Chúa Giêsu phục sinh đến với Nhóm Mười Hai.
Nhóm nay chỉ còn mười một người, vì mất anh Giuđa.
Cả nhóm sống trong tình trạng sợ hãi,
bởi đó họ đóng chặt các cửa (Ga 20,19.26).
Hầu chắc họ không dám ra đường.
Nếu vậy thì vào chiều ngày thứ nhất trong tuần,
Tôma ở đâu khi Chúa Giêsu đến gặp các ông?
Chúng ta không dám đoán là giữa Tôma và anh em
đã có chuyện gì không ổn hay xích mích.
Nhưng có một điều chúng ta biết chắc,
đó là khi mười ông nói: “Chúng tôi đã thấy Chúa,”
Tôma tỏ ra dửng dưng, không hề bị thuyết phục.
Ông khẳng định chắc nịch như một tuyên ngôn:
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở hai bàn tay Người,
và đặt ngón tay mình vào dấu đinh,
và đặt bàn tay mình vào cạnh sườn Người,
tôi sẽ không tin” (Ga 20,25).
Ông đòi thấy và sờ chạm như các môn đệ khác.
Ông muốn có một kinh nghiệm riêng của mình.
Có vẻ ông không tin vào lời chứng của các bạn.
Thái độ của ông làm mọi người không vui.
Bỗng nhiên có một khoảng cách giữa ông và cả nhóm:
mười người đã thấy Chúa, còn một người chưa.
Làm sao có sự hiệp nhất, hiệp hành giữa họ?
Ai sẽ lấp đi khoảng cách này?
Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần,
Chúa Giêsu trở lại căn phòng, các cửa vẫn đóng kín.
Lần này có mặt ông Tôma với các bạn của ông.
Có vẻ Ngài trở lại đây chỉ vì ông,
như thể Ngài nghe thấy những điều ông đòi hỏi.
Đấng phục sinh nhắc lại rành mạch những đòi hỏi đó
và mời ông thực hiện từng điều ông mong mỏi:
“Hãy đặt ngón tay vào đây và xem hai bàn tay Thầy,
hãy đưa bàn tay ra và đặt nó vào vào cạnh sườn Thầy.”
Ta có cảm tưởng Chúa phục sinh đứng rất gần Tôma,
cầm lấy bàn tay ông và để ông chạm vào các vết thương.
Mục đích của cuộc gặp gỡ là đưa ông đi từ vô tín đến tin.
Ngài mong Tôma có cùng đức tin với anh em khác,
để cùng làm chứng như anh em, “Chúng tôi đã thấy Chúa!”
Chỉ khi cùng đức tin, cả nhóm mới có thể đi với nhau.
Chúa Giêsu khiêm tốn đến gặp Tôma,
để xây dựng sự tình anh em hiệp nhất.
Ngài không bỏ rơi ông, không để mất môn đệ nào.
Ngài quý từng người, chấp nhận tính khí của Tôma:
thực tế, thẳng thắn, cứng tin (Ga 11,16; 14,5; 20,25).
Chúa chẳng ngại chiều Tôma để chinh phục ông.
Ngài biết sự cứng lòng của ông lại là một bằng chứng
để thế hệ tương lai vững tin vào phục sinh.
Không chắc Tôma dám đặt tay vào cạnh sườn Thầy,
nhưng ông đã thấy các vết thương và đã tin.
Ông đã tuyên xưng một đức tin lớn hơn điều ông thấy:
“Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.”
Đồng hành hay hiệp hành là điều không dễ.
Ngay giữa những môn đệ của Thầy Giêsu cũng vậy.
Nếu Chúa phục sinh không khiêm hạ đến với Tôma,
chắc Tôma và các ông khác sẽ khó chấp nhận nhau.
Giáo hội lúc nào cũng có những Tôma đầy cá tính,
thường đi nhanh hơn hay chậm hơn cộng đoàn.
Làm sao đừng để mất những Tôma như thế
trên bước đường hiệp hành của Giáo hội.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin cho chúng con học được cách cư xử của Chúa.
Khi được Cha trao toàn quyền trên trời dưới đất,
Chúa vẫn cư xử tế nhị như một người phục vụ.
Chúa nướng bánh và cá cho các môn đệ ăn.
