Bài 131: Bảy mươi hai Môn đệ là ai? I Dưới ánh sáng Lời Chúa
TGPSG -- Phụng vụ Chúa Nhật XIV Thường Niên cho chúng ta nghe đọc bài Tin Mừng Lc 10,1-20 nói về Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ được Đức Giê-su sai đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Thánh Lu-ca viết : “Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1) ; “Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói : “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10,17).
Trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về Nhóm Bảy Mươi Hai này : Họ là ai, họ tương quan thế nào với Đức Giê-su và với Nhóm Mười Hai, cũng như sứ mạng của họ là gì.
1. Nhóm Bảy Mươi hay Bảy Mươi Hai ?
a. Khác biệt về con số giữa các thủ bản Tin Mừng Lu-ca
Đọc các bản dịch Tân Ước, chúng ta thấy có sự chọn lựa khác nhau về con số 70 hoặc 72 môn đệ. Lu-ca là tác giả Tin Mừng duy nhất đề cập đến nhóm môn đệ này (x. Lc 10,1-20) vì thế chúng ta không có bản văn Tin Mừng khác để đối chiếu. Các thủ bản Tin Mừng Lu-ca có hai chọn lựa : một số thủ bản ghi là “Bảy Mươi người khác” - (א-Sinaiticus A-Alexandrinus, C-Ephraemi, L-Regius), số khác lại ghi là “Bảy Mươi Hai người khác” (B-Vaticanus, D-Bezae). Chính vì vậy, hiện nay một số bản văn Hy Lạp của đoạn Tin Mừng này đã đặt “số hai” ở trong ngoặc là : Hebdomêkonta [duo] - Bảy mươi [hai].
Vậy vấn đề đặt ra là chọn số 70 hay 72 ? 70 là con số trọn vẹn, hoàn hảo vì là 10 lần của số 7 ; trong khi con số 72 là con số biểu tượng liên quan đến Ít-ra-en vì là bội số của số 12 tượng trưng cho 12 chi tộc Ít-ra-en, và như vậy số 72 môn đệ hàm ý đến Ít-ra-en mới từ các dân nước mà các môn đệ sẽ được sai đến để loan báo Tin Mừng.
Trở lại với các sách Cựu Ước. Khi nói về con số các dân tộc, Sách Sáng Thế, chương 10, bản Híp-ri đưa ra danh sách 70 dân tộc, còn bản Kinh Thánh Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp (bản LXX) lại đưa ra danh sách 72.
Cả hai con số 70 hay 72 đều có ý chỉ các dân ngoại. Thánh Lu-ca hẳn đã theo bản văn Hy-lạp mà chọn số 72. Tác giả dư biết các môn đệ chỉ đến với dân ngoại sau Phục Sinh và lễ Ngũ Tuần (x. Lc 24,47 ; Cv 1,8), nhưng ở đây ông muốn đưa ra một tiền ảnh có giá trị tượng trưng về sứ vụ tương lai của Hội Thánh.
Tuy nhiên, trở lại với sự kiện ông Mô-sê chọn 70 người trong số các kỳ mục để phụ giúp ông trong việc coi sóc dân Ít-ra-en, chúng ta thấy cả hai bản văn sách Dân Số và Xuất Hành đều ghi nhận con số 70 :
“Đức Chúa phán với ông Mô-sê : “Hãy tập họp lại cho Ta bảy mươi người trong số kỳ mục Ít-ra-en, những kẻ ngươi biết là kỳ mục và ký lục trong dân. Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên chúng, chúng sẽ cùng với ngươi gánh vác dân này, và ngươi sẽ không còn phải vác một mình nữa” (Ds 11,16.17b ; x. cc.24-25).
“Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : ‘Hãy lên với Đức Chúa, ngươi cùng với A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu và bảy mươi người trong hàng kỳ mục Ít-ra-en. Ông Mô-sê đi lên cùng với ông A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu và bảy mươi người trong hàng kỳ mục Ít-ra-en” (Xh 24,1.9).