Khi được Cha cho sống lại vinh quang,
Chúa vẫn là người đi bước trước đến với các môn đệ.
Chúa hẹn họ đến Galilê, để nối lại tình Thầy trò,
để chữa lành những vết thương do vấp ngã.
Khi được Cha nâng dậy từ cõi chết,
Chúa không quên tấm lòng của các phụ nữ,
những người đã theo Chúa từ lâu,
đã có mặt khi Chúa chịu đóng đinh và chôn táng.
Bởi đó, những phụ nữ đầu tiên ra thăm mộ
là những người đầu tiên được gặp Chúa,
và được Chúa trao sứ mạng loan báo Tin Vui.
Chúng con học nơi Chúa sự nhẫn nại,
khi thấy Chúa chịu đựng sự cứng lòng của ông Tôma,
học nơi Chúa nghệ thuật đồng hành
khi thấy Chúa chuyện trò với hai môn đệ bỏ đi vì thất vọng.
Chúa phục sinh cao cả nhưng đã tự hạ mình
để chinh phục lại nhóm môn đệ, không để mất một ai.
Chúa có nhiều cách để làm cho người ta nhận ra Chúa,
qua việc gọi tên, hay làm cử chỉ bẻ bánh,
qua mẻ cá lạ, hay qua việc cho họ xem những vết thương.
Chúa đến qua hình dáng anh làm vườn hay người khách lạ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin dạy chúng con đem đến cho con người hôm nay
an bình và hy vọng, niềm tin yêu và Thánh Thần.
Xin cho khuôn mặt chúng con luôn tươi vui để làm chứng,
luôn bừng sáng để tỏa lan sức sống của Chúa. Amen.
10. Suy niệm (song ngữ)
2nd Sunday of Easter
Reading I: Acts 4:32-35
Reading II: 1John 5:1-6
Chúa Nhật 2 Phục Sinh
Bài Đọc I: Cv 4:32-35
Bài Đọc II: 1Ga 5:1-6
Gospel
John 20:19-31
19 On the evening of that day, the first day of the week, the doors being shut where the disciples were, for fear of the Jews, Jesus came and stood among them and said to them, “Peace be with you.”
20 When he had said this, he showed them his hands and his side. Then the disciples were glad when they saw the Lord.
21 Jesus said to them again, “Peace be with you. As the Father has sent me, even so I send you.”
22 And when he had said this, he breathed on them, and said to them, “Receive the Holy Spirit.
23 If you forgive the sins of any, they are forgiven; if you retain the sins of any, they are retained.”
24 Now Thomas, one of the twelve, called the Twin, was not with them when Jesus came.
25 So the other disciples told him, “We have seen the Lord.” But he said to them, “Unless I see in his hands the print of the nails, and place my finger in the mark of the nails, and place my hand in his side, I will not believe.”
26 Eight days later, his disciples were again in the house, and Thomas was with them. The doors were shut, but Jesus came and stood among them, and said, “Peace be with you.”
27 Then he said to Thomas, “Put your finger here, and see my hands; and put out your hand, and place it in my side; do not be faithless, but believing.”
28 Thomas answered him, “My Lord and my God!”
29 Jesus said to him, “Have you believed because you have seen me ? Blessed are those who have not seen and yet believe.”
30 Now Jesus did many other signs in the presence of the disciples, which are not written in this book;
31 but these are written that you may believe that Jesus is the Christ, the Son of God, and that believing you may have life in his name
Phúc Âm
Gioan 20,19-31
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!”
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Đi-dy-mô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến.
25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không sỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!”
27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
28 Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
29 Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
30 Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và đê/ anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Interesting details
- This narrative describes the second part of the appearances to the disciples on Easter evening which appears in various forms in Matthew, Luke and here. But John alone relates the incident of Thomas. John does not specify how many disciples were present, so it may well have been more than twelve - not including Thomas and Judas.
- (v.20) The disciples were glad when they saw the Lord. Jesus fulfills his promise expressed earlier in (16:22) when he says: “But I will see you again and your hearts will rejoice”.
- (v.22) The word “spirit” also means breath. Jesus breathes on them as God had breathed life into Adam: Jesus recreates them with the Holy Spirit.
- (v.27) After the verb “put”, we would expect “and feel”. Instead, Jesus asks Thomas to “see”, meaning “really see” or “understand”.
- As the disciples gradually gain better knowledge of Jesus, they give Jesus a series of titles with increased accuracy. Here, Thomas gives the final title, the definite one: Jesus is LORD GOD.
- (v.28) In the original conclusion to this Gospel, the final statement by Thomas repeats its opening truth: “the Word was God” (1:1).
Chi tiết hay
- Đoạn Phúc Âm này tả lại phần thứ hai của việc Đức Kitô hiện ra với các tông đồ theo các Phúc Âm của Matthêu, Luca và Gioan. Tuy nhiên chỉ có Phúc Âm của Gioan mới kể chuyện xảy đến với Tôma. Thánh Gioan không nói rõ có bao nhiêu người hiện diện vì thế có thể có hơn 12 người ở đó, không kể Tôma và Giuđa.
- (c.20) Các tông đồ vui mừng vì thấy Đức Kitô. Ngài đã giữ đúng lời hứa trước đó (16,22) khi nói rằng: “Nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.”
- (c.22) Đức Kitô thổi hơi vào các ông như xưa kia Thiên Chúa đã thổi sự sống vào Adong: Đức Giêsu đã tái tạo các ông bằng Thần Khí.
- (c.27) Sau khi nói “đặt tay vào”, chúng ta tưởng Đức Kitô sẽ nói tiếp “và hãy cảm giác thấy”, nhưng, thay vào đó Ngài lại bảo “và nhìn xem”, có nghiã là “hãy thực sự nhận ra” hoặc là “hãy hiểu.”
- Các môn đệ mỗi ngày một hiểu biết Thầy mình rõ hơn và dần dần đặt cho Ngài các danh hiệu càng ngày càng chính xác hơn. Ở đây Tôma gọi Ngài bằng danh xưng cuối cùng và chính xác nhất: Đức Giêsu là Chúa, là Thiên Chúa.
- (c.28) Trong phần kết của cuốn Phúc Âm nguyên thủy, Gioan dùng lời của Tôma để lập lại lời mở đầu: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1)
One main point
“My Lord and my God!”. Thomas expresses, not what he has seen, but what he now believes, and it is the complete truth.
Một điểm chính
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Tôma tuyên xưng, không phải vì đã thấy, nhưng vì ông đã tin, và điều ông tin là tất cả sự thật.
Reflections
- Imagine you are in the room with the disciples when Jesus appears. Look at the disciples' reactions, at Jesus as he blesses you. What do you have to say to Jesus ?
- In what ways are we like or unlike Thomas ?
- What (or who) has helped me to believe in Jesus and have life ?
Suy niệm
- Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong phòng với các tông đồ khi Đức Giêsu hiện ra. Hãy nhìn những phản ứng của họ, và nhìn Đức Giêsu khi Ngài ban phép lành cho bạn. Bạn muốn thưa với Ngài điều gì ?
- Chúng ta giống và khác Tôma ở những điểm gì ?
- Điều gì, hoặc ai, đã giúp bạn tin Đức Giêsu và được sự sống ?
bài liên quan mới nhất
- Thứ Sáu tuần 26 Thường niên năm II - Nguy cơ của những tiện nghi vật chất (Lc 10,13-16)
-
Thứ Năm tuần 26 Thường niên năm II - Sứ mệnh truyền giáo (Lc 10,1-12) -
Ngày 02/10: Các Thiên thần Bản mệnh (Mt 18,1-5.10) -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu (Mt 18,1-5) -
Thứ Hai tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,46-50) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật 26 Thường niên năm B - Sống quảng đại và bao dung (Mc 9,37-42.44.46-47) -
Thứ Bảy tuần 25 Thường niên năm II (Lc 9,43b-45) -
Thứ Sáu tuần 25 Thường niên năm II (Lc 9,18-22) -
Thứ Năm tuần 25 Thường niên năm II - Dấu hỏi cho người khác (Lc 9,7-9)
bài liên quan đọc nhiều
- Mùng 2 Tết: Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ (Mt 15,1-6)
-
Thứ Năm Tuần Thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Sáu Tuần Thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Thứ Ba tuần 5 Phục sinh - Bình an Chúa ban (Ga 14,27-31a) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 8/4: Lễ Truyền Tin (Lc 1,26-38)