Với những trưng dẫn trên nói về mối liên hệ giữa ông Mô-sê với con số 70, có lẽ chọn cách đọc Lc 10,1.17 với con số 70 thì thích hợp hơn. Tuy nhiên, truyền thống và phụng vụ lại chọn con số 72 theo như bản LXX mà theo đó, bản dịch Kinh Thánh Phổ Thông La-tinh (Vulgata) cũng như bản Phổ Thông La-tinh mới (Nova Vulgata) và nhiều bản dịch khác đã chọn.
b. Căn tính của Nhóm Bảy Mươi Hai
Khi đề cập đến Nhóm Bảy Mươi [Hai], Tin Mừng Lu-ca gọi họ là “Bảy mươi [hai] người khác” mà không xác định là “tông đồ” hay “môn đệ”, vì thế có người gọi đây là “Bảy mươi [hai] môn đệ” (ἑβδομήκοντα μαθητές), hoặc là “Bảy mươi [hai] tông đồ” (ἑβδομήκοντα ἀπόστολοι) của Đức Ki-tô.
Cần lưu ý rằng đọc theo số 70 hay 72 thì không quan trọng bằng các giáo huấn, chỉ thị mà Đức Giê-su truyền dạy họ, cũng như quyền năng mà Đức Giê-su ban cho họ để thực thi sứ mạng rao giảng và chữa lành của chính Đức Giê-su (x. Lc 10,17).
Bảy Mươi [Hai] là nhóm người đông đảo, thế mà Kinh Thánh chỉ nhắc đến cách chung như một nhóm người đi theo Đức Giê-su làm môn đệ. Vì thế, vấn đề không phải là danh tánh rõ ràng hay gốc gác ở đâu, mà điều quan trọng và đáng vui mừng chính là tên của họ được ghi trên trời như lời Đức Giê-su nói với các môn đệ này : “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Như vậy, việc họ vui mừng hớn hở về các phép lạ họ làm được và ma quỷ phải khuất phục họ nhờ danh của Đức Giê-su không quan trọng bằng việc chính họ được gọi tham dự vào sứ mạng cứu độ của Đức Giê-su.
2. Sứ vụ của Nhóm Bảy Mươi Hai
Thánh Lu-ca viết rằng : “Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,1-2), và “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1).
Vậy, sứ vụ của Nhóm Bảy Mươi [Hai] có gì đặc biệt không, khi mà Đức Giê-su đã sai Nhóm Mười Hai đi thi hành sứ vụ tông đồ (x. Mt 10,5-15 ; Mc 6,7-13 ; Lc 9,1-6) ?
Đối với Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su chỉ thị rằng : “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10,5-6), còn với Nhóm Bảy Mươi [Hai] thì Người sai các ông “đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1). Như vậy, đối tượng được sai đến của Nhóm Bảy Mươi [Hai] có sự khác biệt với đối tượng sứ vụ của Nhóm Mười Hai. Nhóm Mười Hai được chỉ thị “đừng đi về phía các dân ngoại”, nhưng Nhóm Bảy Mươi [Hai] thì không bị hạn chế đến với dân ngoại. Con số 12 tượng trưng cho các chi tộc Ít-ra-en, trong khi số 70/72 tượng trưng cho muôn dân nước. Như vậy, Nhóm Mười Hai được sai đến với nhà Ít-ra-en, còn Nhóm Bảy Mươi Hai thì đến với mọi dân tộc. Tuy thế, trong viễn cảnh sau biến cố phục sinh, chính các Tông đồ thuộc Nhóm Mười Hai cũng đã vượt ra ngoài ranh giới Ít-ra-en để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại theo lệnh truyền của Đức Giê-su phục sinh : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Về sứ vụ của Nhóm Mười Hai và của Nhóm Bảy Mươi [Hai] nhìn chung là giống nhau, đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật.
Đối với Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su truyền : “Hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ” (Mt 10,7-8 ; x. Lc 9,1-2).
Đối với Nhóm Bảy Mươi [Hai], Đức Giê-su bảo : “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’” (Lc 10,9).
Về cung cách của người rao giảng, Đức Giê-su chỉ thị cho cả hai nhóm tương tự nhau.
Đối với Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su chỉ thị rằng : “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi” (Lc 9,3.6).
Đối với Nhóm Bảy Mươi [Hai], Đức Giê-su căn dặn rằng : “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : ‘Bình an cho nhà này !’” (Lc 10,4).
Như thế, việc rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành không chỉ được Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai thực hiện, mà cả Nhóm Bảy Mươi [Hai] cũng thi hành. Chính vì vậy, việc chọn gọi Nhóm Bảy Mươi [Hai] và uỷ thác sứ vụ cho họ nhằm tiên báo sứ vụ tương lai của Hội Thánh đồng thời định hình mẫu thức làm môn đệ cho những ai được gọi đi theo Đức Giê-su và được sai đi chia sẻ sứ vụ của Người.
3. Danh tánh Nhóm Bảy Mươi [Hai]
Trong Tin Mừng, rất nhiều lần các tông đồ thuộc Nhóm Mười Hai được gọi là các môn đệ của Đức Giê-su. Như vậy, có thể nói, các sách Tin Mừng đồng nhất hoá danh xưng tông đồ với danh xưng môn đệ. Còn về các môn đệ không thuộc Nhóm Mười Hai, có một vài người được nhắc đến với danh tánh rõ ràng, chẳng hạn như trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau, thánh Lu-ca viết : “Ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau. Một trong hai người tên là Clê-ô-pát” (Lc 24,13.18). Tin Mừng Gio-an thì viết về một môn đệ khác rằng : “Ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái” (Ga 19,38). Trong tác phẩm Về Bảy Mươi Tông Đồ của Đức Ki-tô, thánh Híp-pô-li-tô thành Rô-ma đã liệt kê danh tánh của 70 vị trong đó có những vị quen thuộc như : Gia-cô-bê (người anh em của Chúa), Clê-ô-pát (một trong hai môn đệ Em-mau), thánh Mát-thi-a tông đồ, Kha-na-ni-a (người rửa tội cho thánh Phao-lô), phó tế Phi-líp-phê, thánh Stê-pha-nô, thánh Mác-cô, thánh Lu-ca, thánh Ba-na-ba tông đồ, và nhiều vị khác nữa từng được nhắc đến trong các thư của thánh Phao-lô như Xin-va-nô, A-pô-lô, Ty-khi-cô, Ê-páp-rô-đi-tô, Ru-phô, Phi-lô-lô-gô, v.v. Một truyền thống khác còn kể vào Nhóm Bảy Mươi [Hai] các vị như Ni-cô-đê-mô, Ti-mô-thê, Ti-tô, v.v.
Kết luận
Các sách Tin Mừng thường gọi các tông đồ thuộc Nhóm Mười Hai là các môn đệ của Đức Giê-su, Nhóm Bảy Mươi [Hai] cũng được gọi là các môn đệ, và cả các tín hữu cũng được gọi là môn đệ (x. Cv 6,1-2 ; 9,1.20). Như vậy, tất cả những ai tin và theo Đức Giê-su đều là môn đệ của Người và đều được sai đi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, và đó là căn tính của tất cả Ki-tô hữu chúng ta.
Thánh Phao-lô viết : “Chính Đức Ki-tô đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô” (Ep 4,11-12) và trong Hội Thánh, “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,4-7).
Như vậy, tuy có những đặc sủng khác nhau trong Hội Thánh nhưng nền tảng của mọi ơn gọi là trở thành môn đệ của Đức Giê-su và tiếp nối sứ vụ của Người là loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và ơn cứu độ cho mọi người.
bài liên quan mới nhất

- Bài 130: Từ Si-môn đến Phê-rô, từ Sa-un đến Phao-lô I Dưới ánh sáng Lời Chúa
-
Bài 129: Thánh Gioan Tẩy Giả: Câu chuyện về những cái tên I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 126: Một Đấng Bảo Trợ khác I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 125: Ngự bên hữu Thiên Chúa I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 124: Cha Thầy và Thầy I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 123: Điều Răn và Điều Răn Mới I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 122: Nghe - biết - đi theo giữa mục tử và đoàn chiên I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 121: Mẻ cá lạ lùng và tình yêu của Thánh Phêrô | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 120: Bình an và Thần Khí từ Đấng Phục Sinh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 119: Sao Chúa Phục Sinh hiện ra trước tiên với các phụ nữ? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa